Hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng hạn, mặn
Theo chủ trương của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ngành ngân hàng hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã phối hợp với chính quyền địa phương thống kê tổn thất do hạn hán gây ra trên địa bàn; tập trung khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, xóa nợ cho người dân, nhất là tại những vùng bị hạn nặng. Đồng thời, tiếp tục cho vay mới để người dân vùng thiên tai khôi phục, duy trì sản xuất, làm tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ hộ nghèo cho bà con vùng khó khăn.
* Tại Gia Lai, hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các loại cây trồng trong vụ sản xuất đông xuân 2015 – 2016, nhất là hàng nghìn ha lúa nước ở nhiều nơi bị mất trắng, khiến toàn tỉnh có gần 14 nghìn hộ với 62 nghìn khẩu bị thiếu đói trong thời điểm giáp hạt. Huyện Ia Pa, Chư Pưh, Phú Thiện, Ayunpa đã trích ngân sách hỗ trợ gần 240 tấn gạo cứu đói cho 1.900 hộ dân trong diện cấp thiết. Chính phủ quyết định hỗ trợ cho tỉnh 500 tấn gạo để cứu đói. Tỉnh cũng xem xét hỗ trợ khoảng 1.500 tấn gạo, tạo điều kiện cho đồng bào ổn định cuộc sống và chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa 2016.
* Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức hỗ trợ cho 1.000 hộ nghèo ở các xã Lương Hòa, Lương Quới và Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) bị ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập. Theo đó, mỗi hộ dân được cấp hai can nhựa chứa nước (20 lít/can); hai bình nước lọc (20 lít/bình) và một hộp Aquatabs dùng để khử khuẩn. Công ty phân bón, hóa chất và dầu khí Tây Nam Bộ cũng đã tặng 400 hộ nghèo ở hai xã An Hiệp và An Đức (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), mỗi hộ một bao phân DAP và một phiếu mua hàng (xăng dầu) trị giá 200 nghìn đồng.
* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, phía tây và đông Bắc Bộ có mưa vài nơi, sáng sớm có nơi có sương mù. Riêng khu Tây Bắc trưa chiều, trời giảm mây, hửng nắng. Trong khi đó, tại khu vực Nam Bộ, mây thay đổi, đêm không mưa, ngày nắng; riêng miền đông có nắng nóng. Trên biển, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa, có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7. Biển động.
* Các địa phương tranh thủ lấy nước ngọt sớm:Viện Khoa học Thủy lợi miền nam vừa có Thông báo khẩn cấp số 14/TB/VKHTLMN gửi Tổng cục Thủy lợi và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về việc mặn xâm nhập và lấy nước ở khu vực này. Theo đó, trong tháng 4, các tỉnh ven sông Cửu Long, phạm vi cách biển từ 25 đến 40 km sẽ có nước ngọt khi triều thấp, chân triều. Để tận dụng nguồn nước ngọt này, Viện Khoa học Thủy lợi miền nam đề nghị các địa phương tập trung tối đa phương tiện để lấy nước ngọt (để dùng đến tháng 6 và 7), trong đó đặc biệt chú ý mở các cống ở các hệ thống ngọt hóa Gò Công, Nam Mang Thít…, khi nước ngọt xuất hiện (thường khi mực nước vừa và thấp). Khi thực hiện việc lấy nước, cần kiểm tra độ mặn của nguồn cấp.
* Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ (PVFCCo SE) đã trao 300 phần quà với tổng trị giá 230 triệu đồng, nhằm hỗ trợ các hộ gia đình nông dân tại hai huyện Cần Giuộc và Cần Đước (tỉnh Long An) đang chịu thiệt hại nặng nề trong đợt khô hạn, xâm nhập mặn.
* Tại Phú Yên, dù đang giữa mùa cá nhưng nhiều tàu, thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân trong tỉnh không thể ra được cửa biển Đà Diễn do sóng lớn và triều cường dâng cao đã đẩy một lượng lớn cát từ biển vào, làm bồi lấp luồng lạch ra vào. Ngư dân đã kiến nghị lên các cơ quan chức năng tìm hướng khắc phục nhưng hiện tại, vẫn chưa biết khi nào các luồng lạch mới được nạo vét để giải phóng tàu thuyền.
* Hiện các tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã kết hợp với Đại học Cần Thơ triển khai dự án ứng dụng dùng ảnh viễn thám để dự báo năng suất lúa. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang, trong vụ hè thu sắp tới, tỉnh sẽ triển khai thực hiện sớm ứng dụng này. Cụ thể, khi lúa 60 ngày tuổi, việc dùng ảnh viễn thám có thể đánh giá được trà lúa cho năng suất bao nhiêu và độ chính xác có thể lên đến hơn 90%.
* Theo Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa, ngành thú y tỉnh và chính quyền địa phương đang khẩn trương tiêu độc khử trùng, tiêm phòng, bao vây các ổ dịch lở mồm long móng trên đàn trâu, bò tại hai huyện miền núi Bá Thước và Quan Hóa, làm 45 con trâu, bò bị mắc bệnh. Chi cục Thú y tỉnh đã phân bổ 3.480 lít hóa chất Han-Iodine 10% về hai huyện có dịch để tiêu độc, khử trùng. Đồng thời cấp phát gần 14 nghìn liều vắc-xin để tiêm phòng dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc.
Bàn giải pháp chống hạn cho cà-phê, điều, hồ tiêu
Ngày 29-3, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tỉnh Đác Lắc tổ chức hội thảo giải pháp khoa học công nghệ chống hạn và phát triển bền vững cà-phê, điều, hồ tiêu vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Mùa khô năm nay, toàn khu vực đã có 7.108 ha lúa phải dừng sản xuất, 8.403 ha lúa đông xuân và 40.137 ha cà-phê, 2.290 ha tiêu thiếu nước tưới, bị mất trắng hoặc giảm năng suất từ 30 đến 70%. Tại hội thảo, một số ý kiến đưa ra các giải pháp trồng xen, đa dạng hóa sản phẩm trong vườn cà-phê, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, quản lý cây trồng tổng hợp… Đối với cây hồ tiêu, cần trồng xen trong vườn cà- phê, tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân qua hệ thống tưới để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán.
Cứu bảy thuyền viên tàu cá
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) cho biết, lúc 18 giờ ngày 29-3, tàu cứu nạn SAR 413 đã đưa bảy thuyền viên cùng tàu cá BV 95227 TS về bờ an toàn. Tàu do ông Nguyễn Văn Thông làm thuyền trưởng và là chủ phương tiện, trú tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) bị hỏng máy chính từ ngày 27-3, cách mũi Vũng Tàu khoảng 46 hải lý về phía đông nam. Vietnam MRCC đã lập tức điều động tàu SAR 413 đi cứu nạn. Đến 6 giờ ngày 29-3, tàu SAR 413 đã tiếp cận được tàu cá, tiến hành chăm sóc y tế, sức khỏe cho bảy thuyền viên và lai kéo tàu về bờ.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()