Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và lâm sản vượt khó
Là ngành hàng chủ lực trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, nhưng ngành gỗ và lâm sản hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Để đạt giá trị xuất khẩu 16,5 tỷ USD trong năm 2022 như mục tiêu đã đề ra, các doanh nghiệp còn rất nhiều việc phải làm trong những tháng cuối năm…
Sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. |
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản trong tháng 7/2022 chỉ đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng 6/2022 và giảm 1,6% so cùng kỳ năm 2021. Như vậy, đây là tháng thứ hai, xuất khẩu gỗ và lâm sản bị giảm sút.
Khó khăn trong xuất khẩu
Thời gian vừa qua, cung-cầu gỗ nguyên liệu và các mặt hàng gỗ trên thế giới tại các thị trường lớn như Mỹ và EU có nhiều biến động do chi phí sản xuất, vận chuyển và sinh hoạt tăng cao. Nhu cầu tiêu dùng, nhất là đối với các nhóm hàng hóa không thiết yếu, giảm.
Với độ hội nhập sâu và rộng với thị trường thế giới, ngành gỗ Việt Nam đang chịu tác động trực tiếp của các biến động này, đặc biệt trên phương diện suy giảm xuất khẩu ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU và Anh.
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ (VIFOREST, FPA Bình Định, BIFA, HAWA, DOWA) và Forest Trends cho thấy, trong tổng số 52 doanh nghiệp tham gia khảo sát trong những tháng đầu năm 2022 có tới 33 doanh nghiệp có doanh thu từ thị trường Mỹ giảm (trung bình 39,6%); 19 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU cũng bị sụt giảm doanh thu (trung bình 42,2%).
Trong đó, có một số doanh nghiệp mất hẳn nguồn thu từ thị trường này trong những tháng gần đây. Khoảng 71% số doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, với tình hình thị trường như hiện nay, nguồn thu sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) nhận định, trước tình hình biến động mạnh tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều sức ép, nhất là vốn vay ngân hàng, chi trả người lao động và nguyên liệu đầu vào.
Trước tình hình này, để duy trì sản xuất và tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp đã phải vận dụng nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng khó khăn. Phần lớn doanh nghiệp (hơn 70%) lựa chọn giảm quy mô sản xuất để cắt giảm chi phí, như nghỉ ngày thứ bảy, không tăng ca, chỉ tổ chức sản xuất 8 tiếng/ngày, 5 ngày/tuần, sắp xếp sản xuất tinh gọn để giảm chi phí sản xuất.
Một số ít doanh nghiệp đã tìm cách dịch chuyển theo hướng đa dạng hóa thị trường và sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp gỗ hiện đang đối mặt với các khó khăn về cả vốn vay và chi phí đầu vào sản xuất, trong bối cảnh nguồn thu giảm sút. Các biện pháp ứng phó mà các doanh nghiệp hiện đang áp dụng chỉ mang tính chất ngắn hạn.
Nếu thị trường tiếp tục diễn biến như hiện nay, các giải pháp ngắn hạn này sẽ không giúp được nhiều cho doanh nghiệp trong việc duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Bên cạnh các giải pháp về mặt cơ chế, chính sách và thường xuyên cập nhật thông tin về biến động thị trường được các doanh nghiệp kiến nghị, một câu hỏi lớn đặt ra ở đây là làm thế nào để nâng cao tính chống chịu của ngành gỗ trong tương lai, để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn.
Theo đánh giá của tổ chức Forest Trends, bức tranh thực trạng thị trường đầu ra của sản phẩm gỗ và lâm sản xuất khẩu nhìn chung tương đối ảm đạm, thể hiện qua sự tụt giảm nhanh về kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong những tháng gần đây. Các tín hiệu của thị trường xuất khẩu đối với các tháng còn lại của năm 2022 cũng không lạc quan. Điều này cho thấy ngành gỗ rất khó đạt được mục tiêu xuất khẩu của cả năm 2022 mà Chính phủ đề ra.
Cần giải pháp thích ứng, linh hoạt
Theo Đề án “Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030” đã được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu chung đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Trong đó, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 18,5 tỷ USD; 25 tỷ USD vào năm 2030. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cùng với việc hỗ trợ về vốn, cơ chế, chính sách phù hợp, thông thoáng hơn, cần có giải pháp khuyến khích phát triển rừng trồng gỗ lớn, không khai thác rừng và sử dụng cây rừng trồng còn non trong chế biến sản phẩm gỗ.
Đồng thời, có biện pháp để ngăn chặn tình trạng sử dụng gỗ rừng trồng trong sản xuất dăm gỗ nhằm tập trung nguyên liệu ổn định, bền vững cho sản xuất và chế biến gỗ xuất khẩu…
Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (Hawa) Nguyễn Chánh Phương cho rằng, đứng trước những khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp ngành gỗ rất mong ngành ngân hàng giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ, qua đó góp phần giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh để vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.
Trong đó, đề nghị Chính phủ thúc đẩy các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đối với các chính sách thuế, phí, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước cho phép giảm, chậm thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân, giảm tiền thuê đất, hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất nhằm trả vốn cho doanh nghiệp và giảm chi phí xuất nhập khẩu công-ten-nơ cảng biển.
Nhiều doanh nghiệp đề nghị Chính phủ đưa ra các biện pháp kịp thời để bình ổn giá cả, hỗ trợ công nhân đóng bảo hiểm xã hội, gia hạn thời gian đóng bảo hiểm xã hội và thiết kế các gói cứu trợ để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt và ổn định sản xuất trong dài hạn.
Theo Chủ tịch VIFOREST Đỗ Xuân Lập, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành gỗ và lâm sản, bên cạnh việc các doanh nghiệp phải chủ động, thích ứng linh hoạt với tình hình mới, cần nâng tỷ trọng nguồn gỗ rừng trồng trong nước là nguyên liệu đầu vào trong các sản phẩm xuất khẩu nhằm thay thế cho nguồn gỗ nhập khẩu đang chiếm tỷ trọng còn khá lớn hiện nay.
Tuy nhiên để làm được điều này cần có sự chuyển đổi căn bản trong quản trị rừng tại Việt Nam hiện nay, trong đó tập trung vào việc phát triển liên kết, gắn kết giữa vùng nguyên liệu và các trung tâm chế biến sâu, hợp tác đầu tư vùng với các hộ trồng rừng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần quan tâm tới việc cơ cấu lại nhằm giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Cùng với việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư chế biến gỗ và lâm sản, ngành lâm nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với hiệp hội gỗ các địa phương, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời tham mưu xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành gỗ.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương, lực lượng kiểm lâm tăng cường kiểm tra hồ sơ lâm sản; rà soát diện tích đất sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến phù hợp quy hoạch của địa phương; bố trí nguồn vốn hỗ trợ, phát triển các mô hình liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp chế biến gỗ với các chủ rừng trong trồng rừng gỗ lớn, thực hiện chứng chỉ rừng…
Để chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các doanh nghiệp cần thường xuyên phản ánh kịp thời những bất cập trong việc thực thi các quy định pháp luật; kiến nghị Nhà nước tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ.
Mặt khác, cần tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; kịp thời phát hiện và thông báo đến các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước trong việc ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại.
Các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; ứng phó phù hợp với những biến động của thị trường; thực hiện nghiêm quy định về hồ sơ nguồn gốc lâm sản và các quy định khác có liên quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ và lâm sản…
Ý kiến ()