Hộ chiếu vắc-xin
Việc triển khai “hộ chiếu vắc-xin” để tạo điều kiện cho những người đã tiêm phòng Covid-19 đi du lịch nước ngoài được nhiều quốc gia thúc đẩy, coi là một trong những biện pháp giúp mở cửa ngành “công nghiệp không khói” trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, vẫn còn phải cân nhắc cách thức thực thi để bảo đảm an toàn và không phát sinh những vấn đề nhạy cảm.
Trong bối cảnh các chiến dịch tiêm phòng được triển khai rộng rãi, các cuộc tranh luận cũng đang “nóng” lên về việc làm thế nào để vực dậy ngành du lịch quốc tế vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Bộ trưởng Y tế Ca-na-đa P.Ha-giu cho biết, Chính phủ Ca-na-đa ủng hộ khái niệm “hộ chiếu vắc-xin” và sẽ đưa ra một hình thức chứng nhận tạo điều kiện cho những người Ca-na-đa đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được phép đi lại trên phạm vi quốc tế. Vương quốc Anh cũng lên kế hoạch điều chỉnh ứng dụng điện thoại Dịch vụ Y tế quốc gia, hoạt động như một công cụ xác minh tiêm chủng và xét nghiệm kỹ thuật số. Các liên đoàn thể thao Anh ủng hộ sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” với hy vọng các sân vận động lại chật kín khán giả trở lại. I-xra-en đang xem xét điều chỉnh Green Pass, vốn cho phép những người I-xra-en đã tiêm phòng đến các nhà hàng, phòng tập thể dục, các buổi hòa nhạc và các sự kiện thể thao, có hiệu lực với du lịch quốc tế. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang nghiên cứu Chứng chỉ tiêm chủng thông minh. Tuy nhiên, chính phủ một số nước và các tổ chức xã hội bày tỏ quan ngại về quyền riêng tư cá nhân khi cuộc thảo luận về hộ chiếu kỹ thuật số mở ra. Chính quyền của Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đã khẳng định sẽ không thúc đẩy chứng chỉ tiêm chủng bắt buộc vì các vấn đề pháp lý và nhạy cảm.
Liên hiệp châu Âu (EU) dự định cho phép sử dụng một loại chứng nhận để thể hiện việc tiêm phòng, xét nghiệm Covid-19 hoặc bằng chứng đã khỏi bệnh của người sở hữu loại giấy tờ này. Các công tác kỹ thuật đang được thực hiện để bảo đảm rằng chứng nhận này được tất cả 27 quốc gia thành viên EU chấp thuận. Các vắc-xin được chấp nhận trên toàn khối sẽ là những loại đã được Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) phê chuẩn. Trong khi đó, một số nước tiêm vắc-xin của Nga hoặc Trung Quốc có thể chấp nhận các loại vắc-xin khác nếu muốn và chỉ được phép cấp “hộ chiếu vắc-xin” trong lãnh thổ của mình. Các nước EU tự đưa ra quyết định có chấp nhận “hộ chiếu vắc-xin” đối với loại vắc-xin chưa được EU cấp phép thông qua hay không. Tuy nhiên, các nghị sĩ châu Âu muốn đổi tên của loại giấy tờ này là “chứng nhận Covid-19 của EU” thay vì gọi “chứng nhận xanh kỹ thuật số”, nhằm tránh bị hiểu đó là một loại “hộ chiếu vắc-xin”. EU cho rằng giấy tờ này không nên được dùng như một loại giấy thông hành, cũng không nên trở thành một điều kiện tiên quyết để thực hiện quyền tự do đi lại. Ngoài ra, các nước EU cũng đã nhất trí chống phân biệt đối với những người không thể tiêm hoặc không có nguyện vọng tiêm chủng Covid-19 và cho phép họ thực hiện hàng loạt xét nghiệm chứng minh đã phục hồi.
Tại châu Á, Chính phủ Nhật Bản dự định triển khai “hộ chiếu vắc-xin” phát hành dưới dạng một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Hành khách sẽ quét mã QR tại các sân bay trước khi lên máy bay hoặc khi nhập cảnh Nhật Bản. Ứng dụng sẽ kết nối với mạng thống kê tiêm chủng Vaccination Record System, một cơ sở dữ liệu chính phủ về những người đã được tiêm. Ðể tránh việc yêu cầu chứng nhận tiêm chủng có thể dẫn tới tình trạng phân biệt đối xử giữa người tiêm và người chưa tiêm, các “hộ chiếu vắc-xin” có phần nêu kết quả xét nghiệm âm tính với vi-rút SARS-CoV-2 và cũng sẽ không được dùng trong trường hợp di chuyển trong nước. Trong khi đó, Chính phủ Thái-lan thông báo sẽ thông qua “hộ chiếu vắc-xin”, hay còn gọi là giấy chứng nhận tiêm chủng, để sử dụng như một giấy thông hành chính thức cho những người đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.
“Hộ chiếu vắc-xin” được coi là một lối thoát cho nhiều ngành kinh tế. Theo các chuyên gia, chứng nhận tiêm chủng số đặc biệt hữu ích với những nước kiểm soát tốt dịch bệnh, bởi nó cho phép nền kinh tế dần mở cửa trở lại một cách an toàn. Tuy nhiên, vấn đề này lại làm gia tăng vấn nạn “hộ chiếu vắc-xin” giả. Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, các “hộ chiếu vắc-xin” đang được bày bán tràn lan trên mạng. Trong khi đó, để áp dụng “hộ chiếu” đặc biệt này cho hoạt động đi lại quốc tế đòi hỏi các quốc gia phải sẵn sàng chia sẻ dữ liệu. Ðây là vấn đề mà các nước còn phải tiếp tục thảo luận để có giải pháp tối ưu.
Ý kiến ()