Hỗ trợ người nghèo vùng ngoại thành TP Hồ Chí Minh
Bà Mạch Thị Cẩm Vân chăm sóc đàn bò sữa của gia đình. Tính đến cuối năm 2011, TP Hồ Chí Minh chỉ còn hơn 92 nghìn hộ có mức thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/năm, chiếm tỷ lệ 5,09% tổng số hộ dân. Nhờ sự trợ giúp nhiều mặt của thành phố, mỗi năm có hàng chục nghìn hộ, nhất là các huyện ngoại thành thoát khỏi hoàn cảnh nghèo túng.Trong hành trình vượt nghèo, vươn lên làm giàu, bà Mạch Thị Cẩm Vân, nông dân khu phố Phước Hiệp, phường Long Trường, quận 9 là người cảm nhận đầy đủ nhất sự trợ giúp của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể trong thành phố. Long Trường trước đây vốn là xã vùng trũng của huyện Thủ Đức. Nay, dù đã trở thành khu phố, phường, nhưng bộ mặt vẫn còn mang dáng dấp nông thôn; nhiều gia đình vẫn sống bằng nghề nông. Nhớ lại những năm 1995 - 1997, bà Vân cho biết: Hồi đó gia đình tôi nghèo lắm, nhà có bốn miệng ăn mà chỉ trông vào tiền công phụ hồ của chồng nên thiếu trước, hụt sau, chạy ăn từng bữa. Sự...
Bà Mạch Thị Cẩm Vân chăm sóc đàn bò sữa của gia đình. |
Trong hành trình vượt nghèo, vươn lên làm giàu, bà Mạch Thị Cẩm Vân, nông dân khu phố Phước Hiệp, phường Long Trường, quận 9 là người cảm nhận đầy đủ nhất sự trợ giúp của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể trong thành phố. Long Trường trước đây vốn là xã vùng trũng của huyện Thủ Đức. Nay, dù đã trở thành khu phố, phường, nhưng bộ mặt vẫn còn mang dáng dấp nông thôn; nhiều gia đình vẫn sống bằng nghề nông. Nhớ lại những năm 1995 – 1997, bà Vân cho biết: Hồi đó gia đình tôi nghèo lắm, nhà có bốn miệng ăn mà chỉ trông vào tiền công phụ hồ của chồng nên thiếu trước, hụt sau, chạy ăn từng bữa. Sự trợ giúp đầu tiên bà Vân nhận được từ Ban Chỉ đạo Xóa đói, giảm nghèo thành phố là căn nhà tình thương trị giá sáu triệu đồng. “Sáu triệu đồng thời điểm 1995 là lớn lắm, hơn một cây vàng. Số tiền lớn như vậy chồng tôi chỉ dám nghĩ đến trong những giấc mơ”! – Bà Vân chia sẻ. Không chỉ được tặng nhà, bà Vân còn được Phòng Kinh tế huyện Thủ Đức cấp một con bò sữa (cùng thời điểm này trong ấp có tới tám hộ nông dân nghèo được cấp bò) để nuôi với điều kiện khi bò đẻ thì giao lại một con bê cái để quận cấp cho người nghèo khác. Cùng với bò, bà còn được vay vốn từ Quỹ Xóa đói, giảm nghèo, Quỹ Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, Quỹ Hội Nông dân… để lấy vốn làm ăn. Từ những sự trợ giúp nói trên, đến nay chuồng bò của bà Vân có 13 con, sáu con đang cho sữa, trừ hết chi phí mỗi ngày có thu nhập trên dưới 300 nghìn đồng. Tính thêm cả tiệm tạp hóa do Hội Phụ nữ trợ vốn, mỗi tháng gia đình bà thu nhập hơn mười triệu đồng. Chăm chỉ, biết tính toán làm ăn, trả nợ đúng hạn, bà Vân được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng Tổ phụ nữ vay vốn, là cầu nối cho 20 chị em nghèo khác trong khu phố tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để làm kinh tế gia đình.
Đến trại chăn nuôi lợn của ông Lê Văn Lợi, nông dân khu phố Trường Lưu, phường Long Trường, quận 9 không ai nghĩ chỉ vài năm trước gia đình ông còn thuộc diện xóa đói, giảm nghèo. Bên dãy chuồng đang nuôi mười con lợn nái, 80 con lợn thịt, ông Lợi kể về quá trình phấn đấu thoát nghèo của mình: Những năm trước, vốn liếng của gia đình ông chỉ có ao rau muống, tiền bán rau mỗi ngày dù không nhiều, con cái đang tuổi ăn tuổi học nhưng vợ chồng vẫn bàn nhau cố gắng dành dụm mua một con lợn giống, hằng ngày chịu khó đến các nhà hàng xin thức ăn thừa để nuôi. Thấy gia đình ông chăm chỉ, lại biết tính toán làm ăn nên Ban Chỉ đạo Giảm nghèo, tăng hộ khá của phường đề xuất cho vay 50 triệu đồng, liên tiếp nhiều chu kỳ. Được tiếp vốn, ông Lợi làm thêm chuồng trại, đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi… gây dựng dần dần lên quy mô như hiện nay. Ông Lợi nói: “Nói thiệt, nếu không có sự trợ giúp của phường, của quận thì gia đình tôi vẫn còn trong cảnh nghèo túng”.
Trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày một ít do quá trình đô thị hóa, việc trợ giúp để nông dân thoát nghèo, làm giàu thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi là cách làm hiệu quả. Với lợi thế vùng ven của đô thị lớn, trồng rau an toàn, hoa lan, cây cảnh luôn có thu nhập cao. Từ hoa, rau, dù diện tích không lớn nhưng nhiều hộ nông dân vẫn có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bà Trần Ngọc Tuyết, nông dân ấp 1, xã Phú Hòa, huyện Củ Chi là một trong những nông dân thoát nghèo làm giàu nhờ hoa lan. Trước đây gia đình bà Tuyết chỉ cấy lúa, năm được mùa cũng chỉ đủ ăn. Chỉ từ khi chuyển sang trồng lan cắt cành, kinh tế gia đình bà mới bắt đầu khởi sắc. Ban đầu chỉ làm thử trên một phần đất ruộng, thấy hiệu quả bà mạnh dạn vay thêm vốn, chuyển toàn bộ đất lúa sang hoa lan. Hiện nay, hơn 70 nghìn gốc lan giống Monkara đang cho thu hoạch, trừ hết mọi chi phí mỗi năm gia đình bà có lãi hơn 500 triệu đồng. Ông Nguyễn Ngọc Long, ở ấp Nam Thới, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, cũng là một điển hình nông dân thoát nghèo nhờ chuyển đổi cây trồng. Khi học xong trung học, nhà nghèo, ruộng ít, ông Long từng làm thuê với đủ thứ nghề nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Năm 2001, ông quyết định thuê đất trồng bonsai. Vừa làm vừa học, tích lũy kinh nghiệm vườn bonsai của ông ngày càng mở rộng. Hơn mười năm gây dựng, diện tích vườn của ông lên đến gần bốn ha, tính ra thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng…
Để người dân ngoại thành chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, ngoài thực hiện các chính sách của Nhà nước, thành phố còn dành cho nông dân nhiều ưu đãi. Cùng với cung ứng đủ vốn cho người có nhu cầu vay, thành phố còn hỗ trợ 100% lãi suất cho những hộ thuộc diện giảm nghèo vay vốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị. Năm 2011, tổng nguồn quỹ thành phố trực tiếp dành cho chương trình giảm nghèo lên đến 2.997 tỷ đồng. Riêng 35 nghìn hộ trong diện giảm nghèo đang được Quỹ Xóa đói, giảm nghèo thành phố trợ vốn (không lãi suất) với tổng số tiền 209,9 tỷ đồng… Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác phổ biến khoa học, chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến cho nông dân… Mỗi năm, hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; hàng nghìn lượt nông dân học được những kiến thức canh tác tiên tiến nhất; hàng nghìn người được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn ở những mô hình làm ăn hiệu quả.
Trong các hình thức trợ giúp người nghèo, việc dạy nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên; cấp học bổng, phương tiện đi học cho con em những gia đình có hoàn cảnh khó khăn được coi là những giải pháp mang tính cơ bản, bảo đảm cho việc thoát nghèo bền vững. Trong năm 2011, toàn thành phố có 46.105 học sinh nghèo được miễn, giảm học phí, tiền đóng góp xây dựng cơ sở vật chất nhà trường… với tổng trị giá hơn 30 tỷ đồng; 2.650 lao động nghèo được cấp kinh phí học nghề; 15.283 lao động nghèo được giới thiệu việc làm, có thu nhập ổn định. Thành phố còn trích ngân sách hơn 70 tỷ đồng, mua 211 nghìn thẻ bảo hiểm y tế tặng cho người nghèo… Cũng trong năm 2011, bằng việc huy động các nguồn lực xã hội, MTTQ các cấp trong thành phố đã cấp 23.792 suất học bổng có giá trị 21,79 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên là con em các gia đình nghèo; hơn 540 em khác được
tặng phương tiện đi học. Bên cạnh đó, MTTQ còn xây mới 1.068 căn nhà tình thương tặng các gia đình nghèo; sửa chữa nhà cho hơn 900 hộ nghèo khác… với tổng số tiền gần 120 tỷ đồng… Những sự hỗ trợ nói trên góp phần không nhỏ giúp người nghèo ổn định cuộc sống.
Bằng nhiều giải pháp thiết thực, biết huy động nhiều nguồn lực xã hội, TP Hồ Chí Minh đang từng bước phấn đấu đến năm 2015 hạ tỷ lệ hộ nghèo (12 triệu đồng/ người/ năm) xuống dưới 2% như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 9 đã đề ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()