Hồ tiêu Việt Nam mắc kẹt tại Nepal: Vẫn chưa xác định ngày về
Các doanh nghiệp hồ tiêu cho biết tới thời điểm này, họ vẫn đang “bế tắc” trong việc đưa hàng mắc kẹt từ Nepal về Việt Nam dù đã được phía Nepal đồng ý cho tái xuất.
Liên quan đến gần 60 container hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu sang Nepal bị mắc kẹt tại cảng Nepal và biên giới Nepal-Ấn Độ do lệnh cấm nhập khẩu ban hành ngày 25/3/2020 của Chính phủ Nepal, các doanh nghiệp cho biết tới thời điểm này vẫn đang “bế tắc” trong việc đưa hàng về Việt Nam dù đã được phía Nepal đồng ý cho tái xuất.
Quy trình kiểu “dây thun”
Sau khi hồ tiêu mắc kẹt nhiều tháng tại cảng Birgunj (Nepal) và Kolkata (cảng trung chuyển thuộc Ấn Độ), các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã phải nhờ sự can thiệp của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam , Hiệp hội Hồ tiêu thế giới và Bộ Công Thương Việt Nam liên hệ với cơ quan chức năng Nepal và Ấn Độ tìm cách giải phóng lô hàng.
Dù đây là những container đã rời cảng Việt Nam trước ngày Chính phủ Nepal ban hành lệnh cấm nhập khẩu, nhưng khi hàng đến cảng Birgunj và Kolkata, nhà nhập khẩu Nepal không thể làm thủ tục nhận hàng do không có giấy phép nhập khẩu.
Khi xác định lô hàng không thể thông quan vào Nepal, các doanh nghiệp đề nghị được kéo các container về lại Việt Nam càng sớm càng tốt.
Sau hơn 3 tháng chờ đợi, ngày 15/7, Bộ Công Thương và Vật tư Nepal đã có văn bản gửi Hải quan Nepal đề nghị cho phép tái xuất các container hồ tiêu của doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, tới nay, việc làm thủ tục đưa hàng về Việt Nam vẫn chưa đi tới đâu và chưa thể xác định thời gian hàng có thể cập cảng Việt Nam.
Bà Trần Phước Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trân Châu, cho biết hiện tại hầu hết các container hồ tiêu tại cảng Birgunj đã được Hải quan Nepal cấp chứng nhận đủ điều kiện tái xuất (NOC), số container tại Kolkata (Ấn Độ) đã trình hồ sơ lên hải quan Kolkata từ ngày 16/7 tới nay. Tuy nhiên, hải quan Kolkata vẫn chưa kiểm tra và thông qua.
Trong khi đó, theo thông tin từ phía đại lý hải quan mà doanh nghiệp thuê làm thủ tục, một số container hồ tiêu đã bị chuyển hồ sơ sang cơ quan kiểm soát gian lận thương mại ở biên gới Nepal và Ấn Độ (DRI) và chưa biết kết quả có được thông qua hay không.
“Khi nhận được thông tin có thể tái xuất hàng về Việt Nam, chúng tôi đã vui mừng vì nghĩ có thể làm thủ tục trong khoảng 10 ngày là có thể đưa hàng lên tàu kéo về, rút ngắn chuỗi gia tăng chi phí lưu container, lưu bãi. Tuy nhiên, thực tế là suốt một tháng trao đổi qua lại, các đại lý hải quan vẫn chưa thể hoàn tất hồ sơ để kéo hàng ra khỏi cảng.” Trong khi đó, với các container đang lưu tại cảng Birgunj, doanh nghiệp muốn đưa hàng về phải tìm tàu sắt kéo từ Birgunj về cảng biển tại Ấn Độ rồi mới đưa hàng lên tàu về Việt Nam. Chỉ tính riêng thời gian vận chuyển đã mất từ 3 tuần đến 1 tháng trong khi hiện tại doanh nghiệp chưa biết khi nào có thể kéo hàng ra khỏi cảng,” bà Trần Phước Hậu bày tỏ lo ngại.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Imtex Việt Nam, chia sẻ nếu xét quy trình đưa các container hồ tiêu mắc kẹt tại Nepal và biên giới Nepal-Ấn Độ về lại Việt Nam là 10 bước thì tới nay, các container ở cảng Birgunj mới được giải quyết 1 bước là cấp NOC.
Trong khi đó, các container ở Kolkata hầu như chưa có tiến triển gì ngoài thông báo được phép tái xuất.
Các hồ sơ đã trình lên hải quan khu vực biên giới Nepal-Ấn Độ ít nhất là hai tuần cũng chưa được cơ quan này ký thông qua. Mặc dù, hàng đã được Hải quan Nepal cho phép tái xuất nhưng nếu hải quan biên giới không thông qua thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể kéo hàng.
Nguyên nhân là do Nepal không có cảng biển và hàng hóa xuất nhập khẩu đều phải trung chuyển qua Ấn Độ.
Ngay cả khi hải quan biên giới thông qua, số container từ Birgunj được kéo bằng tàu hỏa về Kolkata thì thời gian hoàn tất các thủ tục còn lại để đưa hàng lên tàu biển về Việt Nam cũng phải mất khoảng 1 tháng nữa, chưa kể thời gian tàu đi từ Ấn Độ về Việt Nam.
Chi phí tăng theo cấp số nhân
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, quy trình làm thủ tục tái xuất quá phức tạp và bị kéo dài đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam thiệt hại nặng nề.
Tính tới thời điểm hiện tại, lô hàng đã mắc kẹt hơn 4 tháng, chi phí lưu container, lưu bãi đã vượt quá 50% giá trị lô hàng, chưa kể chi phí thuê đại lý hải quan, công ty dịch vụ làm thủ tục tái xuất.
“Chi phí lưu container mà các hãng tàu đang áp dụng là 170 USD/container/ngày. Tính trung bình với 120 ngày mắc kẹt, doanh nghiệp phải trả khoảng 20.500 USD phí lưu 1 container, thêm 5.000 USD phí lưu bãi, khoảng 3.000 USD chi phí làm thủ tục hải quan và thuê tàu lửa kéo hàng từ Nepal về cảng biển Ấn Độ, cộng với khoản chi phí vận tải chiều đi từ Việt Nam đến Nepal trước đó khoảng 3.000 USD/container. Như vậy, đến thời điểm này, mỗi container doanh nghiệp phải trả trên 31.500 USD, doanh nghiệp có nhiều container mắc kẹt nhất là 20 container, thiệt hại đã lên tới hơn 600.000 USD,” ông Lê Xuân Nghĩa ước tính.
Đại diện một doanh nghiệp khác thông tin do phía nhà nhập khẩu không thể nhận hàng nên toàn bộ chi phí vận chuyển, phát sinh ở cả chiều đi lẫn chiều về doanh nghiệp xuất khẩu phải gánh hết.
Thời gian qua, các doanh nghiệp cũng đã nỗ lực thương lượng với các hãng tàu vận chuyển lô hàng để giảm chi phí phát sinh ngoài ý muốn.
Đến thời điểm này, đã có 3/5 hãng tàu đã đồng ý giảm từ 40-50% chi phí lưu container trong thời gian bị kẹt tại Nepal, 2 hãng tàu chưa có câu trả lời. Các loại phí khác như lưu cảng, thủ tục hải quan, tàu lửa không thể thương lượng được.
“Thời gian lưu container, lưu cảng của lô hàng quá lâu nên chi phí phát sinh là khó tránh khỏi, tuy nhiên doanh nghiệp mong muốn các hãng tàu chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính cho nhà xuất khẩu trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Bởi lẽ, cả 13 doanh nghiệp có hồ tiêu mắc kẹt tại Nepal đều là doanh nghiệp quy mô nhỏ, vốn ít và trước đó đã vay ngân hàng để mua tiêu xuất khẩu. Ngoài phần chi phí lưu container, lưu bãi, các doanh nghiệp còn chịu gánh nặng lãi suất ngân hàng và không thể xoay vốn để tiếp tục hoạt động kinh doanh,” vị đại diện chia sẻ thêm.
Theo các doanh nghiệp, so với thời điểm xuất hàng đi, giá hồ tiêu hiện nay cao hơn 4.000 đồng/kg, giá trị một container hồ tiêu tăng thêm khoảng 100 triệu đồng, song khoản chi phí phát sinh đã lên tới gần 700 triệu đồng, nghĩa là doanh nghiệp phải chịu lỗ gần 600 triệu đồng/container. Doanh nghiệp mong muốn kéo hàng về sớm để có thể xuất đi thị trường khác hoặc thanh lý nhằm “vớt vát” một phần thiệt hại.
Thực tế, quy trình tái xuất quá phức tạp và mất nhiều thời gian, các container hồ tiêu phơi mình ngoài trời nhiều tháng với thời tiết nóng ẩm rất dễ bị mốc và hư hỏng.
Nếu quy trình tái xuất không được rút ngắn, nhiều khả năng hồ tiêu về đến Việt Nam sẽ phải bỏ đi. Khi đó, doanh nghiệp không chỉ gánh khoản chi phí vận chuyển hàng trăm nghìn USD mà còn mất trắng 3 triệu USD (giá trị ước tính của 58 container hồ tiêu lúc xuất đi), kéo theo khả năng phải tuyên bố phá sản.
Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cũng xác nhận tình hình kéo lô hàng hồ tiêu mắc kẹt tại Nepal và biên giới Nepal-Ấn Độ hiện chưa có tiến triển khả quan.
Một phần do quy trình thủ tục tái xuất của phía đối tác khá phức tạp, phần khác do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số khu vực tại Nepal và Ấn Độ bị phong tỏa nên thời gian chờ làm thủ tục bị kéo dài.
Trong tình hình hiện nay, VPA sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc thương lượng với hãng tàu về chi phí, đồng thời thường xuyên liên lạc với đại sứ, tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal) để cập nhật thông tin và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về xuất nhập khẩu của nước sở tại nhằm tháo gỡ bế tắc cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất./.
Ý kiến ()