Hồ Chí Minh – Một biên niên sử là cuốn sách do Đinh Hương và Thiên Hà chuyển ngữ từ tiếng Đức sang tiếng Việt, NXB Thế giới mới ấn hành, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, thông qua Cục Xuất bản. Cuốn sách là một món quà dâng lên Bác Hồ nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Người và nhân dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Đức – Việt.
Tác giả cuốn sách, Hen-mút Cap-phen-béc-gơ là một tên tuổi nổi tiếng trong làng báo chí Đức, năm nay 77 tuổi. Ông là người thuộc thế hệ thanh niên xuống đường hô vang khẩu hiệu “Hồ – Hồ – Hồ Chí Minh!”, “Việt Nam – Hồ Chí Minh!” trong những năm 1965 đến 1970 để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam, ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam nhằm bảo vệ độc lập, tự do. Sau đó, Hen-mút Cap-phen-béc-gơ đã có thời gian công tác tại Việt Nam với tư cách là phóng viên Hãng Thông tấn CHDC Đức (ADN), báo Nước Đức mới và một số báo khác, thường trú tại Việt Nam (năm 1970 đến 1973). Năm 1980 đến 1984, ông là Trưởng Văn phòng đại diện Đông Dương của ADN tại Hà Nội. Trong thời gian trên, ông cũng từng làm phóng viên đặc biệt tại Lào và Cam-pu-chia. Những kỷ niệm và tình yêu dành cho đất nước, con người Việt Nam vẫn là động lực thôi thúc ông tiếp tục nghiên cứu, viết về Việt Nam cho báo chí Đức, kể từ năm 1992, khi ông về hưu cho tới nay.
Cuốn sách Hồ Chí Minh – Một biên niên sử được NXB Verlag Neues Leben – Béc-lin, xuất bản năm 2009. Có thể nói, qua cuốn sách, người đọc cảm nhận được đây là một công trình được viết công phu, với nguồn tư liệu phong phú. Với 25 chương nhỏ và một biên niên sử tóm tắt về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở cuốn sách tiếng Việt có thêm phần Phụ lục với hai bài báo: một bài do báo Strassenfeger phỏng vấn ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời; một bài do chính Hen-mút Cap-phen-béc-gơ viết cho báo Nước Đức mới (Neues Deuschland) nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam mồng 2-9-2009. Hai bài báo giúp bạn đọc nhận thức rõ hơn về tầm vóc vĩ đại của Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam và đối với cộng đồng quốc tế. Từ nguồn tư liệu và các trích dẫn phong phú, cụ thể và lối viết rất sinh động, tác giả đã cố gắng tái tạo lại tiểu sử của một nhân vật phi thường mà rất đỗi giản dị.
Cuốn sách bắt đầu bằng câu hỏi Hồ Chí Minh là ai?. Đây là câu hỏi mà nhiều thập kỷ nay đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà viết tiểu sử, nhà sử học và học giả hay bạn đọc nói chung. Người ta vẫn không ngừng đưa ra những lý giải, cắt nghĩa, tìm hiểu, suy luận về Hồ Chí Minh trên cơ sở nguồn tư liệu vẫn đang liên tục được phát hiện, cập nhật. Để trả lời câu hỏi, Hen-mút Cap-phen-béc-gơ đưa người đọc lùi về quá khứ, trong những năm của thế kỷ 20, để tìm hiểu thân thế Hồ Chí Minh được đặt trong bối cảnh gia đình và quê hương với truyền thống yêu nước, truyền thống nhân văn sâu sắc. Đối với tác giả, những cái tên Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Anh Ba, Nguyễn Ái Quốc và sau đó là Hồ Chí Minh, đều đánh dấu những mốc son có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa trong cuộc đời Hồ Chí Minh. Đó không chỉ là những cái tên mà là biểu hiện của hoài bão, ước mơ, lý tưởng cách mạng, sự nghiệp và phẩm chất đạo đức của Người. Tác giả dẫn dắt người đọc qua các chặng đường hoạt động sôi nổi của Hồ Chí Minh: học tập để tiếp thu truyền thống yêu nước của gia đình, của dân tộc, tinh hoa văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông và phương Tây; bôn ba khắp thế giới để tìm hiểu xã hội tư bản và cuộc sống tại các nước thuộc địa; quá trình trưởng thành trong nhận thức và tư duy thông qua hoạt động xã hội – chính trị tại Pháp, tại Liên Xô,…; quá trình tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lê-nin; chuẩn bị các tiền đề và từ đó thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; chuẩn bị điều kiện, lực lượng và tiến hành thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc; lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam qua bao ghềnh thác của lịch sử, trong đó có hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ; cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, khi Người để lại bản Di chúc bất hủ. Có thể ví cuốn sách như bộ phim tài liệu xúc tích, đã khắc họa nên chân dung Hồ Chí Minh không chỉ ở góc độ một chiến sĩ cộng sản, một nhà yêu nước vĩ đại đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc mình và cho toàn bộ những người lao động, cần lao bị áp bức bóc lột, mà còn ở góc độ một con người mẫu mực, “tận thiện tận mỹ” về phẩm chất đạo đức cách mạng. Tác giả rất có lý khi viết rằng: “Trải qua cuộc sống trên thế giới và rộng mở lòng mình với thế giới, thụ hưởng một nền giáo dục tuyệt vời, có một tư tưởng nhân văn, một tình người ấm áp, sự khiêm tốn tự nhiên và tính liêm khiết không giả tạo là những tính cách đã tạo nên một nhân cách Hồ Chí Minh xuất chúng”. Hơn một lần, tác giả dẫn lời nhận xét của Ni-ki-ta Khơ-rút-sốp viết năm 1970: “… Tôi sẽ không bao giờ có thể quên được cái hồn trong ánh mắt của Người; không thể quên được đôi mắt của Người ánh lên một cách đặc biệt chân thành và trong sáng. Đó là sự chân thành của một người Cộng sản không thể mua chuộc được và sự trong sáng của một con người rất mực trung thành với sự nghiệp của mình cả về nguyên lý lẫn thực hành… Từng lời nói của Người như khẳng định lòng tin của Người rằng, tất cả những người Cộng sản đều là những người anh em giai cấp và bởi vậy, cần phải chân thành và trung thực với nhau trong ứng xử. Hồ Chí Minh quả thực là một vị Thánh của Chủ nghĩa Cộng sản”.
Thành công của tác giả trong cuốn sách là lối viết đậm chất trí tuệ, hiểu biết sâu sắc về lịch sử hiện đại của Việt Nam và thế giới, tình cảm kính trọng và yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tình cảm hữu nghị dành cho đất nước và con người Việt Nam. Ngòi bút tác giả hấp dẫn bạn đọc bằng cách trình bày khéo léo đan xen giữa lối viết nghiên cứu và kể chuyện lịch sử, nhẹ nhàng, thi vị, đầy xúc cảm mà vẫn không mất đi tính khách quan, xác thực cần có của một cuốn tiểu sử về một nhân vật vĩ đại có thực. Cuộc đời – sự nghiệp của Hồ Chí Minh được tái hiện sinh động trong bối cảnh của cách mạng Việt Nam, của phong trào cộng sản – công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Tác giả cho thấy hoạt động của Hồ Chí Minh trải dài khắp các châu lục và tác giả cũng khẳng định rằng: cho đến cuối đời, Bác Hồ chưa từng khi nào quên vai trò là một chiến sĩ cộng sản thấm nhuần sâu sắc tinh thần Chủ nghĩa quốc tế vô sản cao cả. Mối quan hệ, gắn bó khăng khít giữa Dân tộc và Quốc tế được thể hiện trong vô số các bài phát biểu và các bài viết, thậm chí trong Di chúc, khi Người gửi tình cảm và lời chào của mình tới bạn bè khắp năm châu.
Việc một tác giả phương Tây cho ra mắt cuốn sách về Hồ Chí Minh – với một độ lùi nhất định về thời gian khi nhìn lại quá khứ – lại càng làm nổi bật lên những chiều kích giá trị và đóng góp vĩ đại không thể phủ nhận được của Hồ Chí Minh, không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn đối với cộng đồng quốc tế; không chỉ cho hôm qua mà còn cho hôm nay và cho mai sau. Nó cũng chứng tỏ một điều là, cuộc đời sự nghiệp và nhân cách – đạo đức Hồ Chí Minh cùng Tư tưởng của Người vẫn không chỉ là ngọn đuốc soi sáng con đường đi tới của dân tộc Việt Nam mà vẫn đang là nguồn cảm hứng, khích lệ lớn lao cho những khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi ách nô lệ, giành độc lập, tự do, hòa bình và xây dựng một xã hội văn minh, dân chủ, công bằng và bác ái trên thế giới. Hơn thế nữa, đó vẫn tiếp tục là đề tài thu hút sự chú ý, tìm hiểu, khám phá, lý giải của các học giả, tác giả trong nước cũng như ngoài nước.
Cuốn sách này không chỉ có ý nghĩa vinh danh tên tuổi Hồ Chí Minh – đặc biệt đối với bạn đọc quốc tế. Theo tác giả, Hồ Chí Minh đã trở thành Một khái niệm. Có thể nói, đây là một kết luận hết sức sâu sắc. Hồ Chí Minh là Khái niệm để chỉ một hệ tư tưởng, một thời đại, một nền văn hóa và một nền đạo đức. Khái niệm này sẽ trường tồn mãi mãi với thời gian và lịch sử của dân tộc Việt Nam cũng như của nhân loại tiến bộ. Một nhà báo Ô-xtrây-li-a viết: “Người ta không thể trở thành một Hồ Chí Minh, nhưng ở Hồ Chí Minh, người ta có thể học được điều gì đấy để làm cho mình trở thành tốt đẹp hơn”. Hy vọng rằng, sau khi đọc cuốn sách này, mỗi người trong chúng ta sẽ rút ra điều gì đấy bổ ích cho bản thân mình.
Ý kiến ()