Hiểu thêm về danh tác văn học cổ điển Việt Nam
GS, TS Lưu Chí Cường, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ Văn hóa phương Đông, Trường Đại học Ngoại ngữ Ngoại mậu Quảng Đông (Trung Quốc) là nhà Việt Nam học uy tín.
Công trình đáng chú ý của ông gần đây là chuyên khảo “Nghiên cứu danh tác văn học cổ điển Việt Nam” (Thương vụ ấn thư quán xuất bản, Bắc Kinh, Trung Quốc, 2018). Năm 2021, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã xuất bản công trình này do PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn tổ chức bản thảo, với sự cộng tác dịch thuật sang tiếng Việt của nhiều chuyên gia tên tuổi.
Đọc công trình “Nghiên cứu danh tác văn học cổ điển Việt Nam” của tác giả thấy nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn. Trước hết là một cách nhìn ân tình, khách quan, trọng thị văn học truyền thống Việt Nam, đặc biệt ở các mối quan hệ văn hóa-văn học thường dễ có những cách đánh giá, nhận định cảm tính, chủ quan.
Bìa cuốn sách. |
Công trình có dung lượng gần 400 trang. Ngoài các phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, chuyên khảo gồm 6 phần chính. Tác giả tập trung nghiên cứu bối cảnh văn hóa, bối cảnh lịch sử ra đời các danh tác văn học cổ điển Việt Nam; lý giải hiện trạng, điều kiện sự ra đời các danh tác văn học cổ điển Việt Nam gắn với quá trình hưng khởi văn học chữ Nôm, truyện thơ Nôm và hình thức ngôn ngữ nghệ thuật phong phú của các danh tác văn học cổ điển Việt Nam; xác định sự phát triển danh tác văn học cổ điển Việt Nam và tập trung nghiên cứu “Truyện Hoa tiên”, “Cung oán ngâm khúc”, “Chinh phụ ngâm”, “Lục Vân Tiên”… Như vậy, chỉ nhìn qua cấu trúc cũng có thể thấy được đối tượng, diện mạo, phạm vi và cách thức tiếp cận của người viết, vừa có diện vừa có điểm, vừa có hệ quy chiếu đồng đại vừa có lịch đại, vừa có nhận diện đặc điểm vừa xác định giá trị.
Trên phương diện tư liệu, tác giả phát huy thế mạnh, vừa hệ thống hóa, dẫn giải, đánh giá tình hình lưu trữ, dịch thuật văn học cổ Việt Nam, vừa đi sâu khai thác, khảo sát các tác phẩm nguồn, dẫn liệu cho tác phẩm văn học Việt. Có thể thấy rõ nét hai cấp độ quan hệ: Xác định tính tương đồng, ảnh hưởng chung về hệ thống đề tài, kiểu nhân vật, ngữ liệu và sự tiếp thụ trực tiếp, toàn diện cốt truyện. Chẳng hạn, khi nghiên cứu thi phẩm “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều, tác giả nhấn mạnh 4 đặc điểm nghệ thuật nổi bật: “Một là, dùng chữ Nôm để sáng tác; hai là, sử dụng thể thơ dân tộc Việt Nam “song thất lục bát” để sáng tác; ba là, trong khúc ngâm cung oán này, tác giả đã thành công trong việc kết hợp các yếu tố của văn hóa Trung Quốc với điển cố, tục ngữ Việt Nam trong quá trình sáng tác; bốn là, “Cung oán ngâm khúc” đã phản ánh một cách khéo léo một số tư tưởng của Phật giáo và Đạo giáo”. Nhận thức vấn đề tương đồng bối cảnh văn hóa Việt-Trung ở “Cung oán ngâm khúc”, GS, TS Lưu Chí Cường đã khách quan giới thiệu, khảo sát, so sánh văn bản và nêu kiến giải khác với một số học giả và kết luận: “Trong quá trình nghiên cứu văn học Việt Nam cổ điển, không nhất thiết lúc nào cũng phải đeo một “cặp kính màu”. “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều bao hàm khá nhiều yếu tố văn hóa Trung Quốc, nhưng xét đến cùng là một sáng tác mới, không hề chủ đích mô phỏng từ một tác phẩm cụ thể nào của văn học Trung Quốc”.
Chỉ cần dẫn giải một ví dụ kể trên có thể thấy, tác giả có hiểu biết rất sâu sắc, khách quan, khoa học, xứng đáng là một trong những học giả tiên phong trong việc nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam trong giới học giả quốc tế.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/sach/hieu-them-ve-danh-tac-van-hoc-co-dien-viet-nam-751261
Ý kiến ()