Hình ảnh phản cảm tại chốn tôn nghiêm
LSO-Đi lễ chùa dịp đầu năm, đầu tháng, ngày rằm là thói quen của nhiều người, đây cũng là nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt. Tuy nhiên, việc rải tiền lẻ khắp nơi của người dân và du khách làm mất đi vẻ đẹp và sự tôn nghiêm chốn cửa thiền.
Người dân thành phố Lạng Sơn công đức tại chùa Thành |
Tiền người dân công đức tại các đền, chùa là để nhang đèn, trùng tu, xây dựng hoặc phúc lợi xã hội. Công đức cho chùa là thể hiện sự thành kính, góp sức xây dựng đền, chùa cũng như chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Tiền công đức nhiều hay ít không quan trọng, cốt là sự thành tâm của mỗi người, không có tính bắt buộc. Thế nhưng, nhiều người không hiểu hoặc cố tình không hiểu mỗi khi đi lễ thường có thói quen rải tiền lẻ khắp nơi.
Thực tế ở một số đền, chùa trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhiều người dân và du khách rải tiền lẻ từ gốc cây, đồ thờ cúng đến chân tượng đồng để thể hiện sự thành tâm của mình. Nhiều người chưa yên tâm còn cố nhét tiền vào tay, thậm chí là miệng tượng phật, tạo nên hình ảnh lộn xộn và phản cảm chốn cửa chùa. Bà Đoàn Thị Thanh Hải, du khách Bắc Ninh đi lễ chùa Tân Thanh, huyện Văn Lãng cho biết: Tôi đã chứng kiến không ít lần người trước vừa đặt tiền vào tay tượng Phật thì người sau đi qua lại nhặt luôn. Rõ ràng như thế là không thanh tịnh. Việc để tiền lẻ khắp nơi không những tạo ra hình ảnh lộn xộn mà vô tình khiến lòng tham nổi lên, như vậy là trái với điều Phật dạy.
Tại các đền, chùa, Ban quản lý đều bố trí bàn ghi công đức ở những nơi dễ nhận thấy, bố trí hòm công đức trước các ban thờ để người dân bỏ tiền vào. Cùng đó, bố trí người tuyên truyền, hướng dẫn người đi lễ bỏ tiền lẻ đúng nơi quy định. Tuy nhiên, người đi lễ chỉ thực hiện khi có người của chùa ở đó hướng dẫn, khi vắng mặt lực lượng này thì tiền lẻ lại được rải khắp nơi, thậm chí còn bị dẫm đạp không thương tiếc. Bà Đào Thị Oanh, du khách đến từ Hải Phòng cho biết: Theo tôi, đi lễ chùa trước hết là để cái tâm được thanh tịnh. Việc nhét tiền lẻ vào tay tượng Phật để cầu xin lộc chẳng khác nào hối lộ thánh thần, biến việc đi lễ thành một sự trao đổi, làm mất đi sự tôn nghiêm nơi cửa thiền là rất phản cảm. Để có tiền lẻ rải khắp nơi như vậy, người đi lễ phải tìm đến các điểm dịch vụ. Nắm được điều này, những người kinh doanh tranh thủ đổi tiền mệnh giá thấp với giá cao, gây bức xúc cho người đi lễ và tạo ra sự lộn xộn trong khu vực đền, chùa.
Thượng tọa Thích Quảng Truyền, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Trụ trì chùa Thành, chùa Tân Thanh cho biết: Nhiều người nghĩ rằng, việc đặt tiền lẻ lên các ban thờ là để cho các ngài biết mình cung tiến là không đúng. Cần nhớ rằng, tiền công đức tại đền, chùa là để đèn nhang, xây đắp, trùng tu hoặc phúc lợi xã hội chứ không phải để dâng lên các ngài. Giáo lý nhà Phật không dạy con người tham lam, chính vì vậy, đền, chùa không phải là nơi xin xỏ, ban phát lợi lộc. Đến chùa là để chiêm nghiệm, tĩnh tâm, vì vậy, chỉ cầu bình an và nhắc nhở nhau hướng thiện.
Để từng bước thay đổi nhận thức cũng như thói quen đổi tiền lẻ khi lễ chùa, rải tiền lẻ khắp nơi thì trước hết, ban quản lý các đền, chùa cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân và du khách qua hệ thống loa phóng thanh, qua các bài giảng, buổi nói chuyện. Cùng đó, các cơ quan liên quan như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phòng Văn hóa – Thông tin các huyện, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn về văn minh khi đi lễ tại các đền, chùa. Việc rải tiền lẻ xuất phát từ chính những người đi lễ chùa, vì vậy, bản thân mỗi người khi đi lễ cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, từ đó thực hiện văn minh khi lễ chùa, tránh những hành vi phản cảm, cổ vũ cho mê tín dị đoan, đi ngược lại giáo lý nhà Phật.
THỤC QUYÊN
Ý kiến ()