Hộ kinh doanh còn đắn đo
LSO-Sau một tháng hướng dẫn, tuyên truyền, vận động đã có khoảng 20 hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, con số này còn rất hạn chế so với số hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi trên địa bàn tỉnh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư trao phần mềm kế toán cho hộ gia đình mới đăng ký thành lập doanh nghiệp |
Đắn đo “được – mất”
Theo chủ trương phát triển doanh nghiệp của tỉnh, những hộ kinh doanh có sử dụng từ 5 lao động và doanh thu hằng tháng đạt trên 20 triệu đồng trở lên sẽ vận động, chuyển đổi thành doanh nghiệp. Trong đó ưu tiên các hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe – sắc đẹp.
Tuy nhiên, các hộ kinh doanh vẫn còn nhiều đắn đo trong việc đăng ký chuyển đổi. Trong đó, chủ yếu quan tâm đến việc “được gì và mất gì” cùng những thủ tục kèm theo khi chuyển đổi như: các chính sách ưu đãi; việc khai báo thuế; các khoản phí, thuế đóng nộp hằng tháng, hằng năm; chi phí thuê thêm nhân lực;…
Ông Vũ Đức Kiểm, chủ nhà hàng lẩu dê Đức Kiểm, thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: “Lâu nay, tôi và các con thay nhau vừa quản lý, vừa làm sổ sách tính toán, hoạt động kinh doanh vẫn hiệu quả. Giờ nếu chuyển đổi thành doanh nghiệp thì phải thuê kế toán, đầu tư mua trang thiết bị như: máy tính, xây dựng phòng làm việc. Do vậy, gia đình vẫn đang đắn đo chưa quyết định”.
Ngoài ra, còn nhiều vấn đề dẫn đến việc các hộ kinh doanh chưa mạnh dạn chuyển đổi như: ngại tìm hiểu, học tập những kiến thức mới liên quan đến quản lý doanh nghiệp.
Xu thế tất yếu
Hiện nay ngành chức năng đang tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, tăng thu ngân sách thì việc siết chặt quản lý đối với các hộ kinh doanh là điều tất yếu. Khi đó, việc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp một cách bài bản, rõ ràng sẽ tạo thuận lợi cho cơ sở kinh doanh.
Bà Phùng Thanh Nga, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: So với mô hình kinh doanh cá thể, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp có nhiều thuận lợi hơn. Khi đó cơ sở kinh doanh có đủ tư cách pháp nhân và tạo được uy tín, niềm tin với khách hàng; dễ dàng thực hiện các giao dịch hàng hóa có giá trị lớn. Đặc biệt, với loại hình doanh nghiệp, có phương án kinh doanh các cơ sở sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng cũng như nhiều chính sách ưu đãi của Chính phủ và của tỉnh.
Hiện nay, Lạng Sơn đang triển khai các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, nhằm rút ngắn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp gia nhập thị trường; hỗ trợ tiếp cận vốn đầu tư… Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Misa để tặng miễn phí phần mềm kế toán Misa cũng như hướng dẫn sử dụng cho doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017.
Cùng với đó, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cần tích cực hơn trong việc tuyên truyền và minh bạch hóa các thủ tục, tiến tới xóa bỏ các chi phí không chính thức và hướng dẫn rõ quy trình khi hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp. Nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu phát triển doanh nghiệp từ nay đến năm 2020 mà Chính phủ đã đề ra.
ANH DŨNG
Ý kiến ()