Hỗ trợ khó khăn vì COVID-19: Bổ sung đối tượng, điều kiện vay vốn
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng đối tượng được hỗ trợ do khó khăn vì COVID-19; sửa đổi điều kiện vay vốn trả lương, kéo dài thời hạn cho người sử dụng lao động vay đến hết tháng 12.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Các quy định mới sẽ điều chỉnh lại chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua những tác động của đại dịch COVID-19, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng; sửa đổi điều kiện vay vốn, kéo dài thời hạn cho người sử dụng lao động vay đến hết tháng 12 năm 2020 và đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt người sử dụng lao động đủ điều kiện được vay vốn.
Hỗ trợ hơn 145.000 cán bộ, giảng viên
Dự thảo sửa đổi quy định: “Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 và không quá 3 tháng. Thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 02 năm 2020 đến ngày 01 tháng 6 năm 2020.”
So với Nghị quyết số 42/NQ-CP , dự thảo sửa đổi, bổ sung mở rộng đối tượng thụ hưởng tới các chủ thể khác ngoài doanh nghiệp như các trường dân lập, tư thục, các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên. Theo thống kê của ngành giáo dục ước tính 145.461 người lao động, cán bộ giảng viên các cơ sở giáo dục phải nghỉ việc, không có lương trong thời gian nghỉ dịch COVID-19.
Kinh phí về số lượng người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm tại các cơ sở giáo dục quốc dân ước tính 1.618 tỷ đồng.
Dự thảo cũng bổ sung thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2020 đến ngày 1/6/2020 thay vì 1/4/2020 đến 1/6/2020.
Mở rộng vay vốn trả lương
Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg sẽ quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện chi trả hỗ trợ cho người lao động tại các trường dân lập, tư thục, các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên.
Đối với chính sách hỗ trợ vay vốn trả lương , dự thảo đã quy định cụ thể về điều kiện xác định người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính so với Nghị quyết số 42/NQ-CP.
Dự thảo quy định: “Người sử dụng lao động có doanh thu quý I năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu tại thời điểm xét hưởng giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019” là đối tượng “được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2020 đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội.”
Về việc kéo dài thời hạn cho người sử lao động vay cũng được điều chỉnh từ tháng 6 theo quy định hiện hành đến hết tháng 12 năm 2020 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp khó khăn do COVID-19 tiếp cận được vốn vay ban đầu là 16.000 tỷ đồng. Dự kiến, tổng số lao động được hỗ trợ 3 triệu lao động./.
Ý kiến ()