Hỗ trợ người bị thiệt hại do COVID-19 cần bảo đảm tính bao trùm
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng |
Dự thảo nghị quyết được xây dựng trên quan điểm tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với định hướng của Chính phủ.
Hiện các quốc gia trên thế giới có cùng hành động là ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn và dập dịch sớm nhất có thể; triển khai tất cả các biện pháp để giảm thiểu ở mức cao nhất tác động của dịch. Các quốc gia sử dụng tất cả các biện pháp, từ nới lỏng tiền tệ, tài khóa, tăng chi tiêu chính phủ, tới quản lý hành chính… cùng chung đặc điểm là thống nhất trong nội bộ rất nhanh và ở cấp cao nhất.
Quy mô các chính sách hỗ trợ về tài khóa là rất lớn, về tiền tệ thì gần như không có giới hạn; phương pháp và cách thức hỗ trợ chưa từng có trong tiền lệ; chấp nhận vượt giới hạn quy định thông thường về kỷ luật quản lý tài chính, ngân sách; thực hiện các biện pháp hành chính áp dụng như thời chiến.
Dự thảo nghị quyết được xây dựng trên cơ sở 6 quan điểm của Chính phủ Việt Nam.
Thứ nhất, xây dựng và tổ chức thực hiện ngay các chính sách; kịp thời hỗ trợ cuộc sống người lao động, người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây là một chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo đời sống của nhân dân.
Thứ hai, chăm lo đời sống, an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách trong bối cảnh dịch COVID-19 là trách nhiệm của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và sự tham gia của toàn xã hội.
Thứ ba, đối tượng hỗ trợ là người lao động, người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch.
Thứ tư, tiêu chí, cách làm phải đơn giản, dễ hiểu, dễ triển khai thực hiện và dễ quản lý, giám sát.
Thứ năm, tăng cường phân cấp cho địa phương trong tổ chức thực hiện.
Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và nền tảng số để triển khai.
Các mục tiêu các chính sách của nghị quyết bảo đảm tính bao trùm và nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới các đối tượng thuộc nhóm yếu thế, gồm người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Theo dự thảo, có 6 nội dung hỗ trợ. Thứ nhất là hỗ trợ thêm (ngoài mức trợ cấp thường xuyên) 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng (4, 5 và 6) cho các đối tượng là người có công với cách mạng (1,135 triệu người) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.
Thứ hai, hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng trong 3 tháng (từ tháng 4-6) cho các đối tượng là hộ nghèo (984.000 hộ), hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019.
Thứ ba, hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng (4, 5 và 6) cho người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp.
Thứ tư, người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động.
Thứ năm, hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng trong 3 tháng (từ tháng 4-6) cho đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ sáu, hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng (4, 5 và 6) cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm.
Theo rà soát của Bộ KH&ĐT, các chính sách hỗ trợ phòng, chống, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch COVID-19 hiện nay cần chú ý hơn các đối tượng thuộc nhóm yếu thế, người khuyết tật. Điều đáng lo ở chỗ, một nhà tài trợ gặp khó khăn kinh tế do dịch COVID-19 đã thông báo rút các khoản hỗ trợ thường xuyên như gạo, đi lại… đã khiến nhiều người khuyết tật, yếu thế gặp khó.
Bộ KH&ĐT cho rằng, các gói hỗ trợ tín dụng cần khuyến khích người sử dụng lao động chi trả đủ lương theo đúng quy định cho người lao động có hợp đồng ký kết nhưng bị ngừng việc. Việc này giúp doanh nghiệp duy trì lực lượng lao động, sẵn sàng hoạt động bình thường trở lại khi dịch kết thúc, giảm chi phí tuyển dụng, đào tạo lại lao động.
Cần hỗ trợ một phần chi phí cuộc sống cho người lao động, khi có điều kiện, người lao động có thể quay trở lại làm việc ngay.
Cần hỗ trợ hộ kinh doanh và người lao động phi chính thức có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch và tác động của các biện pháp cách ly, hạn chế đi lại, để bảo đảm an sinh cuộc sống. Cần góp phần duy trì tổng cung và tổng cầu cho nền kinh tế.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương liên quan triển khai xây dựng nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Sau các cuộc họp và lấy ý kiến các đơn vị liên quan, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT hoàn thiện dự thảo nghị quyết. Dựa vào đó, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ LĐTB&XH chuẩn bị kỹ việc hướng dẫn các địa phương, cơ quan liên quan triển khai thực hiện, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để người dân biết, các cơ quan đoàn thể, MTTQ Việt Nam giám sát thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng, xử lý nghiêm các vi phạm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo nghị quyết này và nhấn mạnh, việc chi trả làm sao phải tạo thuận lợi cho người lao động, người gặp khó khăn, chứ không phải tháng nào cũng phải chạy đi xin. Ngày 6/4, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng KH&ĐT đã ký báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Nội dung này báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền để có Ủy ban Thường vụ cho ý kiến, tổ chức triển khai thực hiện. |
Theo Chinhphu
Ý kiến ()