Hỗ trợ 560.000 lao động tự do theo Nghị quyết 68
Chính sách hỗ trợ lao động tự do – đối tượng vốn bị tác động sớm nhất, bị ảnh hưởng sâu và nặng nề nhất, đang được triển khai hiệu quả nhất. 37/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách gần 765.000 lao động tự do; 20/63 tỉnh, thành phố (chủ yếu ở các khu vực phía nam) đã chi trả hỗ trợ trên 560.000 người (chiếm 73% số phê duyệt), với tổng kinh phí gần 790 tỷ đồng.
Tăng cường ra soát đối tượng thu hưởng chính sách, nắm bắt đời sống của người dân, người lao động. Ảnh minh họa |
Sau 1 tháng triển khai hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhận định, các chính sách đã được thực hiện đúng hướng, kịp thời, thiết thực. Trong đó, chủ trương giao nhóm lao động tự do cho các địa phương tự triển khai là đúng đắn, thực tế đã phát huy hiệu quả.
Tính đến ngày 4/8, 12 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, cơ quan BHXH đã rà soát và thông báo cho khoảng 375.000 đơn vị sử dụng lao động với gần 11,2 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.322 tỷ đồng để người sử dụng lao động hỗ trợ cho người lao động phòng, chống dịch COVID-19.
Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Đến nay, có 22/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với 136 đơn vị sử dụng lao động cho 17.657 người lao động, tổng số tiền tạm dừng đóng trên 108 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động: Hiện nay, các địa phương còn thực hiện giãn cách xã hội nên chưa triển khai được. Các địa phương khác đang rà soát, hoàn thiện hồ sơ theo quy định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: Cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 124.001 người lao động tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương tại 10.687 đơn vị sử dụng lao động để làm cơ sở để UBND các cấp phê duyệt danh sách hỗ trợ.
Đến nay, 21/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt và chi trả cho gần 48.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (trong đó có 50 lao động đang mang thai; 750 trẻ em dưới 6 tuổi) với tổng kinh phí hỗ trợ là gần 98,3 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc: Cơ quan BHXH đã xác nhận cho 8.245 người lao động ngừng việc tại 288 đơn vị sử dụng lao động làm cơ sở UBND các cấp phê duyệt danh sách hỗ trợ.
Có 6 tỉnh, thành phố đã phê duyệt và chi trả hỗ trợ cho 1.122 lao động ngừng việc (trong đó có 25 lao động đang mang thai; 740 trẻ em dưới 6 tuổi) với tổng kinh phí hỗ trợ là trên 1,4 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động: Có 5 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách hỗ trợ 1.370 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (trong đó có 34 người nuôi con dưới 6 tuổi), tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Các địa phương khác đang rà soát, tổng hợp danh sách đề nghị hỗ trợ.
Chính sách hỗ trợ bổ sung, hỗ trợ tiền ăn và trẻ em: 32/63 tỉnh, thành phố đã báo cáo việc phê duyệt danh sách hỗ trợ tiền ăn 65.300 đối tượng, trong đó có 24.500 người là F0 và 40.800 người là F1 và hỗ trợ thêm cho trên 2.600 trẻ em. Đã chi trả tổng số tiền ăn hỗ trợ là gần 12,1 tỷ đồng. Tại nhiều địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, chính quyền đã sử dụng ngân sách địa phương và nhiều nguồn vận động khác để hỗ trợ chi phí ăn uống cho người dân trong các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly.
Chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và hướng dẫn viên du lịch: 33/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ 855 viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và 750 hướng dẫn viên du lịch, trong đó đã chi trả hỗ trợ cho 655 viên chức hoạt động nghệ thuật và 47 hướng dẫn viên du lịch với tổng số tiền hỗ trợ là 1,58 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh: Đến nay, 17/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ trên 24.200 hộ kinh doanh bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19, trong đó, đã chi trả hỗ trợ cho trên 7.100 hộ với tổng số tiền hỗ trợ là gần 15,8 tỷ đồng.
Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất: Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, có 369 đơn vị sử dụng lao động đã đến cơ quan BHXH xin xác nhận cho 55.923 người lao động để vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội và tổng hợp từ các địa phương, có 31/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt hồ sơ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 220 đơn vị để trả lương 34.895 lao động, nhu cầu vay 188,35 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân cho 123 đơn vị vay trả lương cho 26.547 lao động với tổng số tiền trên 102,5 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: 37/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách gần 765.000 lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác (trong đó có khoảng trên 100.000 người bán lẻ vé xổ số lưu động), trong đó, 20/63 tỉnh, thành phố (chủ yếu ở các khu vực phía Nam) đã chi trả hỗ trợ trên 560.000 người (chiếm 73% số phê duyệt), với tổng kinh phí gần 790 tỷ đồng. Ngoài ra, các tỉnh đã thực hiện chi trả hỗ trợ gần 103.500 đối tượng đặc thù của địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ gần 89,5 tỷ đồng
Trong nhóm 19 tỉnh, thành phố khu vực phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội, TPHCM đã chi trả hỗ trợ 345.287 lao động, kinh phí 518 tỷ đồng; Cần Thơ đã chi trả hỗ trợ 6.300 lao động, kinh phí 7,56 tỷ đồng; Long An đã chi trả hỗ trợ 28.500 lao động, kinh phí 28 tỷ đồng; Bình Phước đã chi trả hỗ trợ 30.700 lao động, kinh phí 23,9 tỷ đồng; Vĩnh Long đã chi trả hỗ trợ 18.400 lao động, kinh phí 19,57 tỷ đồng; Đồng Tháp đã chi trả hỗ trợ 22.900 lao động, kinh phí 34,2 tỷ đồng.
Cùng với các hoạt động hỗ trợ người dân do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể thực hiện, tại một số địa phương còn mở rộng chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khác ngoài quy định của Nghị định 68, Quyết định 23 như thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh.
Theo tổng hợp của Bộ LĐTB&XH, việc triển khai chính sách hỗ trợ tiền mặt gặp một số vướng mắc: xác định điều kiện hỗ trợ đối với doanh nghiệp nằm trong khu vực cách ly y tế gặp khó khăn do người lao động không đến làm việc hoặc doanh nghiệp không có điều kiện bố trí “3 tại chỗ”; việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với các trường hợp F0, F1 cũng khó khăn khi xác định địa điểm và thời gian cách ly.
Trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện địa phương (thời gian phù hợp, tại các địa bàn phù hợp). Đồng thời, chủ động trao đổi, nắm tình hình triển khai tại địa phương để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 phù hợp với tình hình ảnh hưởng của diễn biến của dịch; tăng cường ra soát đối tượng, nắm bắt đời sống của người dân, người lao động, đặc biệt là trong khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội, khu vực phong tỏa, để có kiến nghị, đề xuất đảm bảo người lao động không bị thiếu đói.
Ý kiến ()