Hiệu quả ứng dụng các đề tài, dự án khoa học và công nghệ
Trong giai đoạn vừa qua, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh là động lực then chốt để phát triển bền vững cho các khối ngành sản xuất của ngành Công Thương. Các hoạt động khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được áp dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh của ngành, góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá trong chế tạo thiết bị, giảm nhập siêu, nâng cao năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cho ngành. Các thành tựu đó đã được ghi nhận bằng các giải thưởng cao quý về khoa học và công nghệ như: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước, Giải thưởng VIFOTEC.
Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ theo định hướng ứng dụng vào sản xuất, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp phối hợp triển khai và sử dụng hiệu quả kinh phí từ nguồn khoa học và công nghệ cấp Bộ, các chương trình, đề án quốc gia Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chủ trì, kinh phí từ quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp. Điều này, một mặt góp phần tăng cường năng lực cho các tổ chức khoa học và công nghệ của Bộ trong việc cung cấp các dịch vụ, công nghệ cho các doanh nghiệp trong ngành, đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào trong hoạt động sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Để đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp đã chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ, đưa những công nghệ hiện đại vào trong quá trình sản xuất. Thực trạng ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh khá đa dạng ở các ngành, lĩnh vực khác nhau. Tại một số Tập đoàn, Tổng Công ty, một số ngành như điện lực, dầu khí, bia – rượu – nước giải khát… có mức độ ứng dụng công nghệ tiên tiến ở mức cao, nhiều công nghệ từ cuộc CMCN 4.0 đã được ứng dụng, triển khai.
Cụ thể, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã ứng dụng một số phần mềm đem lại hiệu quả cao như: Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), hoàn thành triển khai đến đơn vị cấp 3, đang triển khai đến đơn vị cấp 4; hệ thống quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản, hệ thống quản lý đấu thầu; hệ thống quản lý khách hàng CMIS, hệ thống quản lý kỹ thuật và vận hành nhà máy điện đã được triển khai ở các nhà máy điện, các Tổng công ty phát điện …
Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong hoạt động sản xuất, Tập đoàn TKV đã xây dựng và triển khai Chương trình hành động đẩy mạnh ứng dụng tự động hóa vào sản xuất quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh với trọng tâm là thực hiện một số dự án tiêu biểu trong từng lĩnh vực theo hướng chuyển giao công nghệ, nhập khẩu các hệ thống, các thiết bị kĩ thuật hiện đại đi cùng với nghiên cứu chế tạo, nội địa hóa các sản phẩm thiết bị phù hợp với điều kiện môi trường làm việc của ngành than…
Nhiều địa phương cũng nhân rộng việc ứng dụng các đề tài, dự án khoa học và công nghệ vào trong sản xuất. Với định hướng gắn nghiên cứu với thực tiễn, từ năm 2008 đến nay, tỉnh Hà Namđã triển khai thành công gần 100 đề tài, dự án khoa học và công nghệ; nhiều dự án đã ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thiết thực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực, hiệu quả. Kết quả các đề tài, dự án đã có 76 quy trình kỹ thuật mới được chuyển giao; nhiều giống cây trồng hiệu quả cao đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất của tỉnh, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất mới; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi tiên tiến cho nhiều cán bộ chuyên môn…
Được biết, trong giai đoạn 2010 – 2018, trên địa bàn tỉnh Bắc Giangđã triển khai 150 đề tài, dự án khoa học và công nghệ với tổng nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng. Trong đó: 30 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia; 120 đề tài dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh; 103 đề tài, dự án khoa học và công nghệ lĩnh vực nông nghiệp, khoa học kỹ thuật… Các đề tài, dự án, tập trung nghiên cứu ứng dụng ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất và đời sống, huy động được sự tham gia nghiên cứu của nhiều ngành, nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có sự tăng cường liên kết với các trường đại học, các viện và cơ quan nghiên cứu ở Trung ương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các doanh nghiệp để chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào địa bàn tỉnh. Nhiều đề tài, dự án có hiệu quả được ứng dụng, nhân rộng đã và đang ứng dụng có hiệu quả, đóng góp tích cực cho công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ đã được phát triển thành dự án cấp quốc gia. Điển hình là dự án: “Xây dựng mô hình trồng nghệ theo hướng GACP và phát triển vùng nguyên liệu cho sản xuất để chiết xuất curcumin từ củ nghệ làm thực phẩm chức năng và một số sản phẩm có giá trị cao từ cây nghệ tại Bắc Giang”…. Thành công của các đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp nhà nước ở Bắc Giang đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát huy các thế mạnh của địa phương, tạo ra sản phẩm hàng hoá có hàm lượng khoa học và công nghệ cao. Các kết quả nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp các luận cứ khoa học để đề ra các chủ trương, chính sách sát với điều kiện của các địa phương nhất là các chương trình, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, chính sách xóa đói, giảm nghèo; đưa Bắc Giang phát triển nhanh, bền vững trong công cuộc đổi mới và hội nhập.
Từ năm 2006, UBND tỉnh Quảng Trịcũng ban hành các chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân ứng dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực. Trong giai đoạn 2006- 2016, tổng số các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được UBND tỉnh phê duyệt đã triển khai 113 đề tài, dự án; trong đó có 45 nhiệm vụ khoa học và công nghệ trực tiếp, gián tiếp phục vụ phát triển thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 40%. Sở khoa học và công nghệ đã hỗ trợ 68 mô hình, dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, trong đó đã hỗ trợ 20 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất- kinh doanh hơn 3 tỷ đồng; hỗ trợ các ngành, địa phương 5 tỷ đồng thực hiện 45 mô hình, dự án. Các kết quả đạt được đã góp phần nâng cao trình độ công nghệ, tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất; thúc đẩy việc gia tăng hàm lượng khoa học và công nghệ trong các sản phẩm chủ lực của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong hội nhập quốc tế.
Giai đoạn 2017- 2025, tỉnh Quảng Trị cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh nhằm tiếp tục góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc đưa các tiến bộ khoa học và công nghệ, mô hình, dự án ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp vào triển khai ứng dụng, nhân rộng để phục vụ sản xuất và đời sống. Chính sách hỗ trợ việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cao để tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng và nâng cao hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh; từng bước tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo; làm cho khoa học và công nghệ là động lực quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước, tạo ngành nghề mới, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sự nghiệp phát triển KT-XH và bảo vệ môi trường.
Ý kiến ()