Hỗ trợ hướng dẫn viên và doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19
Hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 sẽ được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/ người.
Đây là nội dung được nêu rõ trong Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 do Chính phủ ban hành hôm 1/7.
Nghị quyết số 68/NQ-CP quy định, đối với hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ.
Đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 khi quay trở lại sản xuất kinh doanh và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian trên được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Các đối tượng này sẽ được vay với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tuy nhiên, người sử dụng lao động phải bảo đảm không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 tổ chức chiều 1/7, Bộ trưởng Lao động – Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội sẽ cố gắng triển khai sớm gói hỗ trợ này. Chính phủ sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung về đối tượng, thời gian, mức hỗ trợ bảo đảm thỏa đáng, phù hợp tình hình.
Gói hỗ trợ tại Nghị quyết 68/NQ-CP lần này có tổng giá trị 26.000 tỷ đồng gồm 12 nhóm chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Gói hỗ trợ nhằm góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, tổng số lượng hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trên toàn quốc hiện nay là hơn 26.721 người, trong đó 16.965 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 8.743 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 1.013 hướng dẫn viên du lịch tại điểm; khoảng 30% doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực lữ hành đã rút lui khỏi thị trường.
Khảo sát của Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam cho thấy, hiện trên cả nước có 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50 – 80% nhân viên nghỉ việc.
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội sáu tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê hôm 29/6 thông tin, doanh thu du lịch lữ hành sáu tháng ước tính đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 51,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh ngành du lịch đang trong tình trạng vô cùng khó khăn, đặc biệt đa số người lao động là hướng dẫn viên du lịch đã mất việc làm và phải chuyển nhiều nghề khác để mưu sinh, giải pháp này của Chính phủ là hành động rất kịp thời nhằm hỗ trợ một phần cho những tổn thất do đại dịch Covid-19 gây ra với ngành du lịch trong thời gian qua.
Ý kiến ()