Hiệu quả Văn phòng Điều phối cấp huyện
Đồng chí Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kiểm tra mô hình trồng cây ăn quả tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng |
Một trong những khó khăn được Ban chỉ đạo tỉnh chỉ ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới là năng lực, trình độ và trách nhiệm của cán bộ cấp huyện. Trong các cuộc kiểm tra xây dựng nông thôn mới, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh đã thẳng thắn: ở cấp xã, cán bộ hằng ngày tiếp xúc, làm việc về nông thôn mới, bởi vậy năng lực, nhận thức về nông thôn mới của đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng lên; nhưng ở cấp huyện nhận thức rất lơ mơ, bởi vậy nên quá trình kiểm tra, đôn đốc, thông tin, báo cáo cũng có lúc chưa kịp thời. Ngay từ những năm đầu triển khai, Ban chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo các huyện bố trí một cán bộ chuyên trách về xây dựng nông thôn mới, cán bộ này của cơ quan thường trực là phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tiếng là chuyên trách, nhưng thực tế các cán bộ này vẫn phải kiêm thêm nhiều việc của phòng và vẫn có một số cán bộ chuyên trách mới tiếp cận với nông thôn mới, bởi vậy nhận thức còn hạn chế. Giúp việc cho ban chỉ đạo cấp huyện lúc này cơ bản vẫn là phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn; cơ quan thường trực lại dựa chủ yếu vào cán bộ chuyên trách. Chính vì vậy mà công tác tham mưu ở cấp huyện còn nhiều hạn chế, lúng túng. Ông Hoàng Quy, Phó Chủ tịch UBND, Phó Ban chỉ đạo, kiêm Chánh văn phòng điều phối huyện Cao Lộc cho biết: ngay khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, Cao Lộc đã triển khai Quyết định số 1996 của Thủ tướng Chính phủ, kiện toàn Văn phòng Điều phối cấp huyện. Nếu như trước đây, cấp huyện chỉ có một cán bộ chuyên trách, thì giờ đây giúp việc Ban chỉ đạo đã có hẳn một văn phòng với cơ cấu một chánh văn phòng, hai phó chánh văn phòng và 31 cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm ở các phòng ban hữu quan, các xã trên địa bàn. Với cơ cấu tổ chức trên, hoạt động của Ban chỉ đạo hiệu quả hơn rất nhiều. Văn phòng đã thể hiện được rõ vai trò điều phối và có thể tham mưu, giải quyết các vướng mắc từ cơ sở kịp thời hơn trước. Hiện nay, Văn phòng đã tham mưu cho Ban chỉ đạo huyện kế hoạch, phân bổ vốn, huy động nguồn lực, vận động tuyên truyền, lồng ghép các chương trình dự án… quyết tâm hoàn thành kế hoạch 2015.
Không chỉ riêng Cao Lộc, hiện nay tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập, kiện toàn văn phòng điều phối cấp huyện theo đúng Quyết định 1996 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: tuy mới thành lập và đi vào hoạt động, nhưng hiệu quả từ văn phòng điều phối cấp huyện đã thấy rõ. Điển hình như chế độ thông tin, báo cáo cho Văn phòng Điều phối tỉnh đã kịp thời, đầy đủ. Khi muốn nắm thông tin đột xuất thì văn phòng cấp huyện cũng đáp ứng được ngay. Đó là cơ sở quan trọng để Văn phòng Điều phối cấp tỉnh tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh các kế hoạch, chỉ đạo kịp thời và hiệu quả hơn. Hoạt động hiệu quả của văn phòng cấp huyện đã tạo sự kết nối thông suốt từ tỉnh đến cơ sở. Ông Hoàng Đăng Phù, Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia chia sẻ: trước đây, gặp khó khăn, vương mắc, xã thường xuyên phải “vượt cấp” xin tư vấn từ Văn phòng Điều phối cấp tỉnh, thậm chí là Ban chỉ đạo tỉnh, thì giờ đây với tổ chức bộ máy của văn phòng cấp huyện hoàn toàn có thể giải quyết kịp thời các vấn đề của xã.
Việc thành lập và phát huy được vai trò của văn phòng điều phối cấp huyện sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đã đề ra trong năm.
Ý kiến ()