Hỗ trợ doanh nghiệp bằng giảm lãi suất
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, có các công cụ để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Về phía các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã tích cực giảm lãi suất cho vay, tiết giảm chi phí, có tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp.
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)
“Phấn đấu giảm lãi suất” là thông điệp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhiều lần nhấn mạnh thời gian gần đây. Trong văn bản mới đây gửi các tổ chức tín dụng, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất. NHNN yêu cầu việc giảm lãi suất áp dụng cho cả các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 – 2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 trước ngày 25/8, đồng thời cũng phải báo cáo kết quả thực hiện các cam kết đó vào đầu năm 2024.
Thực hiện các chỉ đạo quyết liệt đó, hàng loạt các nhà băng đã tung ra các chương trình giảm lãi suất để kích cầu tín dụng. Dù mức giảm chậm hơn lãi suất huy động, song mặt bằng lãi cho vay đã giảm thấy rõ thời gian gần đây. Trong đó, nhóm big 4 ngân hàng thương mại nhà nước dẫn đầu làn sóng giảm này với hàng loạt gói tín dụng ưu đãi. Theo đó, theo mặt bằng lãi suất chung ở đa số các ngân hàng hiện nay là: lãi suất kỳ hạn 6 – 7 tháng giảm 0,2% còn 6,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 8 – 11 tháng giảm 0,1% còn 6,9%/năm; lãi suất các kỳ hạn 12 – 36 tháng là 7%/năm.
Đáng chú ý, biểu lãi suất huy động mới nhất tại 4 ngân hàng lớn vừa đồng loạt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), lãi suất huy động kỳ hạn 1 và 2 tháng đã giảm từ 3,4%/năm xuống 3,3%/năm.
Riêng tại Agribank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài từ 13 đến 24 tháng tại quầy cũng đồng loạt giảm từ 6,3%/năm xuống còn 6%/năm. Đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến, BIDV điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng từ 4%/năm xuống còn 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 5,6%/năm còn 5,3%/năm. Vietcombank cũng giảm lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1 tháng từ 3,6%/năm xuống 3,4%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4,3%/năm xuống 4,2%/năm; kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng từ 5,2%/năm xuống 5,1%/năm.
Như vậy, so với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm đã giảm tới 3 – 4% đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Nguyên nhân giảm lãi suất ngoài do Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, thì chủ yếu là vì các ngân hàng “thừa tiền” do doanh nghiệp khó khăn, không thể đẩy tín dụng.
Trong khi đó, khảo sát hàng loạt ngân hàng tư nhân từ đầu tháng 8 đến nay như SHB, VietA Bank, TPBank, Eximbank, Techcombank, NCB, ACB, VietBank, ABBank, OceanBank, Sacombank, VIB, VPBank, MSB, BacA Bank, HDBank, Saigonbank, CBBank, BaoViet Bank, BVBank, GPBank, MB, SeABank, VietA Bank, SCB, OCB… cũng đã đồng loạt giảm lãi suất. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng, hiện mức lãi suất huy động cao nhất vẫn là 4,75%/năm. Với kỳ hạn 6 tháng, không ngân hàng nào áp dụng mức lãi suất trên 7%. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng hiện dao động từ 5% đến 6,8%/năm.
Kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động dao động từ 5,2% đến 7,1%/năm. Hiện chỉ có 3 ngân hàng huy động ở mức trên 7%/năm. Mức cao nhất 7,1%/năm đang được Ngân hàng Xây dựng áp dụng, như vậy, chỉ sau 2 tuần, ngân hàng này đã giảm 0.6%/năm lãi suất huy động ở kỳ hạn 12 tháng (trước là 7,7%/năm). Tương tự, ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất huy động dao động từ 5,2% đến 7,3%/năm.
Theo bà Hà Thanh Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – NHNN, thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31; kịp thời phối hợp các Bộ, ngành rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ các khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp đẩy mạnh triển khai chương trình.
Đến cuối tháng 6/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 56.000 tỷ đồng cho gần 2.100 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 590 tỷ đồng.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian, tới mục tiêu gia tăng tín dụng vẫn phải đặt ra. Trong đó, NHNN sẽ tiếp tục cân nhắc việc hạ lãi suất. Tuy nhiên câu chuyện lúc này không hẳn là hạ lãi suất điều hành, các NHTM cũng cần tiếp tục hạ lãi suất, điều này do cân nhắc của TCTD. Sắp tới NHTM phải thể hiện nhiều hơn trách nhiệm với cộng đồng nhưng cũng phải đảm bảo an toàn, không để rơi vào tình trạng yếu kém về tài chính, tiếp theo là giảm các loại phí.
Trong khi đó, việc giảm lãi suất nhưng phải đảm bảo khối lượng tín dụng, chất lượng tín dụng nhưng vẫn phải đảm bảo về tỷ giá, ổn định niềm tin của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất cho vay nhưng lại phải hạn chế giảm lãi suất huy động ở mức độ phù hợp. Đây cũng là bài toàn khó. Vì vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng để giải quyết vấn đề này cần phải tiếp tục có sự chung tay, đồng sức, đồng lòng, và sự nỗ lực hơn nữa của các bộ, ngành và các chủ thể trong nền kinh tế để giúp cho khu vực doanh nghiệp phục hồi ổn định và tiếp tục phát triển.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế./.
Nguồn:https://dangcongsan.vn/kinh-te/ho-tro-doanh-nghiep-bang-giam-lai-suat-644793.html
Ý kiến ()