Hiểu thêm về phân kỳ trong “Đề cương về văn hóa Việt Nam”
Đề cương về văn hóa Việt Nam (năm 1943 của TƯ) ra đời vào lúc (như Nghị quyết Hội nghị Võng La tháng 2/1943 đã viết) cần có “một cuộc Đảng Đại hội hay một cuộc toàn thể Trung ương hội nghị phải họp để quyết định những vấn đề mới”. Ban Thường vụ Trung ương Đảng lúc đó giải thích, “đã ứng dụng phương pháp linh động của chủ nghĩa Mác – Lênin mà nhận xét tình hình… đã lĩnh trách nhiệm nghị quyết những điều cần thiết… để các đồng chí nhận rõ công việc phải làm ngay”.
Tổng Bí thư Trường Chinh, tác giả Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943
Sau khi đưa ra “Cách đặt vấn đề” 3 lĩnh vực (Phạm vi văn hóa – Mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị – Thái độ của Đảng đối với vấn đề văn hoá), Đề cươnglần đầu tiên phác họa 3 thời kỳ phát triển trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Việc lấy triều đại Quang Trung (triều đại đỉnh cao của phong trào nông dân với nhiều tiến bộ ở Việt Nam cuối thế kỷ XVIII) làm mốc phân chia là một cách tiếp cận rất mới chưa có tiền lệ. Đề cương viết:
“a) Thời kỳ Quang Trung trở về trước: văn hoá Việt Nam có tính chất nửa phong kiến, nửa nô lệ, phụ thuộc vào văn hoá Trung Quốc.
“b) Thời kỳ từ Quang Trung đến khi đế quốc Pháp xâm chiếm, văn hoá phong kiến có xu hướng tiểu tư sản.
“c) Thời kỳ từ Pháp sang xâm chiếm đến nay: văn hoá nửa phong kiến, nửa tư sản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa (chú ý phân biệt mấy giai đoạn trong thời kỳ này)”.
Để hiểu thêm về cách phân kỳ ấy, có thể lật lại Đại Nam thực lục– bộ biên niên sử của Việt Nam (biên soạn ngay khi Quốc sử quán triều Nguyễn thành lập năm 1821), trong đó tập Đệ nhất kỷ, quyển III ghi rằng: “[ Tháng 11 năm 1788] , Nguyễn Văn Huệ tự lập làm vua, xưng hiệu là Quang Trung năm thứ 1″.Nhưng Quốc sử quán triều Nguyễn không thể nói rõ sự xuất hiện ấy của Nguyễn Huệ – Quang Trung trong hoàn cảnh hàng chục vạn quân Thanh vừa ồ ạt sang chiếm kinh đô Thăng Long; đất nước lúc bấy giờ cần một ngọn cờ thống lĩnh dân tộc đủ sức mạnh giữ nền độc lập, chống các âm mưu và dã tâm xâm lược của các thế lực phong kiến ngoại bang cấu kết với phong kiến tay sai trong nước. Quốc sử quán triều Nguyễn cũng chưa thể phác họa một hiện thực may mắn của lịch sử, về ngọn cờ của Nguyễn Huệ – Tây Sơn vừa đánh tan giặc ngoại xâm phương Nam ở Rạch Gầm Xoài Mút đầu năm 1785; nay tiếp tục phá tan giặc ngoại xâm phương Bắc ở Ngọc Hồi, Đống Đa tết Kỷ Dậu 1789.
Vì thế, dấu ấn của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ – Quang Trung in đậm trong ký ức của người dân từ cuối thế kỷ XVIII trở đi cũng là một tất yếu.
Từ nửa cuối thế kỷ XIX có giặc ngoại xâm phương Tây, cả dân tộc kiên cường chống xâm lược, nhưng không có ngọn cờ yêu nước nào đủ sức đánh giặc giữ nước độc lập tự chủ như Nguyễn Huệ – Quang Trung, khiến cho đất nước trở thành thuộc địa, dân bị vong quốc nô. Khi chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra, phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, dân ta một cổ hai tròng nô lệ… Đó là nỗi nhục của người dân thuộc địa. Vì thế việc hoài niệm về Nguyễn Huệ – Quang Trung và lấy đó làm dấu ấn cho lịch sử văn hóa dân tộc cũng là có cơ sở cụ thể và thiết thực.
Lại thấy đầu năm 1942, khi viết Lịch sử nước ta,lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từng mô tả bằng thơ lục bát:
“Nguyễn Huệ là kẻ phi thường,
Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu,
Ông đà chí cả mưu cao
Dân ta lại biết cùng nhau một lòng.”
Như vậy, Đề cương về văn hóa Việt Namchọn một nhân vật lịch sử trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc làm mốc phân kỳ, rõ ràng là cần thiết, gần gũi với hàng chục triệu người dân thuộc địa đang rên xiết dưới ách thực dân phát xít ngoại bang, rất đồng bộ với Kinh cáo đồng bàocủa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc “Trước tình cảnh đau đớn, xót xa ấy, ta có chịu khoanh tay chờ chết không? Không, quyết không! Hơn 20 triệu con Lạc cháu Hồng quyết không chịu làm vong quốc nô lệ mãi!”; cũng đồng bộ với Chương trình Việt Minhđang kêu gọi “Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.
Dường như văn hóa Việt Nam đến đây hiếm ai lấy một nhân vật lịch sử như Nguyễn Huệ – Quang Trung làm mốc phân kỳ “Các giai đoạn trong lịch sử văn hoá Việt Nam”. Nhưng với cách phân chia đặt ra tiền lệ ấy, Đề cươngđã xác định rõ ràng: “Thời kỳ Quang Trung trở về trước” là những thế kỷ tính từ đó ngược về các triều đại phong kiến độc lập tự chủ (Lý, Trần, Hồ, Lê Sơ…), gồm cả một số vương triều, tập đoàn vua, chúa phong kiến trước và sau các thế kỷ ấy, tính chung khoảng 600-700 năm. Còn “Thời kỳ từ Quang Trung đến khi đế quốc Pháp xâm chiếm” là từ 1788-1858 tròn 70 năm; “Thời kỳ từ Pháp sang xâm chiếm đến nay (1943)” tính ra cũng hơn 80 năm. Qua đó, Đề cươngđã phác họa hai việc lớn có ý nghĩa phương pháp luận:
– Một là, cần và có thể phải lấy lịch sử và truyền thống dân tộc làm nền tảng cho nhìn nhận đánh giá quá trình phát triển lịch sử văn hóa một quốc gia dân tộc;
– Hai là, xác định đặc điểm, tính chất của văn hóa của mỗi thời kỳ lịch sử, từ đó cần và nhất thiết phải xác định đúng nguy cơ của “xu trào” văn hóa đương đại.
Đề cươngxác định rõ, văn hoá Việt Nam trước thời Quang Trung có “tính chất nửa phong kiến, nửa nô lệ, phụ thuộc vào văn hoá Trung Quốc”; văn hóa Việt Nam từ thời Quang Trung đến nửa cuối thế kỷ XIX là “văn hoá phong kiến” nhưng đã có “xu hướng tiểu tư sản”; đặc biệt là từ nửa cuối thế kỷ XIX đến khi chủ nghĩa thực dân phát xít cấu kết xâm chiếm, văn hoá Việt Nam “nửa phong kiến, nửa tư sản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa”.
Việc định danh đặc điểm, tính chất văn hóa Việt Nam mỗi thời kỳ với đặc điểm, bản chất như vậy, không những là một cách nhìn nhận đánh giá khái quát rất mới, khác lạ với hiện thực suy thoái, suy đồi, tiêu cực trong đời sống văn hóa xã hội thuộc địa, mà còn là cách cảnh báo, nhắc nhở bản chất của văn hoá Việt Nam đương thời “về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiền tư bản”. Đặc biệt, Đề cươngxác định “ảnh hưởng của văn hoá phát xít” có nguy cơ “làm cho tính chất phong kiến, nô dịch trong văn hoá Việt Nam mạnh lên”, mặc dù trong thực tế “ảnh hưởng của văn hoá tân dân chủ, xu trào văn hoá mới của Việt Nam đang cố vượt hết mọi trở lực để nảy nở”.
Đề cương về văn hóa Việt Namđược coi như một Chính cương về văn hóa dân tộctrong thời kỳ chống nguy cơ dưới ách thống trị của phát xít Pháp – Nhật. Điều đó không phải để hiển ngôn “đao to búa lớn” những vấn đề trọng đại về văn hóa một quốc gia dân tộc. Vào lúc (như Nghị quyết Hội nghị Võng La tháng 2/1943 đã ghi): “ cần phải phái cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hoá, đặng gây ra một phong trào văn hoá tiến bộ, văn hoá cứu quốc chống lại văn hoá phát xít thụt lùi”; thiết nghĩ, Đề cươngđã kịp thời tập hợp đội ngũ những người đang trên “Mặt trận văn hóa” mau tề tựu dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng cộng sản, trang bị cho họ những nội dung công cụ, phương pháp và nguyên tắc vận động để hoạt động “đưa văn hoá Việt Nam tới trình độ dân chủ và có tính chất dân tộc hoàn toàn độc lập dựng nên một nền văn hoá mới”.
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()