Hỗ trợ lãi suất tín dụng: Tiếp sức cho phát triển nông nghiệp
Mô hình sản xuất tại xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định được hỗ trợ lãi suất tín dụng theo Nghị quyết 08
– Qua gần 2 năm triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 (Nghị quyết 08) và gần đây là Nghị quyết 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 08 (Nghị quyết 15), nhiều người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đã tiếp cận được vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, qua đó tạo động lực để phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đưa chính sách vào cuộc sống
Xác định rõ nguồn vốn đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư phát triển sản xuất nói chung, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng theo Nghị quyết 08, Nghị quyết 15 ra đời năm 2019 và năm 2021 như một cú hích, tạo động lực, tiếp sức cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp.
Để các chính sách trong Nghị quyết 08, Nghị quyết 15 nhanh chóng đến với tổ chức, gia đình, cá nhân, ngay khi 2 nghị quyết này được ban hành, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan đã ban hành kế hoạch cụ thể để thực hiện. Đồng thời, xây dựng hướng dẫn liên ngành để triển khai; tổ chức trên 200 cuộc tập huấn, tuyên truyền các nội dung trong 2 nghị quyết, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng…
Bà Trương Thu Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Để người dân tiếp cận được chính sách, ngay khi chính sách được ban hành, bên cạnh phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn, ban hành hướng dẫn thực hiện, đơn vị đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thẩm định hồ sơ vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn vay.
Cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh cũng như ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố đã chủ động triển khai các giải pháp đưa chính sách nhanh chóng đến với người dân, doanh nghiệp. Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Sau khi nghị quyết được ban hành, UBND huyện đã thành lập ban chỉ đạo, ban hành quyết định, kế hoạch để triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn thực hiện nghị quyết với sự tham gia của lãnh đạo UBND huyện, các phòng chuyên môn; lãnh đạo UBND cấp xã, lãnh đạo các hội, đoàn thể; các tổ chức, cá nhân… Qua đó, tính đến tháng 10/2021, trên địa bàn huyện đã có 80 trường hợp đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ lãi suất tín dụng với tổng nhu cầu vốn vay hơn 44 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân cho vay được hơn 15 tỷ đồng.
Cùng với đó, sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết 08 và Nghị quyết 15, trên địa bàn huyện Chi Lăng đã có 15 lượt hợp tác xã (HTX) được hỗ trợ các nội dung liên quan đến phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường; hỗ trợ thành lập mới và đưa trí thức trẻ về làm việc tại HTX. Cụ thể, hỗ trợ 6 HTX thành lập mới với kinh phí 120 triệu đồng; 2 trí thức trẻ về làm việc tại HTX; 7 HTX hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chứng nhận VietGAP, quảng bá sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng… Từ những hỗ trợ thiết thực đó đã góp phần từng bước phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế HTX trên địa bàn huyện.
Mô hình nuôi bò nhốt chuồng ở xã Gia Cát, huyện Cao Lộc được hỗ trợ lãi suất tín dụng theo Nghị quyết 08
Tương tự Chi Lăng, các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh cũng tập trung tuyên truyền, hướng dẫn để chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng theo Nghị quyết 08, Nghị quyết 15 đến với người dân. Cụ thể, từ khi triển khai 2 nghị quyết đến hết tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh đã có 279 trường hợp được vay vốn hỗ trợ lãi suất với tổng dư nợ 137,2 tỷ đồng. Nguồn vốn vay được Nhà nước hỗ trợ từ 50% đến 100% lãi suất nên nhiều trường hợp trước đây chưa dám vay vì lo tiền lãi thì giờ đây đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất.
Từng bước phát huy hiệu quả
Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay đã giúp nhiều hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng, mở rộng sản xuất. Trường hợp gia đình chị Phạm Thị Huệ, thôn Bản Phạc, xã Quốc Khánh (huyện Tràng Định) là một ví dụ.
Từ nhiều năm nay, gia đình chị Huệ đã gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Chị Huệ cho biết: Sau khi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi, gia đình đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi vịt đẻ trứng với tổng đàn khoảng 1.500 con và từ năm 2018 trở lại đây phát triển thêm 300 cây bưởi. Mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình chị bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để thực sự phát huy hiệu quả, gia đình cần nguồn vốn để đầu tư, mở rộng quy mô. Đầu năm 2021, thông qua công tác tuyên truyền, hướng dẫn của các cơ quan liên quan, gia đình chị biết đến chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng của Nghị quyết 08 và nhanh chóng được hỗ trợ vay 390 triệu đồng (được hỗ trợ 100% lãi suất). Từ nguồn vốn vay đó, gia đình chị đã đầu tư thêm chuồng trại, con giống, thức ăn và hiện nay đã phát triển đàn vịt đẻ trứng lên 3.000 con. Hiện nay, vào kỳ cho thu hoạch, mỗi ngày gia đình chị thu hoạch 2.500 quả trứng. Với giá bán 3.500 đồng/quả, mỗi ngày, gia đình bán được gần 9 triệu đồng tiền trứng, cao gấp đôi so với những năm trước đây, trừ chi phí, mỗi ngày, gia đình thu lãi từ 1 đến 2 triệu đồng. Nhận thấy mô hình hiệu quả, hiện nay, một số hộ dân khác trên địa bàn xã Quốc Khánh cũng đầu tư, mở rộng mô hình chăn nuôi vịt.
Tương tự gia đình chị Huệ, từ nguồn vốn vay được hỗ trợ lãi suất, gia đình anh Sầm Văn Dậu, thôn Hét, xã Vân Nham (huyện Hữu Lũng) đã xây dựng cho mình mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, hiệu quả. Anh Dậu cho biết: Tháng 6/2021, gia đình tôi vay 1 tỷ đồng theo chính sách hỗ trợ lãi suất của Nghị quyết 08. Từ nguồn vốn vay, gia đình đã xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi khép kín. Cụ thể gần đây nhất, gia đình đầu tư 20 con trâu sinh sản, chất thải chăn nuôi trâu được gia đình sử dụng để nuôi giun quế, phục vụ chăn nuôi 500 con ngan thương phẩm và phục vụ trồng cây ăn quả. Nếu như từ năm 2021 trở về trước, thu nhập của gia đình được khoảng 200 triệu đồng/năm thì dự kiến từ năm 2022 trở đi, thu nhập sẽ tăng từ 30% trở lên do có thêm thu nhập từ bán trâu cũng như mở rộng mô hình chăn nuôi gia cầm, cây ăn quả.
Không riêng gia đình chị Huệ, từ khi triển khai 2 nghị quyết đến hết tháng 10/2021, trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã thẩm định được 237 hồ sơ của các hộ, tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ, trong đó có 215 hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất vay vốn. Đến nay, đã có 92 hồ sơ được giải ngân vốn với tổng số tiền gần 50 tỷ đồng, là huyện có số hồ sơ đề nghị hỗ trợ và số vốn đã giải ngân nhiều nhất trên địa bàn tỉnh.
Không chỉ tại huyện Tràng Định hay Hữu Lũng, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được gần 300 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp từ nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất theo chính sách của Nghị quyết 08 và Nghị quyết 15.
Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Qua gần 2 năm triển khai thực Nghị quyết 08 và gần đây là Nghị quyết 15, nhiều tổ chức, gia đình trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng. Từ nguồn vốn vay đã góp phần tạo động lực để xây dựng, phát triển, nhân rộng thêm các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Thời gian tới, ngành tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, gia đình, cá nhân tiếp cận nguồn vốn, lựa chọn mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương. Qua đó, tiếp tục tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa trong phát triển nông nghiệp.
Qua kiểm tra thực tế của các cấp, ngành liên quan, việc sử dụng nguồn vốn vay được thực hiện đúng mục đích, qua đó nhân rộng, phát huy được tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp ở nhiều địa bàn khác nhau. Nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét và được nhân rộng như: mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, mô hình chăn nuôi gia cầm, trồng cây ăn quả…
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định song số trường hợp được vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 08, Nghị quyết 15 vẫn còn hạn chế; một số huyện, thành phố chưa có trường hợp được vay hoặc doanh số cho vay rất thấp. Chính vì vậy, hiện nay, từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, hỗ trợ để các tổ chức, gia đình, cá nhân tiếp cận được chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng theo nghị quyết. Từ đó sẽ có thêm nhiều trường hợp được vay vốn để đầu tư, phát triển nông nghiệp một cách bài bản, bền vững và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Theo phụ lục danh mục dự án khuyến khích đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn theo Nghị quyết 15, danh mục dự án đặc biệt ưu đãi đầu tư gồm: nhóm sản phẩm lâm nghiệp, dược liệu như: hồi, gỗ và sản phẩm chế biến tư gỗ, nhựa thông, quế, sở, chè, dược liệu, đào; nhóm sản phẩm chăn nuôi như lợn, trâu, bò, ngựa bạch, gia cầm, thủy sản; nhóm sản phẩm nông nghiệp như na, rau, ớt, khoai lang, đỗ tương, lạc, ngô, thạch đen, hồng, cây có múi. Đối với những nhà đầu tư có dự án đầu tư trong danh mục dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư được hỗ trợ 100% lãi suất trong hạn mức vốn vay các ngân hàng, mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỷ đồng/dự án. |
Ý kiến ()