Hỗ trợ hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp
Ngày 29/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Hội thảo khởi động tổ công tác NAMA (Hành động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với quốc gia) nông nghiệp và tham vấn báo cáo phát triển bền vững.
Hội thảo khởi động tổ công tác NAMA nông nghiệp và tham vấn báo cáo phát triển bền vững |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết: Ngành nông nghiệp gây ra phát thải khí nhà kính khá lớn. Theo thông báo quốc gia kiểm kê phát thải khí nhà kính lần thứ hai của Việt Nam, ngành nông nghiệp chiếm 43,1% lượng khí nhà kính thải ra.
Nhằm hỗ trợ cho hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, được sự hỗ trợ của FAO, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định thành lập tổ công tác Hành động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với quốc gia (NAMA) nông nghiệp nhằm để tư vấn, hỗ trợ cho các đơn vị thuộc Bộ thúc đẩy triển khai các hoạt động giảm thiểu phát thải nhà kính phù hợp với quy mô quốc gia. Thông qua đó từng bước kết nối các hoạt động giảm phát thải nhà kính trong nông nghiệp quốc gia với quốc tế. Đồng thời, tạo cơ hội tăng cường năng lực cán bộ, chuyên gia của ngành nông nghiệp.
Tại Hội thảo, bà Lê Hoàng Anh (Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Dự án “Tăng cường tính sẵn sàng cho NAMA – xây dựng năng lực cho hệ thống lương thực và năng lượng tổng hợp tại Việt Nam” được khởi động từ ngày 7/3/2014, dự kiến kết thúc vào ngày 7/3/2017 với tổng số vốn của dự án gồm 770.000 USD (trong đó 700.000 USD từ hỗ trợ của UN One Plan, 70.000 USD từ hỗ trợ của Chính phủ). Dự án nhằm hỗ trợ nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và cải thiện năng lực quốc gia để hoạch định và chuẩn bị xây dựng NAMA nông nghiệp ở Việt Nam.
Kết quả của Dự án dự kiến sẽ xây dựng được hướng dẫn và khung NAMA cho IFES (các hệ thống lương thực và năng lượng tổng hợp) tại Việt Nam phù hợp với yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Tăng cường năng lực kỹ thuật cho các chuyên gia trong nước về thu thập số liệu, đo đạc và mô hình hóa trọng lượng hóa phát thải khí nhà kính, từ đó xây dựng các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính. Tăng cường năng lực chuyên môn của các nhà hoạch định chính sách trong thiết kế và xây dựng các chính sách nông nghiệp thông minh và NAMA trong nông nghiệp.
Dự án được thực hiện thông qua các hoạt động như: chuẩn bị các yêu cầu về thể chế và kỹ thuật thu thập dữ liệu, đo đạc và mô hình hóa, trọng lượng hóa phát thải khí nhà kính; tổ chức hội thảo kỹ thuật đào tạo cho các chuyên gia trong nước cải thiện khả năng thu thập và xử lý dữ liệu trong kiểm kê khí nhà kính; sử dụng công cụ Ex-Act để xác định mức độ phát thải các-bon thấp khác nhau,…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận và đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm góp phần giảm thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, các đại biểu cho rằng cần phân tích rủi ro để xác định các ảnh hưởng của các thay đổi thị trường, sản xuất, khả năng ứng phó biến đổi khí hậu của các IFES tại Việt Nam; phân tích các kịch bản cho việc áp dụng, nhân rộng và phát triển các mô hình IFES. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ kỹ thuật từ khu vực tư nhân và nhà nước nhằm tăng cường năng lực cho các cán bộ kỹ thuật, đặc biệt cán bộ kỹ thuật địa phương trong việc lắp đặt, vận hành, bảo trì hệ thống của IFES. Nghiên cứu sâu nhằm xác định những đặc trưng của chuỗi giá trị thương mại, quy mô chuỗi giá trị, hành vi của các tác nhân trong chuỗi giá trị nhất là vấn đề thị trường cho các sản phẩm từ IFES.
Ngoài ra, về thể chế, cần hỗ trợ về kỹ thuật và kiến thức cho người sử dụng trong việc xây dựng, vận hành trang thiết bị biogas, hỗ trợ tài chính và tín dụng (lãi suất ưu đãi, giảm thuế) nhằm thực hiện hiệu quả công tác sản xuất giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()