Hiệu ứng nâng mức cho vay vốn tại huyện nghèo
Anh A Moóc (đứng giữa), ở thôn Măng Rương 1, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, bên vườn cà-phê được đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tạo thêm trợ lực vốn
Đây quả thực là một tin vui đến với hộ gia đình anh U Bình (sống tại xã Đắc Ui, huyện Đác Hà, tỉnh Kon Tum) ngay trong những ngày tháng 3 này. Anh U Bình chia sẻ, là người dân tộc Xơ ĐRá sinh sống lâu đời ở mảnh đất này, anh cũng giống như cha mẹ mình, chỉ biết chăm chỉ làm nương rẫy. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào lúa mì, hạt bắp thì chẳng thể đủ ăn, chưa nói gì đến việc cho các con đi học. Vì vậy, năm 2007, vợ chồng anh mạnh dạn vay NHCSXH 30 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo để trồng khoảng 1 ha cà-phê. Đến nay, anh đã mở rộng diện tích trồng cà-phê lên 2 ha, ngoài ra còn trồng thêm các loại cây khác như bời lời, hồ tiêu… Riêng cà-phê, anh Bình cho biết mỗi năm thu hoạch khoảng 16 tấn, nếu tính giá trung bình 7.000 đồng/kg cũng thu được khoảng gần trăm triệu đồng. “Sau khi thoát nghèo năm 2017, tôi lại vay tiếp 50 triệu đồng từ chương trình cho vay dành cho hộ mới thoát nghèo của ngân hàng để đầu tư tiếp vào cà-phê. Cây cà-phê cho thu nhập rất tốt, mỗi năm trừ chi phí gia đình cũng lời được khoảng 70 triệu đồng, nên tôi rất muốn mở rộng thêm vườn cà-phê hoặc trồng thêm các loại cây khác nhưng chưa thể làm được vì đã vay hết hạn mức rồi. Nay biết tin được tăng hạn mức tôi mừng lắm, tôi sẽ tìm hiểu để vay thêm 50 triệu đồng nữa” – anh U Bình nói. Huyện Đác Hà được coi là vùng trọng điểm trồng cà-phê của tỉnh Kon Tum. Nhờ cây cà-phê, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc ít người như anh U Bình đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Và đồng hành với cây cà-phê, với những hộ như gia đình anh Bình, không thể không nhắc đến một đòn bẩy rất quan trọng, đó chính là dòng vốn tín dụng. Hiện nay, việc phát triển kinh tế gia đình của các hộ đồng bào nghèo, vùng sâu, vùng xa đang phần lớn “nương” theo các chương trình tín dụng chính sách được thực hiện qua NHCSXH. Nhất là với Tu Mơ Rông, một trong ba huyện nghèo của tỉnh Kon Tum đang được hỗ trợ áp dụng các cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị quyết 30a của Chính phủ, thì nguồn tín dụng chính sách đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tuy không phải là vùng trọng điểm cà-phê như Đác Hà, nhưng nhiều hộ dân nơi đây cũng đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH để đầu tư trồng cây cà-phê và các loại cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, sâm dây, đương quy, ngũ da bì,… Anh A Moóc (thôn Măng Rương 1, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông) tâm sự, được Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Măng Rương 1 bình xét là hộ nghèo, gia đình anh đã vay 90 triệu đồng từ hai chương trình của NHCSXH huyện Tu Mơ Rông là cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm để đầu tư vườn cà-phê và cây dược liệu. “Từ ba năm nay, mỗi năm tôi thu hoạch được 2 tấn cà-phê. Ngoài ra, tôi cũng đang đầu tư trồng 200 gốc sâm Ngọc Linh và 3 ha sâm dây. Sâm Ngọc Linh cần ít nhất 4 năm nữa mới cho thu hoạch. Vì vậy, việc nâng hạn mức và thời gian vay là một chính sách rất có ý nghĩa đối với bà con hiện nay, đặc biệt là những hộ trồng cây dài hạn và cây dược liệu. Tôi mong rằng Đảng, Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện để giúp bà con phát triển kinh tế, tăng thu nhập” – anh A Moóc cho biết.
Đẩy lùi “tín dụng đen”
Trong gần 20 chương trình mà NHCSXH triển khai thực hiện, các chương trình như cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ vay phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi,… đang lan tỏa những hiệu ứng tích cực. Đây vừa là sự hỗ trợ trực tiếp thông qua nguồn vốn, vừa là sự động viên, khích lệ khi thể hiện cụ thể sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền qua các chính sách ưu đãi. Những chính sách đi vào cuộc sống thực tế không bao giờ suôn sẻ ngay lập tức, mà phải có thời gian để chuyển biến cả nhận thức lẫn hành động.
Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo (NHCSXH) Đặng Đức Thắng chia sẻ, dù đã là quá khứ nhưng những cán bộ tín dụng vẫn không thể quên câu chuyện đồng bào vay tiền bỏ vào ống nứa gác lên giá bếp rồi đến kỳ trả nợ lấy nguyên số tiền trong ống nứa ấy “trao trả tận tay cán bộ”. Nhắc lại câu chuyện để thấy, từ việc đồng bào vay tiền không biết để làm gì đến khi đồng bào biết sử dụng đồng vốn vay để làm kinh tế nhằm thoát nghèo, vươn lên khá giả, là cả một quá trình.
Trường hợp vay vốn của anh U Bình nêu trên là một thí dụ. Năm nay anh Bình bước sang tuổi 42, nhưng từ năm 20 tuổi anh đã tính chuyện làm kinh tế. “Hồi ấy nhận thức còn hạn chế, không có tiền nên có lần tôi cũng phải vay bên ngoài 30 triệu đồng với lãi suất cao, 1 triệu đồng phải trả lãi 50 nghìn đồng/tháng. Tháng nào chưa trả là chủ nợ đến o ép, doạ nạt. Sau tôi phải tìm mọi cách trả hết nợ. Rồi cũng may đang lúc lo lắng thì được các cán bộ hướng dẫn tôi là hộ nghèo sẽ được Nhà nước cho vay lãi suất thấp chỉ khoảng 0,6%/tháng, nên tôi đã tìm hiểu và được hướng dẫn vay vốn của NHCSXH. Từ đó đến nay, tôi không phải vay vốn bên ngoài với lãi suất cao nữa mà chỉ vay NHCSXH trong chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo (50 triệu đồng) và chương trình nước sạch vệ sinh môi trường (12 triệu đồng)” – anh U Bình cho biết.
Hiện nay, theo khảo sát từ NHCSXH, mức bình quân mà đối tượng hộ nghèo vay vốn đang ở khoảng 26 triệu đồng/hộ. Như vậy, nhiều hộ nghèo vẫn vay những món vay rất nhỏ để phát triển kinh tế. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều hộ đã tìm tới những mô hình sản xuất kinh doanh lớn hơn, cần nhiều vốn hơn. Ở Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung, đồng bào có xu hướng phát triển cây công nghiệp, cây dược liệu. Đặc thù của phần lớn loại cây này là cần thời gian sinh trưởng dài, hoặc cần một nguồn vốn lớn để đầu tư. Như với cây cà-phê, cao-su cần ít nhất từ 5-7 năm mới cho thu hoạch, cây bời lời phải hơn 10 năm, cây sâm Ngọc Linh cũng ít nhất 10 năm,… Trước khi quyết định nâng mức vay và thời hạn vay có hiệu lực, các hộ vay vốn của những chương trình này chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng và thời hạn vay không quá 5 năm. Theo nhiều hộ dân, trong điều kiện diện tích cây trồng ngày càng tăng thêm, giá cả vật tư, cây giống cũng tăng thì mức vay 50 triệu đồng chỉ đủ mua một lần phân bón, mua cây giống về ươm trồng, chưa kể còn phải đầu tư thêm trang thiết bị như máy bơm nước để tưới tiêu,… Và với những cây trồng phải 7 đến 10 năm mới cho thu hoạch thì sau 5 năm – thời điểm phải chấm dứt khoản vay, không ít hộ dân phải “bán non” sản phẩm để trả nợ hoặc vay “nóng” bên ngoài để đảo nợ. “Do đó, việc nâng mức cho vay lên tối đa 100 triệu đồng và thời hạn vay tối đa 10 năm lần này đã kịp thời đáp ứng nguyện vọng của bà con. “Theo rà soát của xã thì hiện nay, nguồn vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Nhưng riêng với những hộ sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm,… thì cũng rất có nhu cầu vay thêm vốn. Những đối tượng này hiện chưa được nâng mức tối đa cho vay và thời hạn vay vẫn từ 3-5 năm nên chúng tôi cũng có kiến nghị Nhà nước giãn tiến độ trả nợ theo chu trình sản xuất kinh doanh, lên mức tối đa bằng mức hộ nghèo được áp dụng là 10 năm” – Chủ tịch UBND xã Đắc Ui (huyện Đác Hà) Ngô Hồng Hưng nêu ý kiến.
Như vậy có thể thấy, những chính sách tín dụng ưu đãi đang dần “bắt sóng” khá nhịp nhàng với hơi thở cuộc sống. Việc nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và cho vay phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của NHCSXH nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân tại mọi vùng miền trong cả nước. Đây cũng được coi như một giải pháp để cùng các loại hình tổ chức tín dụng khác của ngành ngân hàng góp phần đẩy lùi tín dụng phi chính thức.
Hiện nay, mạng lưới hoạt động của NHCSXH tỉnh Kon Tum gồm Hội sở NHCSXH tỉnh và chín NHCSXH huyện, 102 điểm giao dịch tại 102 xã, phường, thị trấn với 1.671 Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, làng trong toàn tỉnh. Việc mạng lưới của NHCSXH được phủ xuống tận các buôn làng, thủ tục cho vay đơn giản, giải ngân kịp thời cũng là lý do khiến người dân tìm đến với ngân hàng nhiều hơn, hạn chế cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa. LÊ DANH THỨ Giám đốc NHCSXH tỉnh Kon Tum |
Theo Nhandan
Ý kiến ()