Thứ 5, 28/11/2024 00:30 [(GMT +7)]
Hồ chủ tịch với sự nghiệp "trồng người"
Thứ 2, 26/03/2012 | 10:43:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Sự nghiệp “trồng người” như Bác Hồ mong muốn là sự nghiệp cao cả và sống còn của Đảng ta, của Nhà nước, của toàn xã hội và của mỗi gia đình. Trong nhiều bài viết và nói, Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên, các thầy cô giáo và những người lớn tuổi phải thật sự coi trọng và có trách nhiệm cao trong việc giáo dục đào tạo thế hệ tương lai. Và “các cấp ủy cần phải lãnh đạo chặt chẽ, và ra sức giúp đỡ Đoàn phát triển tốt”*.
Thăm đền Hùng, Hồ Chủ tịch nói với các chiến sĩ:
“ Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải ra sức giữ nước” – Ảnh: Tư liệu
“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Bác đặt vấn đề “trồng người” như một chân lý tất yếu của dân tộc và của cách mạng. Trước lúc “đi xa”, Người đã không quên căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Công việc đầu tiên của quá trình “Trồng người” là “phải uốn nắn từ lúc cây còn non, đừng để tâm hồn các cháu bị vẩn đục vì chủ nghĩa cá nhân”*. Uốn cây từ lúc còn non, là việc làm đương nhiên, tất yếu, vì “Ngày nay chúng là thiếu nhi, ít năm sau chúng sẽ là công dân, là cán bộ”*. Bác đã nêu 5 điều ngắn gọn.xúc tích, dễ nhớ để khuyên thanh niên và thiếu nhi phấn đấu, tu dưỡng. Bác khuyên mọi người, mọi ngành, mọi cấp phải thực hiện dân chủ hóa và xã hội hóa sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Người nhấn mạnh “Giáo dục thanh niên không thể tách rời, mà phải liên hệ chặt chẽ với cuộc đấu tranh của xã hội”*. Có thể coi đây thật sự là một cuộc cách mạng trong công nghệ “trồng người”, là đặc trưng cơ bản để phân biệt nền giáo dục mới với nền giáo dục thực dân phong kiến. Qua giai đoạn “công nghệ” này người thanh niên mới có thể trở thành một con người chân chính. Ngay từ tuổi thanh niên, Bác Hồ đã ý thức được vai trò, vị trí to lớn của tuổi trẻ, và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chăm lo bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Mạnh dạn giao nhiệm vụ và từng bước dìu dắt thanh niên tham gia đấu tranh cách mạng. Người nói “muốn thức tỉnh một dân tộc trươc hết phải thức tỉnh thanh niên”*. Cách mạng tháng Tám thành công mở ra một trang mới trong lịch sử dân tộc. Tiền đồ rạng rỡ của đất nước mở ra trước mắt thế hệ trẻ và tuổi trẻ là tương lai của Tổ quốc. Tin yêu và tràn đầy hy vọng ở tuổi trẻ nước nhà, Hồ Chí Minh nhắn nhủ; “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”*. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ, Bác Hồ đã gửi thư cho thanh niên và chỉ rõ vai trò và nhiệm vụ của họ. Người viết: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”*. Người thường xuyên chăm chú theo dõi, biểu dương khích lệ những cố gắng của tuổi trẻ, bởi vì họ “là bộ phận quan trọng của dân tộc…Là những đội xung kích trên các mặt trận…Là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội…Là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ”*. Trong mọi công việc, ở đâu thanh niên ta cũng nêu cao khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”
Thực tiễn lịch sử cách mạng hơn nửa thế kỷ đã khẳng định luận điểm đúng đắn của Hồ Chí Minh: “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng, thanh niên mới được tự do. Vì vậy, thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc”*. Luận điểm đó giữ vai trò khai sáng và định hướng cho công tác thanh niên của Đảng ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò kế tục của thanh niên “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai – tức là các cháu nhi đồng”*. Người dạy rằng “so với trước, công việc bây giờ khó khăn hơn, to lớn hơn, phức tạp hơn… Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới tốt”*. Người thường xuyên nhắc lại câu tục ngữ “Con hơn cha là nhà có phúc” để khẳng định điều đó, cũng là để nói lên những mong muốn của Người đối với thế hệ trẻ, những kỳ vọng của Người đặt vào lớp lớp con cháu. Trước lúc đi xa, trong Di chúc Người viết “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đào tạo họ thành những nguời thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bằng hành động của cả đời mình, Người đã dạy chúng ta phương pháp luận trong việc nhìn nhận, đánh giá thanh niên. Bác Hồ đã tìm ra con đường đúng đắn cho cách mạng nước ta và từ đó Người hướng thanh niên vào con đường đấu tranh vì độc lập, tự do, làm cho họ “hiểu rằng có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết”*. Từ đó, lý tưởng và con đường cách mạng của Người đã cuốn hút, cổ vũ lớp lớp thanh thiếu niên Việt Nam không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dân tộc, nam nữ đến với cách mạng. Người thường xuyên nhắc nhở: “Chúng ta không phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới”*.
Trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người dành sự quan tâm chú ý nhiều nhất cho việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” Khi cách mạng tháng Tám vừa thành công, nhân khai giảng năm học đầu tiên của chế độ mới, hướng về những người chủ tương lai của nước nhà, Người nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài quang vinh để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau là “Đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam…làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”*. Là làm cho các em chăm chỉ học hành với động cơ “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”*. Để đạt được mục đích trên, “trong việc giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật. lao động và sản xuất”*. Trong thực tế hiện nay, nhận thức của chúng ta về và vai trò, vị trí của thanh niên còn chưa sâu sắc, thậm chí có nơi, có lúc còn lệch lạc. Tình trạng thoái hóa biến chất, cùng với sự hạn chế năng lực của cán bộ, đảng viên, những tệ nạn xã hội, đã làm cho niềm tin của tuổi trẻ bị giảm sút. Ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục đào tạo thanh niên còn hạn chế. Bên cạnh đó tuổi bình quân của đảng viên ngày càng cao. Tình trạng thanh niên mù chữ vẫn còn, vô nghề nghiệp, không có việc làm, đời sống văn hóa tinh thần nghèo nàm (nhất là ở vùng miền núi, nông thôn…) là những vấn đề bức xúc trong đời sống tuổi trẻ hôm nay.
Trước thực trạng đó Đảng đã có Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa VIII), để Nhà nước thể chế hóa, thông qua luật về thanh niên, về các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, luật về các tổ chức chính trị xã hội… Đầu tư thích đáng cho công tác giáo dục đào tạo, có chính sách, ngân sách và biện pháp cụ thể để huấn luyện nghề nghiệp cho thanh niên, đào tạo nhân tài cho đất nước và giải quyết việc làm cho thanh niên. Chuẩn bị cho thế hệ trẻ làm chủ nước nhà, tin tưởng và mạnh dạn trao cho tuổi trẻ những trách nhiệm xứng đáng. Đó mới thực sự là chuẩn bị tốt cho viêc “thay ca” cho thế hệ già đảm đương trách nhiệm xây dựng đất nước.
Thời nào cũng vậy, tuổi trẻ luôn luôn hướng về tương lai, họ mong tìm ở thế hệ cha anh những hình mẫu lý tưởng. Do đó, sự nêu gương tốt của những người lớn tuổi, của đảng viên có vai trò rất quan trọng và có ý nghĩa thực tiễn rất lớn trong quá trình bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.
*Trích từ: Hồ Chí Minh – Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nôi, 1990
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()