Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt khó
Vận chuyển gạo xuất khẩu tại Kho lương thực Cái Răng, Cần Thơ. TP Cần Thơ hiện có hơn chín nghìn doanh nghiệp (DN), trong đó có hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Các DNNVV đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, hiện các DNNVV TP Cần Thơ đang gặp rất nhiều khó khăn cần sự hỗ trợ để phát triển ổn định.Nhiều khó khăn, thách thứcHiện nay, khó khăn lớn nhất của DNNVV là chi phí đầu vào tăng trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp. Giám đốc Công ty cơ khí Thế Dân Lâm Thế Vân (khu công nghiệp Trà Nóc) cho biết: Lãi suất ngân hàng quá cao từ 23 đến 25%/năm, giá xăng dầu, điện đều tăng nên chi phí đầu vào của doanh nghiệp đã tăng hơn 30% so với đầu năm 2011. Trong khi nhu cầu về các sản phẩm máy móc, phụ tùng phục vụ các nhà máy chế biến nông, thủy sản của công ty giảm do tình hình khó khăn chung. Vì thế, công ty cố gắng duy trì...
|
Nhiều khó khăn, thách thức
Hiện nay, khó khăn lớn nhất của DNNVV là chi phí đầu vào tăng trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp. Giám đốc Công ty cơ khí Thế Dân Lâm Thế Vân (khu công nghiệp Trà Nóc) cho biết: Lãi suất ngân hàng quá cao từ 23 đến 25%/năm, giá xăng dầu, điện đều tăng nên chi phí đầu vào của doanh nghiệp đã tăng hơn 30% so với đầu năm 2011. Trong khi nhu cầu về các sản phẩm máy móc, phụ tùng phục vụ các nhà máy chế biến nông, thủy sản của công ty giảm do tình hình khó khăn chung. Vì thế, công ty cố gắng duy trì hoạt động, không để phá sản để giữ chân khách hàng truyền thống và lượng công nhân lành nghề, chứ không thể hoạt động có lãi trong điều kiện hiện nay.
Các DNNVV kinh doanh xuất khẩu gạo ở TP Cần Thơ đang lo lắng cho vận mệnh của mình khi Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh, xuất khẩu gạo có hiệu lực từ ngày 1-10-2011. Theo quy định, DN đủ điều kiện xuất khẩu gạo phải có nhà máy xay xát công suất 10 tấn/giờ, kho chứa lúa năm nghìn tấn, máy tách vỏ lúa, đánh bóng… So với quy định của Nghị định 109, phần lớn các DNNVV ở Cần Thơ không đủ điều kiện xuất khẩu gạo, chỉ một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam mới đáp ứng yêu cầu. Ông Trần Phước Thành, chủ DN tư nhân xuất khẩu gạo Hiệp Thành ở quận Cái Răng nói: Theo quy định trên, để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo, DN phải đầu tư khoảng 30 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất. Nhưng với lãi suất ngân hàng cao như hiện nay là một gánh nặng quá sức với DN.
Theo Hiệp hội DN TP Cần Thơ, có khoảng 70% các DNNVV đang gặp khó khăn, trong đó, khoảng 30% rất khó khăn, một số phải đóng cửa hay hoạt động cầm chừng. Do thiếu vốn, lãi suất ngân hàng cao nên nhiều DN không mở rộng sản xuất, kinh doanh mà có xu hướng thu hẹp sản xuất tránh thua lỗ, một số DN phải tạm đóng cửa nhà xưởng. Hiện nhiều DNNVV TP Cần Thơ đang trong cảnh tiến không được mà lùi cũng không xong do đã nhập thiết bị máy móc nguyên liệu chuẩn bị sản xuất nhưng vì lãi suất ngân hàng cao, khó vay vốn nên nhiều DN không biết xoay xở thế nào.
Hỗ trợ DNNVV vượt khó
Các DNNVV ở TP Cần Thơ có vốn thấp, trung bình khoảng ba tỷ đồng/DN, chủ yếu vay vốn qua thế chấp tài sản. Tuy nhiên, do tài sản giá trị thấp, các ngân hàng lại dè dặt nên khi đáo hạn tỷ lệ vay vốn lại thấp hơn so với nhu cầu DN. Giám đốc DN tư nhân nhựa Hoàng Thắng (quận Thốt Nốt) Phạm Hoàng Thắng cho biết: Đầu năm 2011, DN có kế hoạch sản xuất máy sấy lúa di động phục vụ nông dân sấy lúa tại chỗ nhưng đến nay DN chưa thể sản xuất được vì không có tài sản thế chấp vay vốn và lãi suất quá cao. Vì vậy, đối với lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ nên có chính sách ưu đãi tín dụng với các DN sản xuất dụng cụ, máy móc phục vụ nông nghiệp, thời gian vay trung và dài hạn để DN vượt qua khó khăn lúc này.
Để ứng phó lãi suất ngân hàng cao và khó vay vốn, các DN tại TP Cần Thơ phải tự cơ cấu lại DN, có chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp, áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất, tiết giảm chi phí. Ông Lê Kháng, chủ DN tư nhân Lê Kháng (quận Ninh Kiều) chia sẻ: Để vượt qua khó khăn, DN đã tổ chức lại sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu vào, bán những máy in cũ để mua máy in mới, giảm lao động, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. DN cũng liên kết các DN ngành in khác để phân khúc thị trường nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, việc liên kết còn khó khăn, do các DNNVV không nắm thị phần chi phối, khó cạnh tranh với các DN lớn.
Tổng Thư ký Hiệp hội DN TP Cần Thơ Nguyễn Mỹ Thuận cho biết: Hiệp hội DN Cần Thơ đề xuất thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng DN từ nguồn vốn do các DN trong Hiệp hội đóng góp và từ ngân sách của TP Cần Thơ để chủ động trong việc hỗ trợ vốn cho các DNNVV mà Cần Thơ ưu tiên phát triển. Hiệp hội cũng giới thiệu với các thành viên nguồn vốn vay không lãi suất của Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ các DN tư nhân lĩnh vực giải quyết nhiều lao động như nông, thủy sản, thủ công nghiệp, du lịch… Bên cạnh đó, Chính phủ có chính sách ưu đãi tín dụng đối với các ngành nghề gắn liền với nông nghiệp, nông thôn; giảm lãi suất ngân hàng đối với DN xuất khẩu; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các khoản đóng góp để DN yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Chính quyền TP Cần Thơ có kế hoạch hỗ trợ các DNNVV giai đoạn 2011-2015. Việc hỗ trợ tập trung vào vốn, mặt bằng sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị DN… Theo đó, TP Cần Thơ thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan thuế, đất đai; ưu tiên mặt bằng cho các DNNVV ở các khu, cụm công nghiệp với giá thuê đất hợp lý theo Nghị định 56 của Chính phủ. Về hỗ trợ tài chính, TP Cần Thơ giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Cần Thơ-Hậu Giang thực hiện bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, điều kiện để được bảo lãnh vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Cần Thơ-Hậu Giang không khác gì các ngân hàng thương mại đối với DN nên DN cũng khó tiếp cận nguồn vốn này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()