Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cần chính sách mạnh, cụ thể
Ngày 14/4, tại TPHCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến các hiệp hội doanh nghiệp phía nam nhằm hoàn thiện Dự án Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Góp ý dự thảo Luật, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế TPHCM cho rằng tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nên làm rõ đối tượng hỗ trợ DN Việt Nam và DN nước ngoài. Trong đó, nên tập trung hỗ trợ DN Việt Nam vì các DN FDI đã được hưởng hỗ trợ nhiều rồi.
Cũng theo ông Nghĩa, việc quy định về hỗ trợ thuế cho DN trong dự thảo Luật còn quy định chung, không cụ thể là hỗ trợ bao nhiêu nên khi Luật có hiệu lực sẽ khó thực thi. Ông Nghĩa kiến nghị nên hỗ trợ về thuế giá trị gia tăng (GTGT) vì thuế này nằm trong giá để tăng sức cạnh tranh của DN trên thị trường. Vì vậy, điều tiết thuế GTGT mới là hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần có cơ chế mạnh hơn để DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng vì nội dung dự thảo Luật còn chung chung, chưa khuyến khích được các tổ chức tín dụng cho DN vay vốn.
Theo bà Lê Thị Kim Xuân, Trưởng Văn phòng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TPHCM, đối với DNNVV, cái yếu của họ là năng lực tài chính, vốn ít và các giá trị tài sản của họ rất thấp, cho nên không có đủ tài sản thế chấp vay ngân hàng.
Trong khi đó, có một hình thức có thể mở rộng cho khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho các DNNVV là cho vay có bảo đảm tài sản bằng động sản. Đây là hình thức mà theo thông lệ quốc tế, dư nợ cho vay về tài sản bảo đảm là động sản chiếm tới 70% tổng dư nợ. Trong khi ở Việt Nam, đến thời điểm này, dư nợ cho vay có bảo đảm tài sản bằng động sản mới chiếm khoảng 30%.
Bà Xuân kiến nghị, dự thảo Luật cần điều chỉnh lại theo hướng tạo được cơ chế chính sách, khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay tài sản bảo đảm bằng động sản để cho các DNNVV có cơ hội tiếp cận vốn.
Tại hội thảo, có một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật nên khuyến khích vai trò phối hợp giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại ở các tỉnh. Qua đó, việc hỗ trợ cho các DN sẽ sát với thực tế hơn.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCN TPHCM cho rằng, vai trò của Hiệp hội DNNVV hiện nay là khá mờ nhạt, trong khi VCCI vẫn là đại diện chung cho các hiệp hội và các hiệp hội vẫn có quyền giúp các DN thành viên thụ hưởng các lợi ích từ chính sách.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()