Hỗ trợ ngành hàng không để phục hồi kinh tế
Từ cuối quý III, những động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam như sản xuất công nghiệp, đầu tư công, xuất khẩu,… đã lấy lại đà tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước và cao hơn so cùng kỳ năm 2019. Đây là dấu hiệu củng cố thêm cho niềm tin vào sự phục hồi kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ hơn vào cuối năm. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp (DN) chưa thể bắt nhịp trở lại do sức khỏe đang suy kiệt trước tác động của đại dịch Covid-19.
Số lượng doanh nghiệp phá sản tăng cao
Tại Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế – xã hội 10 tháng năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) cho biết, kinh tế vĩ mô vẫn duy trì được đà phục hồi với nhiều dấu hiệu khởi sắc, thể hiện ở các điểm sáng: sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 3,6% so tháng trước và tăng 5,4% so cùng kỳ; lạm phát tiếp tục được kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,71% so cùng kỳ, khả năng đạt mục tiêu Quốc hội đề ra và tạo dư địa cho chính sách điều hành trong những tháng còn lại; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mười tháng đã tăng nhẹ, xuất siêu đạt mức kỷ lục 18,72 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư công tăng cả về số vốn và tỷ lệ so cùng kỳ, ước đạt 68,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm,… Tuy nhiên, Bộ KH và ĐT cũng chỉ ra những vấn đề khó khăn mà nền kinh tế đang phải đối mặt và cần tập trung thực hiện các biện pháp tháo gỡ. Đó là số lượng DN thành lập mới tiếp tục giảm so cùng kỳ trong khi số DN tạm ngừng kinh doanh vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm. Riêng tháng 10, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng đột biến 57,9% so cùng kỳ, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trung bình 15,9% năm năm gần đây. Con số này thể hiện sự ảnh hưởng rất lớn và dai dẳng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN. Đồng thời phản ánh xu hướng DN đang “ngủ đông” để chờ đợi cơ hội kinh doanh mới tốt hơn hoặc nghe ngóng thông tin tích cực từ thị trường cũng như các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới của Chính phủ nhằm giải quyết các khó khăn về vốn và đầu ra cho sản phẩm của DN.
Khó khăn hơn cả là các DN hoạt động trong ngành nghề chịu tác động đầu tiên bởi dịch Covid-19, nhất là ngành hàng không. Đại dịch Covid-19 đã đẩy ngành công nghiệp vận tải hàng không thế giới vào giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hơn 100 năm thành lập và các hãng hàng không Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các hãng hàng không toàn cầu đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng tiền mặt vì không thể tạo ra doanh thu nhưng mỗi phút phải “đốt” tới 300 nghìn USD để cầm cự, chờ thị trường phục hồi. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở nước ta, các hãng hàng không trong nước nhanh chóng phục hồi tần suất bay, tuy nhiên vẫn không đủ bù đắp doanh thu và lợi nhuận. Hệ số sử dụng ghế bay của Hãng hàng không Vietnam Airlines lấp đầy khoảng 86%, gần như cao nhất trên thế giới, nhưng để đạt tới điểm hòa vốn hay không còn phụ thuộc vào mức giá bán, chưa kể thời gian qua, các hãng hàng không có sự tăng tải ồ ạt, kích cầu du lịch để hưởng ứng chủ trương của Chính phủ cho nên giá vé rất thấp, nếu tính đủ chi phí thì vẫn chưa thể hòa vốn. Tại báo cáo mới nhất (báo cáo số 19) gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, Vietnam Airlines cho biết, tổng dòng tiền thâm hụt tính đến cuối tháng 9-2020 đã lên đến hơn 11.600 tỷ đồng, bao gồm cả các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán. Dự kiến cả năm, tổng thâm hụt dòng tiền khoảng từ 14.500 đến 15 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, dư địa để tiết giảm chi phí đầu vào cũng như tăng doanh thu đều đã đến ngưỡng do Vietnam Airlines đã thực hiện tất cả các giải pháp quản trị doanh thu có thể, trong khi thị trường nội địa mới tăng trưởng ở mức 75%. Nếu không được giải ngân khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng trong quý IV, Vietnam Airlines có nguy cơ mất khả năng thanh toán, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như nhiều hãng hàng không trên thế giới.
Tái cấu trúc Vietnam Airlines
Tại dự thảo gói hỗ trợ lần hai cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ KH và ĐT hướng trọng tâm, trọng điểm vào các giải pháp, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho các DN hàng không. Cụ thể là đề xuất Chính phủ bảo lãnh các khoản vay cho các DN hàng không; nghiên cứu cơ chế cho Tổng công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn nhà nước (SCIC) được phép đầu tư vào các DN hàng không theo hướng cho phép thực hiện quy chế đặc thù để bảo đảm tách bạch kết quả hoạt động đầu tư này với kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh chung của DN. Bộ KH và ĐT cũng đề xuất giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường năm 2021 đối với nhiên liệu bay. Theo tính toán, giải pháp này có thể khiến số thu ngân sách giảm khoảng hơn 2.400 tỷ đồng nhưng có tác dụng giúp các hãng hàng không giảm chi phí đầu vào, giảm áp lực về dòng tiền để duy trì hoạt động. Đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá, Bộ KH và ĐT đề xuất áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng và tiếp tục gia hạn thời gian giảm 50% giá cất/hạ cánh, giá dịch vụ điều hành bay đi/đến cho các chuyến bay nội địa (hiện tại chính sách này chỉ được áp dụng từ ngày 1-3 đến ngày 30-9-2020).
Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều quốc gia đã ban hành các gói hỗ trợ dành riêng cho ngành hàng không. Trong khi đó, phương án hỗ trợ bảo đảm thanh khoản cho Vietnam Airlines với tư cách là chủ sở hữu vốn đã bị chậm so với dự kiến ban đầu. TS Trương Văn Phước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhận định, các giải pháp như đề xuất của Bộ KH và ĐT là sự vận dụng kinh nghiệm quốc tế mà nhiều chính phủ trên thế giới đã áp dụng để giảm đến mức thấp nhất những tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế – xã hội. Quốc gia nào cũng phải hỗ trợ các DN lớn có ảnh hưởng quan trọng đến nền kinh tế, trong đó có ngành hàng không, bằng các hình thức cấp tín dụng để trả lương cho người lao động với lãi suất ưu đãi hoặc cho không; miễn, giảm thuế, phí, giá dịch vụ của các nhà cung cấp liên dịch vụ liên quan và hỗ trợ các hãng hàng không tăng năng lực về vốn thông qua các nghiệp vụ tài chính,… Để áp dụng hiệu quả tại Việt Nam, cần xây dựng một hệ thống tiêu chí công khai, minh bạch trong hỗ trợ các DN để vượt qua đại dịch, không nên phân biệt việc hỗ trợ cho DN nhà nước hay tư nhân. Trong đó, phải cân nhắc sự đóng góp của DN cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm, sức lan tỏa của ngành cho nền kinh tế và cũng cần tính đến vai trò của DN đó trong phục vụ cho an ninh – quốc phòng của đất nước.
Giai đoạn 2015 – 2019, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vietnam Airlines đạt hiệu quả cao nhất từ khi thành lập khi doanh thu và số nộp ngân sách của hãng liên tục tăng qua các năm. Tính cả giai đoạn, toàn Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã nộp ngân sách nhà nước 30.471 tỷ đồng. Sau khi đơn vị kiểm toán thực hiện soát xét báo cáo tài chính quý III-2020 của Vietnam Airlines Group, số liệu doanh thu và lợi nhuận của Vietnam Airlines Group ghi nhận kết quả tốt hơn so với báo cáo đã được Tổng công ty tự lập và công bố trước đó. Cụ thể, báo cáo tài chính kiểm toán giữa niên độ ghi nhận Vietnam Airlines Group đạt doanh thu hợp nhất 33.775 tỷ đồng, tăng 9.827 tỷ đồng so với kết quả công bố hồi tháng 10. Mức lỗ hợp nhất trong chín tháng đầu năm đã giảm 246 tỷ đồng so với mức dự kiến trước đó. Riêng công ty mẹ giảm lỗ 182 tỷ đồng so với số liệu đã từng được Vietnam Airlines Group công bố. Kết quả khả quan này đến từ sự nỗ lực của Vietnam Airlines Group trong việc chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 như: tổ chức lại sản xuất phù hợp quy mô thị trường bị thu hẹp; tiết kiệm, cắt giảm triệt để chi phí; tái cơ cấu lao động; giãn tiến độ thanh toán; dừng triển khai các hạng mục đầu tư chưa cấp thiết; chủ động tìm kiếm cơ hội để tăng doanh thu nhờ đẩy mạnh vận tải hàng hóa, bay thuê chuyến chở khách hồi hương; thanh lý tàu bay cũ;…
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Vũ Bằng khẳng định: Do vai trò của Vietnam Airlines trong nền kinh tế rất quan trọng cho nên các giải pháp hỗ trợ hãng cần được kéo dài. Ông gợi ý phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi của Vietnam Airlines, Chính phủ cho phép SCIC mua qua hình thức chỉ định đầu tư có thời hạn. TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, nếu không kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế để nâng cao năng lực tài chính cho Vietnam Airlines thông qua hoạt động bảo lãnh các khoản vay của DN và cho phép SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines theo cơ chế đặc thù, Vietnam Airlines sẽ đối mặt với khả năng phá sản và khi đó hệ lụy xảy ra rất lớn, ảnh hưởng toàn bộ cấu trúc và tính cạnh tranh của ngành hàng không. Đồng thời hàng chục nghìn lao động có nguy cơ mất việc và chi phí khắc phục hậu quả này sẽ rất lớn. Việc tăng vốn điều lệ cho Vietnam Airlines không chỉ nhìn ngắn hạn ở tầm giải quyết khó khăn trước mắt mà còn là điều kiện để DN củng cố tiềm lực, tái cơ cấu đón cơ hội tăng trưởng trong tương lai. “Không nên đánh đồng việc Chính phủ bơm thanh khoản cho Vietnam Airlines là hành động giải cứu DN nhà nước để dẫn đến suy luận có sự bất bình đẳng giữa DN nhà nước và DN tư nhân trong cùng lĩnh vực hoạt động, ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định phục hồi, tái cơ cấu DN nói chung và Vietnam Airlines nói riêng”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Vietnam Airlines đã có báo cáo, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ với tư cách là chủ sở hữu của hãng (vốn Nhà nước chiếm tới 86%) đề nghị vay quy mô tối thiểu 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phù hợp tình huống hỗ trợ khẩn cấp, thời gian vay tối thiểu là ba năm và có bảo lãnh của Chính phủ. Hãng cũng kiến nghị phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng, Nhà nước sử dụng các nguồn vốn Nhà nước hoặc giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)/doanh nghiệp nhà nước khác mua cổ phần thuộc quyền mua của Nhà nước, quy mô phát hành cân đối với phương án vay để bảo đảm 12.000 tỷ đồng.
Cần tháo gỡ theo cơ chế đặc thù do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, không chỉ theo các khung pháp lý, quy định sẵn có. Việc này phải triển khai nhanh để có được các giải pháp khả thi, không tạo áp lực cân đối thu chi trong tương lai cho ngân sách và Vietnam Airlines. Với vai trò chủ sở hữu, Chính phủ có thể hỗ trợ về thanh khoản, tăng vốn chủ sở hữu, cho vay từ nguồn ngân sách nhà nước thông qua mua cổ phiếu phát hành thêm…
TS PHẠM ĐỨC TRUNG
Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư)
Ý kiến ()