Hiệu quả vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính
LSO-Tính đến ngày 20/8/2017, toàn tỉnh đã thực hiện cập nhật dữ liệu địa chính được 100 xã thuộc 10 huyện, đưa vào vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu địa chính của 3 huyện: Lộc Bình, Đình Lập, Bắc Sơn. Qua đó, đã và đang đem lại kết quả tích cực trong quản lý hồ sơ địa chính, đất đai.
Cán bộ công nghệ thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường tích hợp dữ liệu địa chính tại máy chủ |
Bà Nông Thị Nguyệt, cán bộ địa chính xã Hữu Khánh (Lộc Bình) cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay, tôi đã vận hành, khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính trên máy tính. Qua đó, những biến động đất đai, nhà ở, tài sản phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng đất trên địa bàn xã như: chia tách thửa, thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng, thừa kế được tra cứu nhanh chóng…
Lộc Bình là huyện áp dụng vận hành, khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính đầu tiên của tỉnh (từ tháng 1/2017). Đến nay, toàn huyện đã đưa vào vận hành, khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính tại 27/29 xã (còn 2 thị trấn là Lộc Bình, Na Dương đang tiếp tục được hoàn thiện để đưa vào vận hành trong thời gian tới). Bà Trần Thị Hồng Chuyên, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lộc Bình cho biết: Trước đây, khi chưa áp dụng hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính, những hồ sơ dữ liệu thửa đất như: sổ địa chính, sổ mục kê đất đai, bản đồ thửa đất, thông tin về chủ sở hữu… được thực hiện trên sổ sách. Từ đầu năm 2017 đến nay, sau khi vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu địa chính trên máy tính, cán bộ văn phòng chỉ cần nhấp chuột máy tính vào phần cần tra cứu là biết ngay thông tin về thửa đất, không cần phải tra cứu tìm trên sổ như trước đây. Đồng thời, người quản lý có thể xem qua hệ thống, nắm bắt được tiến độ và quá trình cập nhật thông tin về đất đai có đầy đủ hay không.
Thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính, việc tra cứu thông tin đất đai dễ dàng, nhanh chóng, thuận lợi, cán bộ văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh, huyện có thể cập nhật đồng thời, cùng một lúc tất cả những kết quả đăng ký lần đầu cũng như những biến động đất đai, nhà ở, tài sản phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng đất tại địa phương như: chia tách thửa, thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Nhờ vậy, giảm được rất nhiều thời gian, nhân lực cho việc chỉnh lý bản đồ, hồ sơ, sổ địa chính ở các cấp. Cơ sở dữ liệu địa chính cập nhật thường xuyên, đầy đủ và tại mọi thời điểm luôn phản ánh thông tin mới nhất của các thửa đất.
Sau khi đưa vào vận hành, khai thác trên hệ thống của 3 huyện: Lộc Bình, Đình Lập, Bắc Sơn đã cập nhật mới được 291 hồ sơ của 1.280 thửa đất; chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính 246 hồ sơ của 1.246 thửa đất.
Bà Lương Thị Thủy, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết: Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính, đất đai góp phần công khai, minh bạch hoá quy trình xử lý hồ sơ thủ tục đất đai theo mô hình một cửa; giảm thời gian tập hợp số liệu; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xử lý, khai thác dữ liệu đất đai; cung cấp thông tin làm cơ sở để hoạch định và thực hiện chính sách. Đặc biệt sẽ tiết kiệm kinh phí không nhỏ để thực hiện các chương trình thống kê định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của các đơn vị chức năng. Theo kế hoạch, đến hết năm 2020, sở sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai trong toàn tỉnh.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()