Hỗ trợ khởi nghiệp: Tạo đà từ ý tưởng
(LSO) – Nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, nhất là đối với thanh niên nông thôn, thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành để phát hiện, hỗ trợ những ý tưởng khởi nghiệp, dù chỉ là những ý tưởng nhỏ.
Thời gian qua, để khích lệ thanh niên chủ động tư duy, phát huy ý tưởng kinh doanh, xây dựng mô hình sản xuất, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã phối hợp với Tỉnh đoàn triển khai nhiều chương trình để thanh niên có cơ hội trình bày ý tưởng của mình, điển hình là cuộc thi “Sáng tạo khởi nghiệp”. Qua đó, đã có nhiều ý tưởng tham gia cuộc thi và mỗi ý tưởng đều bắt nguồn từ thực tế, có tính sáng tạo cao.
Anh Hoàng Văn Định, Hợp tác xã Nông nghiệp xanh, huyện Bắc Sơn trình bày mô hình nuôi thỏ với đoàn công tác của tỉnh
Năm 2018, đã có 70 ý tưởng tham gia cuộc thi “Sáng tạo khởi nghiệp”. Trong số đó, Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh lựa chọn 7 ý tưởng để hỗ trợ hiện thực hóa. Như các ý tưởng: “Phát triển vùng nguyên liệu, dược liệu vối sạch Chi Lăng” của tác giả Hoàng Thị Mỹ Lệ; ý tưởng “Hợp tác xã Nông nghiệp xanh” của tác giả Hoàng Văn Định tại Bắc Sơn; ý tưởng “Nuôi tắc kè thương phẩm” của tác giả Hoàng Vũ; ý tưởng “Gian hàng truyền thống” của tác giả Trần Thế Kiên… Qua đó, đã có 2 ý tưởng nhận được sự trao đổi, định hướng, hỗ trợ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam, chi nhánh Lạng Sơn đó là: ý tưởng “Phát triển vùng nguyên liệu, dược liệu vối sạch Chi Lăng” của tác giả Hoàng Thị Mỹ Lệ; “Nuôi tắc kè thương phẩm” của tác giả Hoàng Vũ.
Ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ: Khởi nghiệp tức là bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng sản xuất kinh doanh. Do vậy, việc khích lệ những cá nhân xây dựng được ý tưởng khả thi, đồng thời hỗ trợ cá nhân đó chỉ ra những vấn đề cần và đủ để có thể thực hiện ý tưởng là điều quan trọng. Bởi thực tế có những cá nhân có ý tưởng hay nhưng không biết bắt đầu thực hiện từ đâu hoặc nguồn lực ban đầu hạn chế, ngược lại có cá nhân có tiềm lực nhưng không biết đầu tư gì và làm gì. Do vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ đã phối hợp với Tỉnh đoàn để khơi dậy sự sáng tạo, “máu” khởi nghiệp cho thanh niên, đây là điều tiên quyết trong tình hình hiện nay, nhất là đối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Lạng Sơn.
Theo báo cáo của Tỉnh đoàn, từ các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất thoát nghèo, tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất đi vào hoạt động, đã khuyến khích, hỗ trợ được nhiều gia đình trẻ hợp tác phát triển kinh tế, hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã, câu lạc bộ phát triển kinh tế thanh niên. Hiện tại, toàn tỉnh có 4 hợp tác xã thanh niên; 165 câu lạc bộ phát triển kinh tế; 205 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi cho thu nhập từ 70 triệu đồng/năm trở lên. Đặc biệt, nhiều dự án được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, nhận thức của thanh niên về vấn đề nghề nghiệp, việc làm, thu nhập đã có những thay đổi tích cực, khả năng thích ứng, tính chủ động, sáng tạo, tự tạo việc làm để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống của thanh niên được nâng cao
Đồng chí Nguyễn Văn Chung, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, tạo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, thanh niên thoát nghèo. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tham mưu thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp doanh nghiệp và Quỹ khởi nghiệp để có thể huy động được nguồn lực khích lệ phong trào khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
YÊN SƠN
Ý kiến ()