Hộ kinh doanh chủ động lắp tấm chắn phòng dịch COVID-19: Cách làm cần nhân rộng
– Hiện nay, trong bối cảnh cuộc sống của Nhân dân đang dần quay trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng, linh hoạt với phòng dịch COVID-19, cùng với các biện pháp như: đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thì nhiều hộ kinh doanh, tiểu thương, các cửa hàng ăn uống trên địa bàn tỉnh đã chủ động lắp đặt các tấm chắn phòng dịch để hoạt động kinh doanh đảm bảo diễn ra an toàn cho bản thân, gia đình và khách đến mua bán, giao dịch.
Theo quan sát của phóng viên tại một số điểm kinh doanh trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng, thị trấn Cao Lộc (huyện Cao Lộc) và địa bàn thành phố Lạng Sơn, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhiều cửa hàng, quầy hàng đã được trang bị thêm tấm chắn để phòng dịch COVID-19. Tuỳ theo điều kiện của các hộ kinh doanh, tấm chắn phòng dịch được làm bằng nhiều chất liệu như: nhựa cứng hay nylon, khung nhôm hoặc gỗ theo kích cỡ phù hợp, vừa đảm bảo mỹ quan và vừa nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch. Với giá bán chỉ từ vài trăm nghìn đến hơn một triệu đồng tuỳ theo chất liệu, kích cỡ, những tấm chắn giúp ngăn các giọt bắn khi diễn ra giao tiếp giữa người bán và người mua hàng, đảm bảo giữ được khoảng cách an toàn tối thiểu, hạn chế việc lây nhiễm COVID-19.
Hộ kinh doanh tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc trang bị lắp tấm chắn phòng dịch COVID-19
Chị Hoàng Thị Nga, hộ kinh doanh tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc cho biết: Nhà tôi kinh doanh đồ đi lễ, viết sớ cho khách. Từ trước tết và nhất là sau tết Nguyên đán Nhâm Dần, người dân các tỉnh đến địa phương đi lễ, mua sắm nhiều nên gia đình tôi chủ động lắp tấm chắn bằng nhựa cứng. Qua phản hồi từ khách, họ cũng cho biết rất đồng tình, không thấy phiền hay thiếu tôn trọng khách hàng.
Không chỉ hộ chị Nga, từ sau dịp tết vừa qua, quầy hàng quần áo trẻ em của chị Lương Thị Linh, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc cũng đã lắp tấm chắn phòng, chống COVID-19 tại quầy thanh toán. Chị Linh chia sẻ: Diện tích quầy hàng của mình cũng không lớn nên khó để lắp thành các gian, kinh phí lắp tủ kính hết cũng tốn kém và khó bày đồ cho khách lựa chọn, vì vậy, mình chọn lắp tấm chắn tại quầy thanh toán. Cùng với đó là chuẩn bị sẵn khẩu trang, đồ sát khuẩn ngay cửa ra vào, yêu cầu khách vào xem hàng thực hiện quy định 5K phòng, chống dịch.
Ngoài một số hộ kinh doanh cá thể chủ động lắp đặt tấm chắn phòng dịch thì nhiều quầy thuốc trên địa bàn thành phố Lạng Sơn cũng lựa chọn cách thức phòng dịch này. Nhất là khi hiện nay (tính đến ngày 23/2/2022), toàn thành phố đã nằm trong cấp độ dịch nguy cơ cao (vùng cam) với 7 xã, phường vùng cam, 1 xã vùng vàng có nguy cơ trung bình, nhiều nhà thuốc đã lắp đặt tấm chắn phòng dịch và để các ô quầy tiếp nhận đơn thuốc, bán thuốc cho khách như các quầy thuốc trong bệnh viện.
Thời gian qua, việc sử dụng tấm chắn giọt bắn hay tấm chắn phòng dịch được coi là một trong những cách làm hiệu quả giúp nhiều cơ quan, đơn vị như: bưu điện, ngân hàng, giao dịch “một cửa”… thực hiện phòng, chống dịch COVID-19. Từ hiệu quả đó, việc một số hộ kinh doanh tự chủ động sử dụng hình thức này sẽ giúp duy trì các hoạt động kinh doanh và đảm bảo an toàn phòng dịch cho bản thân, cho gia đình và cả cộng đồng.
Anh La Viết Hoàng, cán bộ Ban Quản lý chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tình hình dịch trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp nên chúng tôi luôn tuyên truyền, nhắc nhở, vận động các hộ kinh doanh, người dân đi chợ thực hiện nghiêm túc quy định 5K. Tới đây, chúng tôi sẽ vận động các hộ kinh doanh, tuỳ theo tình hình thực tế của các quầy hàng, mặt hàng có thể lắp tấm chắn phòng dịch, đảm bảo hơn cho các giao dịch mua bán, tiếp xúc trao đổi với người kinh doanh và khách hàng, qua đó đảm bảo an toàn phòng dịch tại chợ.
Có thể thấy rằng, mặc dù chưa có yêu cầu bắt buộc về lắp đặt tấm chắn phòng dịch này nhưng nhiều hộ kinh doanh, dịch vụ đã nâng cao ý thức phòng dịch và trang bị phòng dịch thiết thực. Thiết nghĩ, cách làm trên nên tiếp tục được tuyên truyền, nhân rộng nhiều hơn, nhất là tại các chợ và các hộ mua bán lẻ.
Ý kiến ()