Hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập: Niềm vui xen lẫn tâm tư
LSO- Quyết định số 33/2018, ngày 13/3/2018 của UBND tỉnh về ban hành quy định thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ loại hình giáo dục mầm non (GDMN) ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đã tạo hiệu ứng tốt đối với giáo viên ngoài công lập. Tuy nhiên vẫn còn đó những băn khoăn.
Lan tỏa niềm vui
Tốt nghiệp Khoa Mầm non (MN) Đại học Sư phạm Thái Nguyên, năm 2013, cô Triệu Thị Thắm ký hợp đồng dài hạn giảng dạy tại Trường MN tư thục Đông Kinh. Trong suốt 5 năm công tác, cô được nhà trường trả lương theo trình độ đào tạo, các loại phụ cấp như: khu vực, đứng lớp… với tổng số tiền gần 4 triệu đồng mỗi tháng. Trừ mức tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là 374 ngàn đồng/tháng, số tiền còn lại tằn tiện lắm mới đủ chi sinh hoạt hằng ngày. Nghe tin được hỗ trợ ½ mức lương cơ sở/ tháng, cô rất vui: “Với trên 650 ngàn đồng hỗ trợ mỗi tháng, em đã đủ tiền nộp bảo hiểm và góp thêm vào tiền sinh hoạt hằng ngày…”
Trao đổi với chúng tôi, cô Hứa Thị Ngoan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thông báo được hỗ trợ như một luồng gió mát đến với mỗi giáo viên. Họ phấn khởi trò chuyện với nhau về nghề nghiệp, gọi điện cho đồng nghiệp để chia sẻ một niềm vui lớn trong nghề. Theo hướng dẫn của Phòng Giáo dục thành phố Lạng Sơn, lãnh đạo nhà trường đã rà soát lại các điều kiện của nhà trường, của từng đối tượng trong diện được hỗ trợ. Theo đó, đã có 10 giáo viên đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Cô và trò Trường Mầm non tư thục Đông Kinh (thành phố Lạng Sơn) trong giờ học xếp hình
Không chỉ Trường MN tư thục Đông Kinh mà tất cả các trường, các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đều nhanh chóng thực hiện các bước theo hướng dẫn với hy vọng đội ngũ giáo viên của mình sẽ được nhận hỗ trợ ngay trong những tháng hè này. Cô Nguyễn Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường MN An Bình cho biết: Cho dù mức hỗ trợ chưa nhiều, song đó là sự quan tâm của tỉnh đối với loại hình MN ngoài công lập và giáo viên MN ngoài công lập. Để đáp ứng sự mong mỏi của đội ngũ giáo viên, nhà trường đã nộp đầy đủ danh sách, hồ sơ theo yêu cầu và rất mong được hỗ trợ sớm, như một sự “tiếp sức” cho giáo viên trước năm học mới 2018-2019.
Còn đó những tâm tư
Chia vui với đồng nghiệp trong diện được hỗ trợ, cô Linh Thị Vương, Trường MN tư thục Đông Kinh lại tủi thân khi nghĩ về mình. Ký hợp đồng theo năm học với nhà trường, cô được trả lương trình độ trung cấp cộng với các khoản khác, tổng cộng trên 3,1 triệu đồng/tháng. Do hợp đồng ngắn hạn nên cô không được nhà trường hỗ trợ đóng BHXH. Mặc dù được nhà trường chủ trường vận động, song với mức đóng BHXH hơn 1 triệu đồng mỗi tháng, cô đành “tặc lưỡi” cho qua. Cô nói: “ Vẫn biết lợi ích của việc tham gia BHXH, song do thu nhập thấp, nếu tham gia BHXH sẽ không còn tiền trang trải hằng ngày, nên đành bỏ. Đối chiếu với quy định của Quyết định 33 của UBND tỉnh, em không nằm trong diện được hỗ trợ”.
Cô hiệu trưởng cho biết: Trong số 20 giáo viên, chỉ có 10 trường hợp đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ, còn lại 10 người chưa đủ điều kiện, chủ yếu là hợp đồng theo năm học, không tham gia BHXH.
Với hơn 200 giáo viên của 7 trường và 29 cơ sở GDMN ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, chỉ có 50% được đóng BHXH và BHYT; cũng đồng nghĩa với 50% còn lại không đủ điều kiện để được hỗ trợ thu nhập theo Quyết định số 33 của UBND tỉnh. Thu nhập thấp, không được hỗ trợ, một bộ phận giáo viên sẽ rất “tâm tư” và điều đó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nuôi dạy trẻ tại các cơ sở này.
Các chủ trường và nhiều giáo viên tha thiết đề nghị ngành và UBND tỉnh xem xét và có những chính sách cụ thể, thiết thực để giúp đỡ những giáo viên không đủ điều kiện được hỗ trợ theo Quyết định 33/2018, để động viên họ làm tốt công việc chuyên môn, sát cánh cùng đội ngũ giáo viên công lập gánh vác sự nghiệp cao cả của cấp học MN.
Ý kiến ()