Hỗ trợ 200 phụ nữ làm doanh nghiệp tiếp cận kỹ năng quản lý chuyên nghiệp
Chiều 22-8, tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo khởi động Dự án “Nâng cao kỹ năng quản lý doanh nghiệp nhỏ cho doanh nhân nữ”, do Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM) phối hợp Quỹ Citi tổ chức.
Theo đó, mục tiêu của dự án là hỗ trợ 200 phụ nữ làm doanh nghiệp nâng cao kỹ năng quản lý doanh nghiệp nhỏ, từ đó cải tiến hoạt động và phát triển doanh nghiệp, bảo đảm và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương; đồng thời kết nối doanh nhân nữ và Hội đồng Nữ doanh nhân, giúp phụ nữ tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng quan hệ hợp tác.
Dự án kéo dài đến tháng 7-2018, tập trung vào các tỉnh Nam Định, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An và Hưng Yên. Đây là những tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa cao trong những năm gần đây, song song với đó là một lượng lớn hộ gia đình không còn đất nông nghiệp, buộc phải chuyển đổi ngành nghề hoặc rời nhà lên thành phố lớn làm thuê.
Đối tượng phụ nữ được thụ hưởng Dự án là phụ nữ quản lý mô hình sản xuất nông nghiệp, kinh doanh – sản xuất ngành nghề thủ công và đại lý buôn bán với quy mô từ ba lao động thuê mướn thường xuyên và doanh thu năm 2016 tối thiểu 300 triệu đồng, ưu tiên phụ nữ dưới 35 tuổi. Về nâng cao năng lực, học viên sẽ được tham gia hai khóa đào tạo gồm các nội dung cơ bản và nâng cao. Nội dung khóa một bao gồm đặc thù của doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ quản lý, maketing, quản lý nguồn nhân lực, phân công công việc, kỹ năng làm việc nhóm/điều hành nhóm, kỹ năng ra quyết định, quản lý tài chính, hợp tác liên kết kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh.
Tổng Giám đốc TYM Dương Thị Ngọc Linh cho biết: TYM không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ nghèo mà còn giúp họ thoát nghèo vươn lên làm giàu; đồng thời khuyến khích các chị em nâng cao kỹ năng quản lý kinh doanh; kỹ năng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng tôi kỳ vọng sau chương trình tập huấn và hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, học viên không chỉ nâng cao năng lực và quyền năng kinh tế, mà rộng hơn là tạo thêm việc làm, góp phần ổn định an sinh xã hội trong quá trình công nghiệp hóa nông thôn.
Chị Hà Thị Ánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Ở địa phương có nhiều các doanh nghiệp vừa và nhỏ do chị em quản lý, tuy nhiên, họ không có kinh nghiệm nên chưa phát huy tối đa được sự sáng tạo cũng như nắm bắt nguồn lực sẵn có trên địa bàn xã. Hiện tại, ở xã Phúc Yên có nhiều mô hình do chị em tạo dựng nên được đánh giá rất cao, như: sản xuất tương truyền thống, trồng rau sạch… mặc dù hoạt động hiệu quả nhưng chưa có tổ chức nào đứng ra gắn kết chị em để tạo nên hệ thống sản xuất kinh doanh cũng như hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, họ hoàn toàn là người tự tìm nhà đầu tư để phát triển sản phẩm của mình.
Sau hơn bốn tháng áp dụng kiến thức đã học vào thực tế đồng thời có sự tư vấn trực tiếp của cán bộ TYM, học viên sẽ được tham gia khóa hai với các nội dung như chia sẻ thực tế của một doanh nhân đã thành công và tham quan thực tế một doanh nghiệp nhỏ của phụ nữ, bài học kinh nghiệm từ các bài tập thực hành, định vị thị trường, định vị doanh nghiệp, kỹ năng đào tạo lao động và giữ chân lao động, kỹ năng đàm phán thương lượng.
Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM) được thành lập năm 1992, là tổ chức tài chính vi mô chính thức đầu tiên tại Việt Nam do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, với sứ mệnh cải thiện chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo, yếu thế thông qua các dịch vụ tài chính và phi tài chính, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()