Hộ nuôi cá lồng: Chủ động trước mùa mưa lũ
– Những năm gần đây, mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh chóng. Với đặc thù nuôi trên sông, hồ, nên trước mùa mưa bão, các hợp tác xã (HTX), hộ chăn nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn cho các lồng cá.
Giữa tháng 7/2021, chúng tôi có mặt ở khu vực nuôi cá lồng của HTX Thủy sản Lê Hồng Phong tại hồ Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn. Ông Dương Hữu Chức, Giám đốc HTX chia sẻ: Không để “mất bò mới lo làm chuồng”, tranh thủ nước hồ đang cạn, cả tuần nay, anh em trong HTX khẩn trương gia cố lại lồng bè như: thêm dây neo tại các lồng cá; kiểm tra lại tất cả các mối hàn ở thành lồng, từng mắt lưới, từng thùng phao nổi để kịp thời phát hiện và xử lý những vị trí bị bung, bục, rách. Bên cạnh đó, HTX cũng chuẩn bị máy sục để cung cấp oxy cho cá trong trường hợp cần thiết. Đến thời điểm này, tất cả 40 lồng cá của HTX đã được gia cố chắc chắn và yên tâm hơn để ứng phó với mưa lũ có thể xảy ra.
Các hộ thành viên HTX Thủy sản Lê Hồng Phong, huyện Bắc Sơn gia cố hệ thống lồng nuôi cá trước mùa mưa bão
Cùng với HTX Thủy sản Lê Hồng Phong, trước mùa mưa lũ, các hộ thành viên của HTX Chăn nuôi cá lồng Tân Minh, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan cũng khẩn trương triển khai các giải pháp để gia cố lồng bè chắc chắn. Ông Triệu Văn Vượng, Giám đốc HTX cho biết: HTX hiện có 42 lồng cá. Bên cạnh gia cố lồng bè, các hộ thành viên còn thường xuyên vệ sinh, khử trùng khu vực lưới, chuẩn bị vật tư để trường hợp dòng nước chảy xiết có thể kéo lồng cá vào nơi an toàn, thậm chí kéo lên những thửa ruộng cạnh khu vực chăn nuôi. Cùng với đó, HTX thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, phân công thành viên trực tại điểm chăn nuôi để kịp thời xử lý các trường hợp bất ngờ do mưa lũ gây ra; phân loại, bán bớt cá đã đảm bảo kích cỡ…
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, những năm gần đây, mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển nhanh chóng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 570 lồng cá, tăng gấp đôi so với năm 2016. Trong đó có hơn 500 lồng cá của các hộ dân là thành viên của các HTX, còn lại là các hộ dân chăn nuôi cá lồng riêng lẻ. Một số huyện có số lượng lồng cá lớn như: Văn Quan 260 lồng; Văn Lãng 94 lồng; Bình Gia 64 lồng; Tràng Định 56 lồng… Trừ chi phí, mỗi lồng cá đem về thu nhập cho người chăn nuôi từ 15 đến 20 triệu đồng/vụ.
Tương tự như các hộ dân nuôi cá lồng của 2 HTX kể trên, trước mùa mưa bão, các hộ nuôi cá lồng khác trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương bắt tay vào triển khai các biện pháp để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra như tăng cường kiểm tra, gia cố lồng bè…
Ông Lý Văn Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Để chủ động ứng phó cũng như hạn chế thấp nhất rủi ro cho các hộ nuôi cá lồng mùa mưa lũ, bên cạnh tập trung gia cố lồng, các hộ chăn nuôi cá lồng cần chú ý vệ sinh lồng thông thoáng để nước lưu thông tốt, vào thời điểm mưa lũ cần bổ sung vitamin C, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá; di chuyển lồng cá vào vị trí an toàn; thời điểm mưa lũ không cho cá ăn và treo các túi vôi ở quanh lồng (3-4 túi/lồng), khi nào hết mưa cho cá ăn bình thường; chuẩn bị máy sục để tạo oxy trong trường hợp cần thiết…
Với sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn và đặc biệt là sự chủ động của các hộ chăn nuôi cá lồng trong việc ứng phó trước mùa mưa lũ, hy vọng rằng các hộ chăn nuôi cá lồng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Qua đó, mô hình nuôi cá lồng sẽ tiếp tục đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Để góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi cá lồng, khoảng 5 năm trở lại đây, bên cạnh hỗ trợ con giống, thức ăn, thuốc trị bệnh cho cá, bình quân mỗi năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức từ 2 đến 3 lớp tập huấn về chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống thiên tai cho các hộ nuôi cá lồng. |
Ý kiến ()