Hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa học tập
Qua hai năm thực hiện Quyết định 12/2013/QĐ-TTg, có 15.162 lượt học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn cũng được thụ hưởng chính sách ở hai nội dung nêu trên, với tổng kinh phí 39,792 tỷ đồng. Thêm nữa, gần hai năm thực hiện Quyết định 36/2013/QĐ-TTg, tỉnh Thanh Hóa đã cấp 5.091,930 tấn gạo cho các trường chi trả cho học sinh ở khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo mức hỗ trợ 15 kg gạo/học sinh/tháng, trong thời gian chín tháng/năm.
Các chính sách thực thi đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số bớt khó khăn, tạo điều kiện cho con em theo đuổi việc học tập. Qua theo dõi của các trường, học sinh đi học tăng, học sinh bỏ học giảm; chất lượng học tập được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở các cấp học, học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ xét duyệt chưa cụ thể, rõ ràng; thời gian rà soát, thẩm định, thẩm tra xét duyệt hồ sơ kéo dài, ảnh hưởng đến việc chi trả chế độ cho học sinh. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách còn hạn chế.
Việc chuyển đổi loại hình trường phổ thông thành trường phổ thông dân tộc bán trú còn chậm; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động bán trú, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, chưa đồng bộ. Các nhà trường, địa phương mới xác định được cự ly đến trường, chưa thẩm tra được việc học sinh có ở lại khu vực gần trường để học tập hay không. Việc cấp gạo, chi trả tiền cơ bản chưa đến học sinh mà chủ yếu do phụ huynh nhận nên không loại trừ gia đình sử dụng vào mục đích khác.
Thực hiện cấp gạo hai lần/năm học dẫn đến học sinh thiếu gạo ăn hằng tháng nhưng khi nhận gạo lại quá nhiều, không có dụng cụ, kho bảo quản, ảnh hưởng đến chất lượng và có nơi cung ứng gạo chưa đến được điểm trường, hỗ trợ tiền ăn chưa thực hiện chi trả hằng tháng.
Do vậy, Thanh Hóa đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, thống nhất các chính sách nêu trên thành một quyết định chung; sửa đổi Điều 3, Quyết định 85, nâng mức hỗ trợ tiền ăn từ 40% lên 60%, tiền ở từ 10% lên 20% so với mức lương tối thiểu; bổ sung kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang bị thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc bán trú; hỗ trợ kinh phí quản lý, chi phí thực hiện chính sách cho các nhà trường và đề nghị Bộ Tài chính, Tổng Cục Dự trữ quốc gia cấp gạo bốn lần/năm học.
Ban Dân tộc HĐND tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh huy động thêm nguồn lực đầu tư xây dựng nhà bán trú, các công trình thiết yếu phục vụ học sinh vùng đặc biệt khó khăn; bổ sung biên chế, kinh phí để hợp đồng nhân viên cấp dưỡng, y tế, bảo vệ; chỉ đạo rà soát, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, sớm cấp phát kinh phí đi đôi với tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các huyện, xã, nhà trường tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng.
Học sinh trường THCS dân tộc nội trú huyện Lang Chánh đọc báo tại thư viện trường.
Ý kiến ()