tle=”Hiệu ứng “Đoàn nhặt rác””> yerText”> Xem thêm:4 ảnh Ông Tohru cùng những người đồng hành trong buổi nhặt rác ở Hồ Hoàn Kiếm
– Sáng chủ nhật, nhiều bạn trẻ đến khu vực Hồ Hoàn Kiếm- Hà Nội từ rất sớm. Có cả những phụ huynh đi cùng con. Họ tập trung trên vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng để đợi được phát kẹp, túi ni lông, bao tay để bắt đầu một công việc ý nghĩa: Nhặt rác ven Bờ Hồ. Đã có nhiều chủ nhật như vậy và những người dân Hà Nội đi tập thể dục buổi sáng cũng quen với việc làm này, họ bảo nhau: “Đó là người của ông Nhật Bản đấy”.
Ông Nhật Bản ấy là Ninomiya Tohru, Giám đốc công ty TNHH Ishigaki Rubber Việt Nam thuộc khu công nghiệp Hà Nội Đài Tư (quận Long Biên-Hà Nội). Một năm lặng lẽ làm công việc gom rác ở Bờ Hồ, ông Tohru cũng kéo theo được vài người ngoại quốc khác làm công việc tương tự như mình. Và bất ngờ là có nhiều bạn trẻ, nhiều gia đình cùng con cái đã hưởng ứng bằng cách gia nhập “đoàn nhặt rác” của ông vào mỗi chủ nhật.
Nào cùng nhặt rác!
Để giúp những người đồng hành của mình, ông Tohru đã tự mình đi mua kẹp, bao tay, túi ni lông. Ông hướng dẫn các cháu bé đi bao tay, cách nhặt rác đúng cách để giữ vệ sinh và ông luôn là người đi đầu trong “ đoàn nhặc rác”.
7h45 phút sáng ngày chủ nhật, 7-10, có đến hơn 20 người có mặt cùng nhặt rác với ông Tohru, hầu hết là trẻ em, phụ huynh và các nhân viên trẻ làm việc trong công ty của ông Tohru.
Cháu Khôi Linh, 9 tuổi, trường tiểu học Sài Đồng kể: Đây là lần thứ hai cháu đi nhặt rác cùng với Tuấn, anh trai 12 tuổi. Hai anh em nhà ở tận Sài Đồng, ngoại thành Hà Nội, và được cô Huyền làm ở công ty Ishigaki Rubber và là bạn của gia đình dẫn tới Hồ Gươm. Chỉ sau 15 phút là bịch rác của Linh đã nặng trĩu, Linh nhặt rác “chuyên nghiệp” không khác gì ông Tohru.
Một bà mẹ dẫn con đến tham gia nhặt rác chia sẻ “Tôi biết chuyện ông Người Nhật nhặt rác trên facebook và nghĩ mình nên cho các con tham gia. Đó cũng là cách để dạy con trẻ có hành vi ứng xử văn hóa. Điều này nhà trường ít dạy trẻ và cả các bố, mẹ cũng xao nhãng do quá bận rộn với công việc thường ngày”.
Chị Huyền làm việc ở công ty Ishigaki Rubber, mẹ của cháu Quang (học sinh trường THCS Sài Đồng-HN) cho biết: Thời gian đầu, sếp Tohru đi một mình. Sau đó mới mang các tờ rơi in màu giới thiệu hình ảnh nhặt rác của ông ở Hồ Gươm để lôi kéo nhân viên, bạn bè tham gia. Còn chị Khúc Ánh Tuyết, nhân viên của công ty TNHH Likan Vina, nhớ lại một lần chị sang gặp ông Tohru để thảo luận về công việc, ngay sau khi xong là ông Tohru lôi ngay ra mấy tờ rơi ông tự làm để “rủ rê” công ty chị cùng tham gia.
Tôi mong trẻ em Việt Nam có thói quen tốt này
Ông Tuhru giải thích về việc làm của mình: Gom rác vào nơi quy định là việc làm có ích và không tốn tiền, ai cũng có thể làm được. Những việc như vậy ở bên Nhật Bản là thói quen bình thường còn ở Việt Nam thì chưa có thói quen đó nên mọi người mới thấy lạ.
“Hôm nay có khoảng hơn 20 người tham gia cùng tôi, tất cả dựa trên tinh thần tự nguyện, ai biết thì đến chứ không có tổ chức gì phức tạp. Thật ra điều tôi làm không có gì to tát cả. Mong muốn lớn nhất của tôi là các em nhỏ biết đến việc này và cùng chung tay. Ban đầu thì không có trẻ con tham gia với tôi đâu, nhưng bây giờ có rất nhiều em nhỏ đi cùng cha mẹ tới đây hàng tuần, kể cả nhà hơi xa một chút. Đấy là điều làm tôi hạnh phúc nhất. Tôi rất mong sao 5-10 năm nữa mọi người đều có thói quen rủ nhau đi nhặt rác như vậy”- Ông Tuhru chia sẻ.
Kiyomi, một người bạn của ông Tohru cùng tham gia nhặt rác sáng ngày 7-10 băn khoăn: “Tôi thấy ở Hà Nội còn nhiều nơi công cộng khác như công viên Thống Nhất, hồ Thành Công… tình trạng rác thải vứt bừa bãi còn tệ hơn Hồ Hoàn Kiếm rất nhiều. Vì thế, thói quen gom rác vào nơi quy định rất cần được nhân rộng ở nhiều nơi”.
Mong muốn của những người nước ngoài sống ở Hà Nội thật không dễ thực hiện tí nào. Nhiều cháu bé tham gia gom rác ở Bờ Hồ kể: Sau một lượt nhặt hết rác, vòng lại đã lại thấy túi ni lông, vỏ chai lavie vứt giữa đường. Rác có ở cả những nơi không thể tin người ta có thể xả rác như Tháp Bút, cầu Thê Húc. Một bạn trẻ nhận xét “Nhiều nhất là đầu lọc thuốc lá”.
Khi được hỏi việc làm của các cháu bé tác động đến các bạn cùng lớp thế nào thì cả Linh, Tuấn và cậu bé Quang đều nói là đi nhặt rác xong đến lớp kể với các bạn không ai tin. “Các bạn bảo cháu là “cùi”, là vớ vẩn. Chẳng ai tin vì chẳng ai quan tâm cả.
Một hành động ý nghĩa bắt đầu có hiệu ứng. Nhưng hiệu ứng ấy còn quá mỏng manh giữa một môi trường ý thức cộng đồng còn bị xem nhẹ và xao nhãng giáo dục trong nhà trường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()