Hình thành kỹ năng xã hội cho trẻ mầm non
Học sinh Trường mầm non Him Lam (Điện Biên) trong giờ ngoại khóa.
Trong chương trình giáo dục mầm non, PTTCKNXH là một trong năm lĩnh vực hình thành và phát triển nhân cách; tạo cơ hội để trẻ vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào giải quyết tình huống của đời sống hằng ngày. Nhận thức rõ tầm quan trọng, trong những năm qua, Trường mầm non Thanh Lâm, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ chú trọng xây dựng kế hoạch, nội dung giáo dục kỹ năng sống cho trẻ ở tất cả các độ tuổi. Các hoạt động mà giáo viên xây dựng tạo hứng thú cho trẻ, giúp trẻ trải nghiệm, có cơ hội bộc lộ hết cảm xúc. Qua hoạt động “xưởng thực hành cuộc sống”, trẻ được tham gia các hoạt động như gấp quần áo, buộc dây giày, tắt mở ổ điện trên bảng điện mô hình, khám phá sức hút của nam châm… Với hình thức khám phá, trải nghiệm, bắt chước, thực hành và sáng tạo, trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, sáng tạo hơn, có kỹ năng tự phục vụ bản thân để thích nghi, hòa nhập xã hội.
Trong khi đó, cô giáo Nguyễn Thị Lê Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non chất lượng cao Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Trường xây dựng nhiều hoạt động để tạo hứng thú cho trẻ, thí dụ góc văn học được bổ sung nhiều sách truyện giúp trẻ nhận biết và thể hiện cảm xúc về sự vật, hiện tượng chung quanh; góc thiên nhiên với rất nhiều đồ dùng để trẻ có thể tự làm những công việc như lau lá, tưới nước, chăm sóc cây, nhặt lá vàng, lá úa… Đáng chú ý, trường chú trọng phương pháp làm mẫu nêu gương bởi hầu hết trẻ đều học cách nhận biết, bộc lộ tình cảm và kỹ năng xã hội qua quan sát, bắt chước người lớn chung quanh; sử dụng phương pháp trò chơi phân vai để trẻ có nhiều cơ hội thể hiện, tích luỹ kỹ năng, học cách giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày.
Theo các chuyên gia giáo dục, PTTCKNXH cho trẻ là một trong những nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức, độ tinh nhạy và tâm lý. Thực tế cho thấy nhiều giáo viên lựa chọn những nội dung tích hợp giáo dục PTTCKNXH chưa phù hợp với trẻ, những nội dung chưa gắn với đặc điểm, kinh nghiệm của trẻ dẫn đến tình trạng gò bó, ôm đồm và nặng nề; các nội dung thiên về cung cấp kiến thức, thiếu hoạt động trải nghiệm. Đại diện Sở GD và ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: Một số trường thiếu giáo viên, nhiều điểm trường lẻ thường chỉ có một giáo viên/ lớp, do đó, giáo viên ít có cơ hội giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và ít tài liệu tham khảo trong chuyên môn cho nên còn thiếu tính linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện giáo dục PTTCKNXH. Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD và ĐT tỉnh Lào Cai Nguyễn Thị Thơm cho rằng: Một trong những rào cản của giáo dục PTTCKNXH tại trường mầm non là năng lực, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động của giáo viên còn hạn chế, nhất là việc tổ chức hoạt động này đối với các nhóm, lớp ghép. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, tại Lào Cai còn 48,3% số phòng học chưa được kiên cố hóa. Đồ dùng, đồ chơi chưa phong phú, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục PTTCKNXH.
Một số địa phương đề xuất Bộ GD và ĐT có kế hoạch rà soát, bổ sung, điều chỉnh các nội dung thuộc lĩnh vực giáo dục PTTCKNXH cho trẻ mầm non để phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và tình hình thực tiễn giáo dục mầm non của Việt Nam. Ngành giáo dục cần đưa nội dung giáo dục PTTCKNXH cho trẻ mầm non vào chương trình đào tạo giáo viên mầm non ở tất cả các trường đại học, cao đẳng; nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ cho giáo viên tự làm thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.
Theo Vụ trưởng Giáo dục mầm non (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Bá Minh, thời gian tới, Bộ GD và ĐT tiếp tục đẩy mạnh bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trong việc giáo dục PTTCKNXH cho trẻ mầm non nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ. Bên cạnh đó, Bộ đưa vào giảng dạy đào tạo trong các trường sư phạm nội dụng PTTCKNXH sao cho phù hợp bối cảnh văn hóa – kinh tế – xã hội của Việt Nam. Trên cơ sở đó phân tích, đánh giá thực trạng triển khai các chính sách, dịch vụ và chương trình phát triển trẻ thơ tại Việt Nam, đề xuất xây dựng, cải thiện chính sách phù hợp thực tiễn cho giai đoạn tiếp theo. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, cần đẩy mạnh công tác giáo dục PTTCKNXH cho trẻ.
Ý kiến ()