Hồ Chí Minh qua cảm nhận của bạn bè quốc tế
Chúng ta đang sống trong một thế giới tiến như vũ bão. Trong tình hình đó, dường như con người đang tìm về những giá trị văn hóa của sự phát triển. Hồ Chí Minh chính là một trong những nhân vật mà những người tiến bộ trên thế giới quan tâm nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người nổi tiếng thế giới không phải bằng cái vẻ bên ngoài của mình, như J.Han-xơn – họa sĩ người Thụy Điển nhận xét trong bài báo năm 1923 khi gặp Người ở Mát-xcơ-va (Liên Xô) để ký họa chân dung của Người, mà nổi tiếng bởi những giá trị văn hóa hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển – giá trị tư tưởng “ba giải phóng”: Giải phóng dân tộc, Giải phóng xã hội, Giải phóng con người.
Thế giới cảm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết ở tư tưởng giải phóng. Ở đâu có áp bức, ở đó có tư tưởng giải phóng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các dân tộc trên thế giới đều thấy ở Người tấm lòng thành thật, hợp tác, hữu nghị và phát triển. Thông điệp toát ra từ cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến mọi người trên trái đất là thông điệp của hòa bình, là sự bao dung, độ lượng, là phấn đấu vì sự tiến bộ xã hội, hướng tới một thế giới im tiếng súng, đầy ắp tiếng cười, thế giới của sự trải lòng hướng thiện.
Thế kỷ 20 là thế kỷ phi thực dân hóa. Dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc lĩnh ấn tiên phong đấu tranh cho sự nghiệp đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tiên phong của một dân tộc tiên phong đó. Tiến sĩ M. Át-mét, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhấn mạnh: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”. Bà Mác-xê-la Lôm-bác-đô, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Triết học, Chính trị và xã hội Mê-xi-cô khẳng định: “Hồ Chí Minh là một con người, một dân tộc, một thời đại và một sự nghiệp. Một Con Người viết hoa… vì Người là biểu hiện của thời đại giải phóng các dân tộc thuộc địa”.
Các học giả và bạn bè trên thế giới tìm thấy ở Hồ Chí Minh lòng tin và sự kiên định về xây dựng một xã hội mới tốt đẹp. Sau sự khủng hoảng và tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, nhiều học giả chân chính vẫn khẳng định rằng, hãy học ở Hồ Chí Minh những phẩm chất đã thể hiện trong suốt cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài của Người. Nhà văn Ô-xtrây-li-a A-lan A-xbon khẳng định: “Chúng ta phải học ở Hồ Chí Minh bằng cách phát triển những phẩm chất …: kiên nhẫn và vững vàng theo đuổi mục đích và bình tĩnh trong những lúc khó khăn; linh hoạt về tư duy và chính trị xây dựng khối đoàn kết xã hội chủ nghĩa; khiêm tốn và gần gũi với nhân dân…; có sự đồng cảm để đạt tới sự hòa giải dân tộc; có tinh thần quốc tế mạnh mẽ; sự sáng tạo và nhạy bén về văn hóa…; và phẩm chất mà Hồ Chí Minh có một cách dồi dào – đó là sự lạc quan của ý chí”.
Các học giả và bạn bè trên thế giới tìm thấy ở chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh sức sống mãnh liệt. Nhìn nhận thế giới ngày nay, nhà sử học Ấn Độ Xan-ti Ma-u-roi cho rằng: “Nhân loại đang ở ngã tư đường một sự xáo động mãnh liệt… Ở giữa cơn khủng hoảng này, nhân loại đã sản sinh ra những danh nhân lỗi lạc làm nên thời đại như Lê-nin, Hồ Chí Minh và Găng-đi”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hội đủ khát vọng của các dân tộc dù mầu da, tiếng nói, chủng tộc, tôn giáo, văn hóa khác nhau. Tại hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 3-1990, một nữ đại biểu nói: “Chúng tôi đến đây, có người theo đạo Hồi, đạo Phật, đạo Tin lành, đạo Thiên chúa, trước chúng tôi không hiểu nhau, qua hai ngày hội thảo, chúng tôi có thể ngồi lại nói chuyện vui vẻ với nhau, vì chúng tôi có cái chung là lý tưởng Hồ Chí Minh: “muốn cho nhân loại được tự do, hạnh phúc”. Năm 1983, để biên soạn tác phẩm từ điển Văn hóa thế kỷ XX (XX Century culture) do A.Bul-loc và R.Vô-din-gơ chủ biên, 300 nhà khoa học trên thế giới đã được hỏi ý kiến để bình chọn danh nhân văn hóa thế kỷ 20. Chủ tịch Hồ Chí Minh được chọn là một nhân vật để biên mục trong công trình đó. Trong các cuộc thảo luận, 300 nhà khoa học nhất trí cho rằng: Chỉ cần biết Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc – người yêu nước – thế là đủ để xếp ông vào hàng danh nhân văn hóa thế kỷ 20. Vì Hồ Chí Minh là người khởi xướng và giương cao ngọn cờ giải phóng các dân tộc thuộc địa và trở thành người dẫn đường chủ chốt được mặc nhiên thừa nhận và kính trọng của châu Á và của thế giới.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()