Hiệu quả và những vấn đề cần giải quyết
LSO-Sau hơn 2 năm hoạt động, chương trình methadone đã khẳng định hiệu quả xã hội to lớn của nó. Song để tạo sự thuận tiện cho người bệnh, ngành y tế còn rất nhiều việc phải làm.
Cơ sở điều trị Methadone huyện Cao Lộc cấp thuốc cho bệnh nhân |
Khẳng định và mở rộng
Đợt “khởi liều” đầu tiên ngày 5/8/2014 tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS với 15 bệnh nhân, chương trình methadone Lạng Sơn đã thu hút sự quan tâm của những người nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện trên địa bàn tỉnh. Để chống “quá tải” tại cơ sở trung tâm, ngành y tế đã chỉ đạo Trung tâm phòng chống HIV/AIDS triển khai nhanh các cơ sở điều trị tại các huyện. Với sự nỗ lực cao của ngành, nhất là đội ngũ cán bộ nhân viên Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, năm 2015, các cơ sở điều trị tại Bắc Sơn, Văn Lãng và Tràng Định đi vào hoạt động. Đến cuối tháng 10/2016, lũy tích toàn tỉnh đã có trên 1.000 bệnh nhân methadone, trong đó có trên 850 người đang điều trị ổn định.
Phát huy kết quả đạt được, để đáp ứng sự mong mỏi của người dân, năm 2016, ngành y tế tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Y tế 2 huyện Lộc Bình, Hữu Lũng xúc tiến xây dựng cơ sở methadone. Với kinh nghiệm đã có và quyết tâm cao, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Lạng Sơn đã giúp đỡ Lộc Bình và Hữu Lũng về phương án xây dựng cơ sở, trang bị cơ sở vật chất cũng như gửi người đi đào tạo chuyên môn. Hiện nay, ngành y tế đang trình UBND tỉnh ra quyết định bổ sung thêm nhiệm vụ, chức năng và thành lập Khoa Methadone tại 2 trung tâm này. Với tiến độ nhanh, dự báo đến cuối tháng 11/2016, cơ sở tại Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình sẽ được đưa vào sử dụng và đến cuối năm nay, Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng sẽ thực hiện “khởi liều”. Như vậy, đến cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh sẽ có 6 cơ sở điều trị methadone với công suất từ 1.600-1.800 bệnh nhân.
Cần có thêm cơ sở cấp phát thuốc
Để giảm tải cho cơ sở điều trị tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, năm 2015, ngành y tế đã thành lập và đưa vào hoạt động 2 cơ sở cấp phát thuốc tại thị trấn Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn. Hai cơ sở này đã thu hút trên 100 bệnh nhân đến điều trị duy trì.
Tuy nhiên, tại cấp huyện, do chưa có cơ sở cấp phát thuốc nên đã có tình trạng bệnh nhân bỏ trị do đường sá xa xôi. Anh Nguyễn Văn Q. ở Ngả Hai (Vũ Lễ- Bắc Sơn) nói với chúng tôi: Suốt hơn 1 năm nay, ngày nào cũng vậy, em và 6 bạn khác phải dậy sớm đón xe khách Thái Nguyên – Bắc Sơn để đi uống thuốc; uống xong lại đón xe về. Mỗi lượt đi về như vậy, nhà xe lấy 25 ngàn. Tiền không có, nhiều khi chúng em phải nợ tiền vé xe. Không chỉ chúng em ở đây, còn nhiều bạn ở các xã như: Tân Thành, Nhất Hòa, Nhất Tiến, Chiến Thắng, Vũ Sơn, Tân Tri, Trấn Yên… việc đi lại rất cực. Nếu có điểm cấp phát thuốc tại Ngả Hai và Hưng Vũ thì tốt quá.
Anh Nông Văn T. ở xã Tân Thanh (Văn Lãng) chia sẻ: Được nhận vào điều trị, chúng em thấy rất phấn khởi. Tuy nhiên do đường sá xa xôi, lại thường xuyên bị tắc nghẽn giao thông nên chúng em mất rất nhiều thời gian cho việc đi đến trung tâm huyện để uống thuốc.
Nắm được thực trạng và tâm tư của người bệnh, thạc sĩ Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS cho biết: Do nguồn lực về con người và điều kiện cơ sở vật chất, trong đó có các thiết bị cấp phát thuốc còn hạn chế nên chưa thể triển khai được. Trước mắt, cần phải xây dựng và thành lập thêm các cơ sở điều trị tại các huyện. Sau khi “phủ” khắp các huyện, trung tâm mới dám nghĩ đến thành lập các cơ sở cấp phát thuốc xã và cụm xã.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xu hướng chung hiện nay là đưa điều trị kháng vi rút ARV, đưa methadone về cấp xã hoặc cụm xã. Với thực tế số người nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện và người bị nhiễm HIV phân bố không đều giữa các huyện thì không nhất thiết phải xây dựng mỗi huyện 1 cơ sở điều trị methadone, mà nên chăng cần xây dựng cơ sở cấp phát thuốc methadone và ARV. Theo phương châm “cơ sở y tế gần dân” và tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận kỹ thuật tốt nhất, thăm khám đầy đủ nhất, trước mắt, chúng ta cần có thêm các cơ sở cấp phát thuốc methadone và ARV tại các phòng khám đa khoa khu vực.
MINH HỒNG
Ý kiến ()