Hình thành xu hướng “chơi” điêu khắc
Làm sao để có nhiều công chúng quan tâm, tìm mua các tác phẩm điêu khắc đặt trong nhà, khuôn viên trụ sở để nâng cao tính thẩm mỹ cho không gian; đồng thời giúp nghệ sĩ điêu khắc sống được thông qua những sáng tạo tâm huyết? Dự án “Kết nối điêu khắc và kiến trúc đương đại” quy tụ các nghệ sĩ điêu khắc trẻ mới đây đã thành công bởi bước đầu làm sáng tỏ câu hỏi trên.
Được thực hiện bởi đơn vị kinh doanh, triển lãm nghệ thuật The Muse Artspace (47 Tràng Tiền, Hà Nội), “Kết nối điêu khắc và kiến trúc đương đại” quy tụ 6 nhà điêu khắc: Lê Anh Vũ, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Duy Mạnh, Phạm Bảo Sơn, Trần Văn An và Trần Trọng Tri, tập trung giới thiệu nghệ thuật điêu khắc qua khả năng kết nối giữa điêu khắc và kiến trúc bằng góc nhìn đậm chất Á Đông, với ý niệm xuyên suốt là xem xét những tác động thị giác cũng như tinh thần của yếu tố âm-dương trong điêu khắc.
Hơn 20 tác phẩm của các nghệ sĩ đã được trưng bày vào tháng 3-2023 vừa qua trong không gian triển lãm của The Muse Artspace thu hút sự quan tâm của công chúng. Điểm đáng chú ý là sau thời gian phục vụ công chúng trong không gian phòng triển lãm, các tác phẩm được di chuyển, sắp đặt trong không gian của một biệt thự ở ngoại thành Hà Nội. Mục đích là để công chúng yêu nghệ thuật, có gu thẩm mỹ tham quan, tìm hiểu trực tiếp (và cả trực tuyến), qua đó có thể tìm mua được tác phẩm ưng ý trang trí, làm đẹp cho không gian riêng của mình.
Nhà điêu khắc Trần Trọng Tri cho biết: “Hiện nay, điều kiện xã hội tốt hơn nên nghệ sĩ, nhà sáng tạo trẻ có không gian đủ rộng để “chơi” và kiến tạo không gian cảm xúc. Sự kết hợp giữa không gian kiến trúc với điêu khắc mở ra những cơ hội để tác phẩm phát huy ngôn ngữ điêu khắc, khiến không gian thú vị hơn rất nhiều. Những thử nghiệm tìm hướng đi cho điêu khắc đương đại gần đây đã vượt qua khuôn mẫu tạo hình của điêu khắc truyền thống, mở ra hướng mới trong tư duy và khả năng sáng tạo của loại hình nghệ thuật này”.
Tác phẩm điêu khắc của Trần Văn An đặt trong không gian gia đình. Ảnh do The Muse Artspace cung cấp. |
Tại dự án này, mỗi nghệ sĩ mang tới tư duy nghệ thuật, phong cách sáng tạo riêng biệt. Song có một đặc điểm chung của các tác phẩm là giàu tính đổi mới, sáng tạo nhưng không sa vào kỳ quái mà đầy tính thẩm mỹ ứng dụng. Chẳng hạn, thực hành nghệ thuật của Nguyễn Duy Mạnh tập trung sáng tác trên chất liệu gốm. Tác phẩm tại dự án này được lấy cảm hứng từ quá trình nhào lại những tác phẩm chưa nung, đã vỡ trước đó mà anh gom lại khi không còn nguyên liệu để sáng tác trong thời gian giãn cách vì dịch Covid-19. Chính trong quá trình thao tác, những hoa văn hiện lên bên trong thớ đất được nhào nặn một cách vô thức đã dẫn dắt tư duy, đem đến cho anh cảm xúc một cách chủ động. Bộ tác phẩm có sự phát triển trong tạo hình, chuyển dịch sang trừu tượng hơn so với những sáng tác gốm trước đó của nghệ sĩ. Chính những tác phẩm điêu khắc gốm này khi được đặt ở ngoài trời, xung quanh tiểu cảnh đã tạo tính trang trí hài hòa, ấn tượng mới lạ.
Có thể nói, các tác phẩm điêu khắc đương đại đã tìm kiếm hình thức biểu đạt khối điêu khắc mới mang hơi hướng tối giản, trừu tượng, ý niệm… Tại dự án này, chất liệu sử dụng cho các tác phẩm rất phong phú và mở rộng gồm sắt, gốm, đá, gang, nhôm, đèn led… Mỗi nghệ sĩ đều có cách nhìn nhận chất liệu khác nhau. Việc sử dụng, đối xử với chất liệu theo cách nào sẽ cho người ta cái nhìn riêng biệt về tính cá nhân của nghệ sĩ ấy, thông qua nó, tác giả đạt được trạng thái thỏa mãn nhất, đồng thời hướng đến nhu cầu, thị hiếu công chúng đương đại. Ngoài việc thể nghiệm sáng tạo, mục tiêu của dự án còn hướng tới việc tương tác nghệ thuật với công chúng và đưa tác phẩm ứng dụng vào không gian sống thường ngày. Do vậy, kích thước các tác phẩm thường ở cỡ nhỏ và vừa để tiện cho công chúng chiêm ngưỡng, chọn mua, trưng bày và “chơi” trong không gian gia đình.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/hinh-thanh-xu-huong-choi-dieu-khac-730614
Ý kiến ()