Hỗ trợ đồng bào miền trung sau mưa lũ phù hợp và thiết thực
Việc cứu trợ bà con miền trung đã qua giai đoạn khẩn cấp, sau mưa lũ, các đoàn cứu trợ cần tính toán kỹ việc đưa những mặt hàng thiết yếu để hỗ trợ cho người dân vùng lũ sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.
Chung tay, góp sức hỗ trợ bà con vùng lũ vượt qua khó khăn, nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã đến với đồng bào Hà Tĩnh, Quảng Bình mang theo những nghĩa cử, tấm lòng trân trọng, đáng quý.
Thật cảm động, khi trong dòng lũ xoáy, các đoàn cứu trợ vẫn đầy ắp mì tôm, lương khô, nước uống và tiền mặt… dũng cảm len lỏi đến từng ngôi nhà ngập sâu, nhất là các gia đình già cả, neo đơn, để tiếp cận và cứu trợ kịp thời.
Còn nhớ đợt lũ lịch sử 2010, tại nhiều vùng rốn lũ ở Hương Khê, Vũ Quang… dù bị ngập sâu cả tháng trời nhưng đều không để xảy ra chuyện người dân bị đói, rét, thiếu nước sạch hay đau ốm trong những ngày nước lũ dâng. Và đợt mưa lũ này chắc chắn cũng vậy. Hiện nay, từ Quốc hội, Chính phủ, các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp đến cộng đồng xã hội cũng đang hướng về “khúc ruột” miền trung yêu thương. Sau lũ, các đoàn xe cứu trợ khắp nơi chở gạo, mì tôm, nước uống, vật dụng thiết yếu lại ùn ùn đổ về vùng lũ.
Đến chiều 25-10, chỉ tính riêng UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã đón gần 129 đoàn ủng hộ gần 40 tỷ đồng. Trong đó, đã ủng hộ vào tài khoản 12,6 tỷ đồng; đăng ký ủng hộ 14 tỷ đồng; ủng hộ trực tiếp tiền, hàng (quy thành tiền) 12 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đã có hơn 650 đoàn trực tiếp xuống các địa phương (huyện, xã) hỗ trợ bà con vùng lũ với số tiền, hàng hơn 30 tỷ đồng. Chỉ tính riêng ở huyện Hương Khê, đã có hơn 400 lượt đoàn ủng hộ trực tiếp cho người dân với số tiền mặt hơn 10 tỷ đồng cùng 300 tấn gạo và nhiều hàng hóa thiết yếu khác…
Đến thời điểm này, việc cứu trợ bà con đã qua giai đoạn khẩn cấp. Những người làm công tác cứu trợ không khỏi băn khoăn là đưa xuống các loại hàng hóa nào cho phù hợp với việc người dân đang tập trung cho việc khắc phục những thiệt hại do mưa lũ. Tuy nhiên, có một thực tế, nhiều đoàn cứu trợ vẫn tiếp tục đến với bà con vùng lũ bằng những nhu yếu phẩm cần thiết trong những ngày mưa lũ. Xem ra như vậy sẽ không còn phù hợp nữa. Không ít gia đình trong vùng lũ đã nhận khá nhiều mì tôm, gạo hay nước uống đóng chai; ăn không hết mà bán đi thì không thể. Trong khi họ đang rất cần nhận được hỗ trợ những thứ thiết yếu khác để tập trung khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống…
Theo Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Mai Thủy, thực tế, sau khi lũ rút, người dân rất cần được hỗ trợ vật dụng gia đình (quần áo, chăn màn, giường…) thiết bị trường học, sách vở; thiết bị lọc nước; thuốc uống phòng bệnh sau lũ; bê nghé, dụng cụ sản xuất, cây con giống… Nếu có thêm một ít thuốc lọc nước, phèn chua lọc nước thì càng tốt. Thậm chí là cả tiền để trả nợ ngân hàng vì rất nhiều hộ gia đình vay vốn làm ăn nhưng đã bị “trôi” theo lũ lụt…
Đơn cử như đợt cứu trợ của T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vừa qua được cho là khá phù hợp với người dân sau lũ, khi gói cứu trợ bao gồm: 300 triệu đồng tiền mặt cùng 400 triệu đồng tiền hàng, như: 400 thùng hàng gia đình, 100 bộ dụng cụ sửa nhà, 35 nghìn viên lọc nước Aquatabs, 200 bình lọc nước, 100 thùng dầu gội đầu…
Nhìn cảnh những chiếc xe ô tô chở đầy nước đóng chai phát cho người dân sau lũ mới thấy nặng nề, tốn kém và không hiệu quả. Thay vì phát cả két nước đóng chai, đoàn cứu trợ chỉ cần trao cho họ ít viên thuốc lọc nước hay một dúm phèn chua là cũng tương đương…
Mặt khác, qua thực tế trận lũ lịch sử năm 2010 và trong những ngày vừa qua cho thấy sự bất cập khi các đoàn trực tiếp xuống dân mà không qua các cấp chính quyền, UBMTTQ, không tìm hiểu thực tế địa phương hoặc không báo giá trị mỗi phần quà nên khi quà tới tay người dân vùng lũ đã xảy ra những vấn đề “tế nhị” không đáng có. Đã có chuyện nhiều xóm khó khăn hay thiệt hại nhiều nhất, lại được nhận hỗ trợ đầu tiên nhưng phần quà có giá trị thấp; xóm không thiệt hại lắm được nhận quà hộ trợ của đoàn sau lại có giá trị cao; gia đình thiệt hại ít hơn lại nhận phần quà hỗ trợ nhiều hơn, hoặc có những địa phương có rất nhiều nhiều đoàn trực tiếp đến, bởi được báo chí đăng tải nhiều, trong khi các xã lân cận cũng thiệt hại gần như tương đương nhưng nhận được rất ít sự hỗ trợ. Trong huyện có năm, sáu xã bị ngập lụt như nhau, các đoàn cứu trợ cứ chọn xã đi lại thuận tiện, dễ tiếp cận, các đoàn tự đến không nghe theo sự giới thiệu của chính quyền. Đoàn hỗ trợ có mặt hàng thuốc tây đi cùng nhưng không thông qua ngành y tế, người dân không biết sử dụng như thế nào. Có trường hợp địa phương gặp khó khi xã có 100 hộ thiệt hại, nhưng đơn vị tài trợ yêu cầu chỉ trao quà tận tay cho 50 hộ, vô tình đã gây băn khoăn, thắc mắc trong bà con…
Để triển khai bài bản hơn về công tác cứu trợ, thiết nghĩ, ngoài việc hỗ trợ tiền mặt, gạo cứu đói, các đoàn cứu trợ cần phối hợp với địa phương, qua ban tiếp nhận, thậm chí là khảo sát nhu cầu sau lũ bà con cần những thứ gì để hổ trợ, đó mới là vấn đề phù hợp, thiết thực và bảo đảm công bằng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()