Hồ Chủ tịch chiêu hiền đãi sĩ
LSO-Hồ Chủ tịch là ngọn cờ của đại đoàn kết, tập hợp, thu phục mọi tầng lớp nhân dân, rất chú trọng những nhân tài đất nước. Chỉ sau hai tháng giành độc lập, dù Tổ quốc phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, hiểm nghèo, Bác đã ra lời kêu gọi tìm kiếm nhân tài.
Bác Hồ với các anh hùng và chiến sĩ miền Nam- Ảnh: Tư liệu |
Trong bài “Nhân tài và kiến quốc” in trên Báo Cứu quốc ra ngày 14/11/1945, Người viết: “…Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển thêm nhiều… Vậy chúng tôi mong rằng, đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay…”. Ngày 20/11/1946, Bác lại ra chỉ thị tìm người tài đức. Bác yêu cầu: “… Các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết… Hẹn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.
Để tập hợp sức mạnh cả dân tộc chống kẻ thù xâm lăng, cũng như trong xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trọng hiền đãi sĩ, quy tụ mọi tầng lớp, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị miễn là giành độc lập tự do cho Tổ quốc dưới lá cờ Việt Minh, lá cờ cách mạng vô sản. Nhiều bậc túc nho, đại khoa, các quan lại triều Nguyễn đều được Bác trọng dụng khi đất nước giành độc lập năm 1945. Điển hình như một số vị: Huỳnh Thúc Kháng (1876 -1948) nguyên Viện trưởng dân biểu trung kỳ; Phan Kế Toại (1892 – 1973) nguyên Khâm sai đại thần; Bùi Bằng Đoàn (1889 – 1955) nguyên Thượng thư Bộ hình… Chúng ta đều biết trong Chính phủ kháng chiến được thành lập tại khóa I, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội nước ta vào ngày 2/5/1946, một số bộ, ngành quan trọng đều giao cho những người không phải trong tổ chức Việt Minh, thậm chí có người còn ngấm ngầm hoặc công khai chống đối đảm nhiệm. Có thể kể ra: Nguyễn Tường Tam giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Chu Bá Phượng giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế; Ủy viên Phó Chủ tịch kháng chiến Vũ Hồng Khanh; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hải Thần. Bốn người này đều là thành viên Quốc dân Đảng phản động. Thành phần Chính phủ kháng chiến còn có vua Bảo Đại (Vĩnh Thụy) làm cố vấn; Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Đúng như Bác tiên đoán, những kẻ phản động, cơ hội đã phải bỏ chạy khi thực dân Pháp trở lại xâm lược. Những người ở lại trong Chính phủ đều thực sự vì dân, vì nước.
Với uy tín, đức độ sáng ngời, Bác đã thu phục và trọng dụng mọi nhân tài. Bác đã giao chức Quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng khi Người sang Pháp gần 4 tháng (31/5/1946 – 18/9/1946) để thăm, thương thuyết, ký hòa ước. Người tin tưởng cụ Huỳnh vì cụ là người “học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan”. Năm 1945, chính Bác đã thu phục “vua” Mèo của cao nguyên Đồng Văn Vương Chính Đức (sinh năm 1865). Chính “vua” này đã cho người về Hà Nội ủng hộ Chính phủ mới 22 vạn đồng bạc trắng và 9 kg vàng trong Tuần lễ vàng. Rất nhiều trí thức theo lời kêu gọi của Bác từ nước ngoài đã trở về để phục vụ kháng chiến. Đó là kỹ sư Trần Đại Nghĩa, chuyên gia vũ khí cao cấp ở Đức; giáo sư toán học Lê Văn Thiêm; bác sỹ nông học Lương Đình Của; các bác sỹ đầu ngành: Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng; các giáo sư cao cấp như: Phạm Huy Thông, Hoàng Minh Giám… Những nhân sỹ, trí thức tài đức ấy đã góp công lao to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cách đây mấy trăm năm, tiến sỹ Thân Nhân Trung đã có câu nói nổi tiếng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí cao thì thế nước mạnh…”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu và chủ động tìm hiền tài cho đất nước.
TRƯƠNG THỌ
Ý kiến ()