Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển
LSO- Lạng Sơn là một tỉnh có số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ khá lớn so với khu vực miền núi. Khi kinh tế toàn cầu bị suy giảm thì các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng sâu sắc nhất và có nguy cơ dẫn đến phá sản, tạm dừng hoạt động. Trước thực trạng đó, tỉnh Lạng Sơn đã có hàng loạt các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
LSO- Lạng Sơn là một tỉnh có số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ khá lớn so với khu vực miền núi. Khi kinh tế toàn cầu bị suy giảm thì các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng sâu sắc nhất và có nguy cơ dẫn đến phá sản, tạm dừng hoạt động. Trước thực trạng đó, tỉnh Lạng Sơn đã có hàng loạt các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Khoe tập tài liệu hỗ trợ thị trường cho doanh nghiệp mới cứng, còn thơm mùi mực, anh Đào Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Anh chuyên sản xuất hàng cơ khí hồ hởi nói với phóng viên: “Cái quý của tập tài liệu này là có tất cả các thông tin liên quan, địa chỉ các doanh nghiệp bạn cùng nhóm hàng, nhu cầu của các doanh nghiệp hiện nay. Qua đây có thể mở rộng diện giao tiếp với khách hàng”. Theo anh Hải đấy là một trong những việc tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực nhất. Cũng tại buổi hội thảo về thị trường, cùng doanh nghiệp gỡ khó chống lại đà suy giảm kinh tế do Sở Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, các doanh nghiệp như trút được gánh nặng nỗi lo về thị trường khi có quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành. Sự hỗ trợ ấy đi vào trực tiếp những khó khăn của doanh nghiệp như lấy lợi thế quản lý bù chi phí cho đầu vào, tìm kiếm thông tin thị trường tạo đầu ra cho sản phẩm, dùng nguồn vốn giải tỏa hàng tồn kho thông qua các công trình, dự án. Và hơn thế là các doanh nghiệp được gặp gỡ trao đổi tìm bạn hàng, tìm thị trường.
Cán bộ Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Khoa học Công nghệ phát tài liệu hỗ trợ doanh nghiệp
Cho đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có 1.432 doanh nghiệp hoạt động (theo đăng ký) với tổng vốn gần 10 nghìn tỷ đồng. Đa phần các doanh nghiệp ở Lạng Sơn được xếp vào hàng nhỏ, siêu nhỏ. Có doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn có 3 người; 1 giám đốc, 1 kế toán và 1 thủ quỹ. Doanh nghiệp Lạng Sơn chủ yếu khai thác dịch vụ xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất rất ít. Hằng năm các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp gần 200 tỷ đồng cho ngân sách địa phương, chiếm 40% tổng thu nội địa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu và suy giảm kinh tế trong nước, từ đầu năm đến nay có khoảng 400 doanh nghiệp tại Lạng Sơn tạm thời dừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng, chịu lỗ. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến thu ngân sách, phục hồi kinh tế.
Xác định muốn phục hồi kinh tế nhanh nhất chỉ có thể tập trung củng cố các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về tín dụng, thuế, các chính sách theo hướng có lợi nhất cho doanh nghiệp. Ngành chức năng đã rà soát được trên 500 doanh nghiệp, trong đó có 200 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Từ đầu năm 2012 đến nay tỉnh đã giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp trên 4,8 tỷ đồng. Giảm 50% tiền thuê đất trên 1 tỷ đồng. Miễn thuế, giảm thuế thu nhập cá nhân trên 2,1 tỷ đồng. Số tiền miễn, giảm, hoãn đó tuy chưa nhiều nhưng nó như một lực đẩy tác động vào doanh nghiệp trên chặng đường vượt khó. Ngoài chính sách thuế, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với những sản phẩm nhập từ bên kia biên giới, lợi dụng Quyết định 254, bán giá thấp để cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước. Qua đó đã có hàng chục vụ buôn lậu thùng xốp, bao gói, sản phẩm nông nghiệp bị thu giữ để đảm bảo cho hàng hóa sản xuất trong nước. Chị Phạm Thị Dung, Công ty Phúc Thịnh sản xuất thùng đóng gói sản phẩm nông nghiệp cho hay, những cách làm ấy của tỉnh tạo cho doanh nghiệp tin tưởng hơn, mạnh dạn đầu tư hơn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, vực dậy kinh tế, tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các gói cho vay doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất 2 lần, giải ngân cho các doanh nghiệp gần 300 tỷ đồng. Qua đó rất nhiều doanh nghiệp đã có điều kiện tái đầu tư sản xuất, tháo gỡ khó khăn về vốn. Bên cạnh đó các ngân hàng còn mở rộng diện cho vay, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các khoản nợ trước đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ nên trong 6 tháng đầu năm đã có 70 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()