Hỗ trợ công nhân tiếp cận nhà ở xã hội
Trước chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động dự kiến tổ chức nhân dịp Tháng Công nhân năm 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã mở diễn đàn tuyên truyền, vận động và tập hợp đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, người lao động với Đảng, Nhà nước để gửi đến chương trình vào cuối tháng 5 tới đây. Trong đó, có nhiều ý kiến của công nhân lao động bày tỏ mong muốn được Nhà nước, Chính phủ quan tâm hơn đến các chính sách về nhà ở xã hội.
Năm 2020, Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tiến hành khảo sát về nhu cầu nhà ở của công nhân lao động cho thấy, có tới 66% số công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ để ở. Trong đó, gần 4% phải ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, với điều kiện chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, tiện nghi sinh hoạt; 23% số công nhân lao động đang phải dùng nguồn nước giếng đất, giếng khoan. Đáng chú ý là hai năm qua, dịch Covid-19 như một cơn bão càn quét, khiến đời sống của nhiều công nhân lao động, nhất là công nhân nhập cư chao đảo.
Hàng triệu người lao động đã vội vã hồi hương với chiếc xe cũ kỹ trong một hành trình lên tới hàng nghìn cây số, do không thể trụ được trong những khu nhà trọ khi tiền tích lũy đã cạn kiệt. Thực trạng nêu trên khiến các doanh nghiệp lâm vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phục hồi, phát triển bền vững của kinh tế-xã hội nói chung.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến hết năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án, với hơn 142 nghìn căn nhà ở xã hội, tổng diện tích hơn 7,1 triệu mét vuông sàn (bao gồm cả nhà cho người thu nhập thấp và nhà công nhân). Số lượng nhà ở cho công nhân, lao động mới đáp ứng được khoảng hơn 330 nghìn công nhân, lao động, đạt khoảng 39% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp so với chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Chính phủ.
Do thiếu các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân, hầu hết công nhân, lao động phải thuê nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng gần các khu công nghiệp. Mô hình nhà trọ này rất đa dạng, do pháp luật chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, cho nên chất lượng nhà ở thường không bảo đảm. Hầu hết là những dãy phòng cấp bốn, diện tích mỗi phòng chỉ rộng khoảng 4-10 m2, thiếu nước sạch, môi trường ô nhiễm, hạ tầng kỹ thuật kém, dẫn đến không bảo đảm chất lượng sống của công nhân, lao động. Thực tế cho thấy, trong thời gian một số địa phương phải thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, hàng chục triệu công nhân, lao động phải sống cô lập trong những căn nhà trọ chật chội, ẩm thấp do không được phép đi ra ngoài, hoặc nếu có đi làm thì khi quay về chỉ được ở trong nhà, dẫn đến những hệ lụy về sức khỏe lẫn tinh thần.
Viện phó Viện Công nhân và Công đoàn Nhạc Phan Linh cho rằng: Những vấn đề bất cập, nảy sinh về xây dựng nhà ở cho công nhân, lao động hiện nay chủ yếu là sự chưa phù hợp giữa mô hình ký túc xá cho thuê và bán dành cho công nhân trong khu công nghiệp. Chính sách chưa thật sự thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng.
Về mặt pháp lý, tồn tại nghịch lý là, nhà ở xã hội nhưng thực hiện chính sách pháp lý tương tự như nhà ở thương mại. Điều này khiến tiến độ thực hiện các dự án kéo dài, thủ tục pháp lý phức tạp hơn, không thu hút các nhà đầu tư và nhất là nguồn vốn vay hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện những dự án nhà ở xã hội này chưa triển khai được.
Bên cạnh đó là sự chưa đồng nhất giữa các văn bản chính sách giữa Luật Nhà ở năm 2014, Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Nhà nước chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Một số địa phương dễ bố trí quỹ đất để làm khu công nghiệp, nhưng quan tâm dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thì lại chưa mặn mà.
Hơn 10 năm làm công nhân, hiện thu nhập của hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Hoan (công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) khoảng 20 triệu đồng/tháng, tính cả tiền tăng ca. Do biết đồng cam, cộng khổ, chi tiêu dè sẻn, anh chị đã tiết kiệm được vài trăm triệu đồng. Trong tâm tư anh luôn mong mỏi được sở hữu một căn nhà ở xã hội, dù có phải vay mượn để yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, vợ chồng anh chị không biết phải tiếp cận thông tin để mua nhà ở xã hội ở đâu, như thế nào. Anh Hoan chia sẻ: Nếu vài năm nữa con cái lớn, nếu vẫn không thể mua được nhà vợ chồng anh sẽ về quê.
Còn anh Phạm Văn Hiếu (công nhân công ty chuyên về thiết bị vệ sinh ở Khu công nghiệp Thăng Long), dù đã nhiều lần tìm hiểu về các dự án nhà ở giá rẻ nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được. Anh mong muốn thời gian tới, Chính phủ phát triển thêm nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, hoặc nhà lưu trú cho công nhân để giấc mơ an cư lạc nghiệp không còn xa vời.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Asti Hà Nội (Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội) Nguyễn Đức Nhân cho biết, công ty hiện có khoảng 1.200 công nhân lao động, trong đó hơn một nửa phải thuê trọ. Sau gói hỗ trợ thuê nhà theo Quyết định 08, hy vọng Chính phủ sẽ có thêm gói hỗ trợ về nhà ở cho công nhân. Một căn hộ nhà ở xã hội có giá từ 750 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng, trong khi đó, người lao động có mức thu nhập từ 8,5-12 triệu đồng/tháng, rất khó có thể mua nhà. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giảm giá nhà ở xã hội để công nhân có thể tiếp cận được.
Nhu cầu có nhà ở xã hội, nhà lưu trú an toàn để công nhân sống, yên tâm lao động, sản xuất không chỉ nâng chất lượng cuộc sống của người lao động, mà còn giúp thu hút và giữ chân người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Đã đến lúc, cần phải đặt vai trò của người lao động lên ưu tiên hàng đầu, bởi công nhân là lực lượng sản xuất chính, nòng cốt đối với nền kinh tế.
Vì vậy, công tác chăm lo cho đời sống công nhân, cũng như xây dựng nhà ở an sinh xã hội là hết sức quan trọng, không chỉ với doanh nghiệp mà còn đối với cả xã hội. Để giải quyết vấn đề này, cần sớm sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, bảo đảm cho chủ đầu tư dự án được hưởng những ưu đãi thực chất.
Đồng thời cần thiết phải nghiên cứu cơ chế, ban hành chính sách riêng về việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo hướng ưu tiên, bố trí quỹ đất và các thiết chế ở khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là hạ tầng thiết yếu tại khu công nghiệp. Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp.
Để khuyến khích và thúc đẩy được việc phát triển nhà ở cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công theo hướng: Chính phủ xem xét, đề xuất sửa Luật Nhà ở theo hướng tách đối tượng người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp ra khỏi đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; bổ sung chương mới chính sách về nhà ở cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp…
Ý kiến ()