Hỗ trợ doanh nghiệp bằng những chính sách thiết thực
Công ty cổ phần may Phú Thịnh - Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp... Ảnh: MẠNH LINH Năm 2012, sự gia tăng số doanh nghiệp (DN) giải thể, tạm ngừng hoạt động cùng sự sụt giảm số lượng DN đăng ký thành lập mới cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN vẫn đầy khó khăn, thách thức, đe dọa tăng trưởng kinh tế năm 2013. Vì vậy, những chính sách, giải pháp hỗ trợ cần thiết thực hơn nữa, giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, tận dụng cơ hội phát triển, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 30-11-2012, cả nước có 48.473 DN giải thể, tạm dừng hoạt động, trong đó 39.936 DN dừng hoạt động và 8.537 DN đã giải thể. Dự báo, cả năm 2012, số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động là 55 nghìn DN, trong đó những lĩnh vực có số DN giải thể, ngừng hoạt động nhiều nhất là bất động sản, xây...
Công ty cổ phần may Phú Thịnh – Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp… Ảnh: MẠNH LINH |
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 30-11-2012, cả nước có 48.473 DN giải thể, tạm dừng hoạt động, trong đó 39.936 DN dừng hoạt động và 8.537 DN đã giải thể. Dự báo, cả năm 2012, số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động là 55 nghìn DN, trong đó những lĩnh vực có số DN giải thể, ngừng hoạt động nhiều nhất là bất động sản, xây dựng…
Bên cạnh đó, số lượng DN đăng ký thành lập mới của cả nước vẫn tiếp tục xu hướng giảm từ đầu năm đến nay, đến tháng 11-2012 là 62.794 DN, giảm 10% về số DN và giảm 8,4% về vốn đăng ký. Và đến hết năm 2012, con số này được dự báo là 65 nghìn DN. Đây là năm thứ hai liên tiếp, số lượng DN thành lập mới có sự giảm sút so với cùng kỳ năm trước. Những năm trước đây, tốc độ tăng trưởng các DN thành lập mới thường ở mức 18%/năm. Song, Phó Cục trưởng Quản lý đăng ký kinh doanh Bùi Anh Tuấn cho biết, nếu so với một số nước trong khu vực như Ma-lai-xi-a, Thái-lan mỗi năm trung bình chỉ có khoảng 30 đến 40 nghìn DN ra đời thì Việt Nam hiện nay đã quay trở lại đúng quy luật bình thường, phù hợp nội lực của nền kinh tế, thay vì phát triển DN “quá nóng” như trước đây. Cũng theo ông Tuấn, không nên quá bi quan về tình hình DN bởi con số DN đăng ký thành lập mới vẫn cao hơn số DN giải thể, tạm dừng hoạt động, điều này đồng nghĩa với việc vẫn có khoảng 10 nghìn DN gia nhập thị trường.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại cho rằng, DN giải thể gia tăng, còn số DN thành lập mới giảm tất yếu làm sụt giảm lực lượng DN. Đây là thực tế đáng lo ngại bởi con số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động là con số DN “chết” thật, cùng với đó hệ quả là người lao động mất việc, DN không có doanh thu, không nộp thuế cho nhà nước… Còn số DN đăng ký thành lập mới, có thể chỉ là “đăng ký để đấy”, có thể chưa đi vào hoạt động, chưa đóng góp gì cho nền kinh tế. “Và với đà này, lực lượng DN giảm sút thì tương lai nền kinh tế sẽ đi về đâu?”, bà Phạm Chi Lan băn khoăn.
Một lo ngại khác về tình hình DN là sự “lùi bước” của DN trong nước trên cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa. Bằng chứng là sự đóng góp của DN trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đang ngày càng giảm trong khi DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại gia tăng, chiếm tới 70%. Còn tại thị trường trong nước, DN FDI cũng đang đẩy mạnh việc mua bán, sáp nhập với các DN trong nước.
Theo TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, DN hiện đang rất khó khăn, nhất là các DN nhỏ và vừa, trong khi đó các chính sách hỗ trợ DN lại chưa phát huy hiệu quả. Nguyên nhân chỉ là vì thiếu sự phối hợp đầy đủ, kịp thời giữa các cơ quan thực hiện.
Có thể thấy, nhiều chính sách hỗ trợ DN đã ban hành nhưng chậm trễ hoặc gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Điển hình như chính sách giảm 50% tiền thuê đất năm 2011 và 2012 cho DN nhưng tại nhiều địa phương, thủ tục để hưởng chính sách này còn phức tạp, vì thế chính sách chưa hỗ trợ kịp thời DN, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, có nhiều chính sách hỗ trợ DN đúng đắn, phù hợp nhưng khi triển khai thực hiện thì lại là cả một vấn đề. Nhiều chính sách tốt bị kìm hãm, khắc chế bằng những quyết định “tồi”. Chẳng hạn việc miễn, giảm, gia hạn thuế cho DN trong khi lại quyết định tăng giá xăng, dầu, điện… Rõ ràng, việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng này chắc chắn làm tăng thêm chi phí sản xuất, làm cho DN khó có thể giảm giá thành để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Như vậy, chính sách, giải pháp chưa thật nhất quán theo hướng giải quyết các khó khăn của DN.
TS Vũ Đình Ánh cho rằng, Nghị quyết 13/2012/NQ-CP và Nghị quyết 29/2012/NQ-QH13 là nỗ lực cần thiết, nhạy bén và kịp thời của Chính phủ, Quốc hội nhằm giúp các DN nói riêng, giúp nền kinh tế nói chung vượt qua những khó khăn, thách thức trong năm 2012 thông qua nâng tổng cầu, giảm lãi suất và duy trì đầu tư. Việc triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp đề ra trong hai nghị quyết này chắc chắn hỗ trợ nhiều DN khắc phục được những khó khăn trước mắt, tiếp tục tồn tại và chuẩn bị điều kiện phát triển. Tuy nhiên, để giúp DN thật sự vượt qua khó khăn, Nghị quyết 13/2012/NQ-CP cần được mở rộng theo hướng hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm hàng hóa dịch vụ thông qua giảm chi phí đầu vào, kể cả chi phí nguyên, nhiên, vật liệu thiết yếu, chi phí vốn vay cũng như gánh nặng nộp ngân sách nhà nước… Chính sách, giải pháp hỗ trợ DN cần căn cơ hơn, bài bản hơn, có tính dài hạn hơn để hỗ trợ DN cũng như nền kinh tế khắc phục được những điểm yếu cốt tử, bước vào giai đoạn phát triển ổn định và bền vững hơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()