Hỗ trợ người dân Thừa Thiên - Huế hơn 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả lũ lụt
Trong mấy ngày qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhận được sự ủng hộ của nhiều địa phương, đơn vị và cá nhân cả nước với số tiền trên 1 tỷ đồng.
Trong mấy ngày qua, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã nhận được sự ủng hộ của nhiều địa phương, đơn vị và cá nhân cả nước với số tiền trên 1 tỷ đồng.
Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ 600 triệu đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam ủng hộ 200 triệu đồng; Ngân hàng Phát triển Việt Nam ủng hộ 50 triệu đồng; Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh 30 triệu đồng… Số tiền trên đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế kịp thời chuyển về cơ sở, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiệt hại do bão số 10 gây ra, sớm ổn định đời sống và phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế trích ngân sách hỗ trợ kịp thời 6 triệu đồng đối với các hộ có nhà bị sập; 2 – 4 triệu đồng đối với hộ có nhà bị tốc mái, hư hại từ 50 – 70%. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên – Huế kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên cho những người bị thiệt hại do bão gây ra; chi hỗ trợ 3 nhà sập 33 triệu đồng; hỗ trợ 60 nhà tốc mái mỗi nhà 500.000 đồng; hỗ trợ 50 thùng mì tôm cho người dân huyện Phú Lộc.
Tuy cũng là địa phương chịu nhiều thiệt hại do bão số 10 nhưng với tấm lòng “nhường cơm xẻ áo”, Trường Đại học Sư phạm Huế đã vận động quyên góp 100 suất quà mỗi suất trị giá 350.000 đồng, đến thăm hỏi các hộ gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề, có hoàn cảnh khó khăn ở xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cũng với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế đã quyên góp, ủng hộ được 25,3 triệu đồng giúp đỡ 20 hộ bị thiệt hại nặng do thiên tai tại hai huyện Bố Trạch và Quảng Trạch (Quảng Bình).
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, tổng thiệt hại do bão số 10 gây ra trên địa bàn ước tính 314,8 tỷ đồng; trong đó, thiệt hại các công trình thủy lợi, đê điều, sạt lở 289,6 tỷ đồng; nông, lâm, ngư nghiệp 14,2 tỷ đồng; nhà ở dân sinh 6,2 tỷ đồng… Tỉnh đề nghị được hỗ trợ 25 tỷ đồng khắc phục khẩn cấp nhà cửa bị sập, tốc mái, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân; đối phó với tình trạng sạt lở bờ biển; khắc phục một bước về hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, xử lý củng cố các công trình đê điều, giao thông bị thiệt hại phục vụ sản xuất; hỗ trợ nâng cao năng lực phương tiện cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn cho địa phương các loại ca nô cứu nạn, phao cứu sinh…để sẵn sàng đối phó với những đợt mưa bão tiếp theo. Về lâu dài, tỉnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ đầu tư dự án xử lý khắc phục sạt lở bờ biển Hải Dương (thị xã Hương Trà) với chiều dài 730m, bờ biển khu vực thôn An Dương, xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) chiều dài 828 m; chống sạt lở các đoạn xung yếu trên sông Hương, sông Bồ….
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()