Hình tượng rồng trong đời sống văn hóa người dân Lạng Sơn
–Rồng là hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Lạng Sơn nói riêng, là biểu trưng của mưa thuận gió hòa, là vật linh đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh “Long, Lân, Quy, Phụng (Phượng)”.
Tiết mục múa Lân Sư Rồng tại lễ hội đền Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng
Mỗi người dân Việt Nam từ thuở ấu thơ đều được học bài học vỡ lòng về truyền thống dòng giống Rồng Tiên, với huyền sử Lạc Long Quân – Âu Cơ. Từ đó trải qua mấy nghìn năm lịch sử, các thế hệ người Việt truyền tụng rằng tổ tiên của chúng ta là dòng giống Tiên Rồng, tượng trưng cho những phẩm chất cao đẹp, tính nhân văn, tinh thần cao thượng, sức mạnh và lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam.
Ý nghĩa và hình tượng rồng trong văn hoá truyền thống
Trong đời sống dân gian, rồng còn tượng trưng cho thần linh, mây, mưa, sấm chớp… Hình tượng rồng tìm thấy trong văn hóa Đông Sơn, Âu Lạc với những hình trang trí chữ S và tục thờ tứ pháp, trong cung đình và đời sống dân dã.
Tiến sỹ Đinh Đức Tiến, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian Việt Nam phân tích: Nguồn gốc sâu xa của biểu tượng rồng xuất phát từ điều kiện tự nhiên (địa lý – khí hậu) và xã hội (lịch sử – kinh tế) quy định. Môi trường sống của các cộng đồng cư dân ở phương Đông là xứ nóng, mưa nhiều, tạo nên những vùng đồng bằng nằm trong lưu vực các con sông lớn. Yếu tố sông nước quan trọng với người phương Đông, vì vậy đã sáng tạo rồng với ý nghĩa đầu tiên là biểu tượng nước.
Hình tượng con rồng Việt xuất hiện rõ nét dưới thời Lý. Khi giành được độc lập, nhà Lý lên ngôi và đặt tên nước là Đại Việt; hình ảnh “Rồng bay lên” – Thăng Long tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc, được đặt tên cho đất đế đô. Rồng thời Lý còn tượng trưng cho mơ ước của cư dân trồng lúa nước nên luôn được thể hiện trong khung cảnh trời mây, non nước.
Rồng thời Trần thừa kế những yếu tố cơ bản của thời Lý nhưng có những biến đổi về chi tiết. Dạng tự chữ “S” dần mất đi, đồng thời xuất hiện thêm hai chi tiết là cặp sừng và đôi tay. Đầu rồng uy nghi, đường bệ với chiếc mào lửa ngắn hơn. Từ nửa cuối thế kỷ XIV, con rồng đã vượt ra khỏi kiến trúc cung đình để có mặt trong các kiến trúc dân dã, không chỉ có trong điêu khắc đá và gốm mà còn xuất hiện trên điêu khắc gỗ ở các đình chùa.
Đến thời Hậu Lê, rồng thay đổi hẳn. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Thân rồng lượn hai khúc lớn. Chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy phong kiến. Cũng chính bắt đầu từ thời đại này xuất hiện quan niệm Tứ linh (bốn con vật thiêng) tượng trưng cho uy quyền của vương triều. Rồng đứng đầu trong tứ linh. Ba vật thiêng kia là Lân (tượng trưng cho sự thái bình và minh chúa), Quy (con rùa – tượng trưng sự bền vững của xã tắc) và Phượng (tượng trưng cho sự thịnh vượng của triều đại).
Rồng thời Trịnh Nguyễn vẫn còn đứng đầu trong bộ tứ linh nhưng đã được nhân cách hóa, được đưa vào đời thường. Rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ, hai con rồng chầu mặt trăng (lưỡng long chầu nguyệt), chầu hoa cúc, chầu chữ thọ…
Trải qua các thời kỳ lịch sử, hình tượng rồng đã gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của hầu hết các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là trong tín ngưỡng dân gian, và lan tỏa rộng khắp cả nước. Trong đó, Lạng Sơn, cửa ngõ địa đầu Tổ quốc, nơi giao lưu và tiếp xúc văn hóa mạnh mẽ của nhiều dân tộc, nhiều vùng văn hóa thì hình tượng rồng lại càng được thể hiện mạnh mẽ.
Đi vào đời sống văn hóa người dân Lạng Sơn
Tại Lạng Sơn, hình tượng rồng xuất hiện phổ biến nhất là tại các di tích, cơ sở tâm linh tín ngưỡng như đền, chùa… Theo danh sách kiểm kê của UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 335 di tích nằm trong danh mục kiểm kê của tỉnh, trong đó có 163 di tích kiến trúc nghệ thuật hay còn gọi là các di tích tín ngưỡng tâm linh (đền, đình, chùa…), 100% các di tích này có xuất hiện của hình tượng rồng trên mái, tường, các cấu kiện, cột xà… Các cơ sở tín ngưỡng này tập trung chủ yếu ở thành phố Lạng Sơn và các huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng… Một số địa điểm tiêu biểu như: đền Kỳ Cùng, động Nhị Thanh – chùa Tam Giáo (thành phố Lạng Sơn), đền Công đồng Bắc Lệ (huyện Hữu Lũng), đền Mẫu Đồng Đăng (huyện Cao Lộc)…
Những ngày cận Tết Nguyên Đán Giáp Thìn năm 2024, để hiểu rõ hơn ý nghĩa và giá trị của hình tượng rồng được sử dụng tại các di tích tín ngưỡng, chúng tôi tìm đến di tích Quốc gia đền Kỳ Cùng tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn. Tại đây, theo quan sát của chúng tôi phía trên mái của đền có đôi rồng được chạm khắc tinh xảo hướng mặt vào một khối hình tròn tượng trưng cho mặt trời, còn gọi là “lưỡng long chầu nhật”; trên bậc cửa gian chính của đền cũng có đôi rồng đá rất đẹp. Theo bà Phạm Tuyết Lê, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích phường Vĩnh Trại, Trưởng Bộ phận Thường trực Quản lý di tích đền Kỳ Cùng, di tích này thờ vị thần có liên quan đến yếu tố nước, chính vì vậy các hình tượng rồng được sử dụng khá nhiều tại đây. Trước kia, ngay từ khi được dựng lên, trên mái của đền Kỳ Cùng đã có đôi rồng, năm 2018, đền tu bổ, xây dựng lại, chúng tôi đã phục dựng lại đôi rồng, tạo sự trang nghiêm cho ngôi đền.
Bên cạnh sự xuất hiện tại các di tích, vào mỗi dịp năm mới, ở hầu hết các lễ hội, múa rồng cũng được biểu diễn phổ biến, với các điệu rồng chầu, rồng lượn, rồng bay, rồng uốn khúc… tạo cho không khí cho lễ hội truyền thống thêm vui tươi, gửi gắm ước mong cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà, nhân khang vật thịnh của cư dân nông nghiệp. Đơn cử như lễ hội chùa Tam Thanh – Tam giáo, phần rước kiệu Đốc trấn Ngô Thì Sỹ từ di tích động Nhị Thanh sang chùa Tam Thanh và ngược lại, đi đầu là đoàn múa rồng đặc sắc, với quan niệm mở đường cho thần thánh.
Anh Mông Trung Hiếu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ vovinam thành phố Lạng Sơn cho biết: Hằng năm, mỗi dịp lễ hội xuân chúng tôi lại được các ban tổ chức mời đến biểu diễn các tiết mục múa võ và múa lân – sư – rồng để tạo không khí bui tươi phấn khởi. Mỗi con rồng như vậy có 9 người biểu diễn, các động tác uốn lượn, khi biểu diễn qua các con phố chúng tôi còn được người dân mời vào nhà múa với ngụ ý tạo sự may mắn đầu năm để cả năm làm ăn thuận lợi.
Ngoài ra, hình tượng rồng còn đi với đời sống văn hóa của Nhân dân các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Đơn cử, trong trang phục thầy Tào của người Tày Lạng Sơn, chiếc áo gồm hai loại: áo may bằng vải xanh mặc bên trong và áo khoác ngoài, trong đó, trang trí ở hai vạt áo khoác ngoài thường là các hình tượng đối xứng gồm hình rồng, kiếm, quả bầu, hình người cưỡi ngựa. Mũ của thầy Tào cũng gồm hai loại có hình dáng và màu sắc khác nhau, đối với những người có cấp bậc cao, khi hành lễ trên chóp mũ sẽ có thêm một “me viếng” giống như hình cái ly đặt ngược. Chóp mũ được làm bằng bạc, trên có chạm khắc hình các con vật tùy theo cấp bậc cao thấp (bậc 1 là chim phượng hoàng; bậc 2 là con rồng; bậc 3 là con kỳ lân). Hay như trong Then, rồng biểu thị cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường.
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh cho biết: Rồng có cả trên trang phục của thầy Tào và thầy Then ở Lạng Sơn, biểu tượng cho uy quyền và sự thịnh vượng của thầy cúng. Có hai loại rồng chính được trang trí trên trang phục của thầy cúng Tày là rồng toàn thân và rồng bán thân. Rồng được đồng bào Tày coi như một con vật có tính thiêng, được đồng bào tôn thờ.
Như vậy, mặc dù được tạo ra từ sự sáng tạo của con người nhưng trải qua bao đời nay hình tượng rồng vẫn luôn được người dân Xứ Lạng trân trọng, coi là con vật có tính thiêng và đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi biên cương Xứ Lạng. Nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, mỗi người chúng ta hãy cùng tìm hiểu một vài khía cạnh tốt đẹp hình tượng rồng để cùng suy ngẫm, từ đó, thêm yêu, thêm trân quý các giá trị truyền thống.
HOÀNG HIẾU - TUYẾT MAI
Ý kiến ()