Hiệu quả vốn vay ưu đãi
LSO-Từ nguồn vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng, người dân huyện Đình Lập đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Người dân xã Đình Lập ươm cây thông giống từ nguồn vốn vay ưu đãi |
Vốn là huyện khó khăn của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo cao, hoạt động sản xuất chính của người dân Đình Lập là nông, lâm nghiệp. Chính vì vậy, những năm gần đây, huyện Đình Lập luôn tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là hộ nghèo tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để đầu tư phát triển sản xuất.
Ông Bùi Sỹ Ba, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho biết: Năm 2017, ngân hàng cung cấp vốn vay ưu đãi lãi suất cho 988 hộ dân với tổng số 42 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 2/2018, tổng dư nợ cho vay của ngân hàng là 166 tỷ đồng, trong đó, riêng cho vay hộ nghèo đạt 80 tỷ đồng và cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh đạt 25 tỷ đồng. Vốn vay chủ yếu được người dân dùng để phát triển đồi rừng và trồng cây công nghiệp – vốn là thế mạnh của huyện.
Vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả. Điển hình như chị Nguyễn Thị Vinh, khu 2, thị trấn Nông trường Thái Bình là hộ nghèo, từ năm 2008, gia đình chị được vay 7 triệu đồng của ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư trồng chè. Sau 2 năm, gia đình đã thoát nghèo. Từ đó đến nay diện tích chè của gia đình luôn được mở rộng, thu nhập từ chè đạt trung bình 50 triệu đồng/năm.
Chị Vinh cho biết: Gia đình tôi luôn chấp hành trả lãi vay đầy đủ theo tháng, nộp tiền gửi tiết kiệm theo đúng quy ước của tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhờ thế vừa qua, gia đình tiếp tục được ngân hàng cho vay 50 triệu đồng để mở rộng diện tích cây chè và đầu tư trồng mới rừng keo. Gia đình tôi đã dùng toàn bộ vốn để đầu tư theo đúng cam kết, hiện nay, cây chè đang cho nguồn thu ổn định nên tôi rất yên tâm về việc trả lãi vay và gửi tiết kiệm.
Kể từ năm 2003, khi có nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội, đến nay, huyện Đình Lập đã có hơn 4.000 hộ thoát nghèo, 4.700 hộ tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, đặc biệt nhiều hộ còn mở rộng quy mô kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm cho lao động địa phương. Điển hình như gia đình ông Vi Văn Hoàng, thôn Pàn Mò, xã Bính Xá, với 150 triệu đồng vốn vay hỗ trợ sản xuất, gia đình đầu tư mở rộng cơ sở chế biến lâm sản, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ với mức thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Vi Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đình Lập cho biết: Hằng năm, huyện luôn chỉ đạo các xã rà soát, đánh giá số lượng hộ nghèo trên địa bàn, từ đó cử cán bộ theo dõi và hướng dẫn người dân mạnh dạn vay vốn chính sách để xây dựng mô hình kinh tế, phát triển sản xuất. Đồng thời, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thường xuyên phối hợp với UBND các xã giám sát, kiểm tra các tổ tiết kiệm và vay vốn, yêu cầu các tổ chủ động hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Ngoài nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, những năm gần đây, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng phát huy hiệu quả cao, nhất là nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất để trồng rừng và cây ăn quả. Từ năm 2017 đến nay, ngân hàng đã cung ứng hơn 50 tỷ đồng vốn vay trồng rừng cho người dân, nâng tổng số vốn cung ứng trên địa bàn lên hơn 200 tỷ đồng. Với hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Đình Lập còn 29,6%, giảm 6,5% so với cuối năm 2016. Đời sống người dân ngày một đổi thay, diện mạo nông thôn đang từng ngày đổi mới.
ANH DŨNG
Ý kiến ()