Hiệu quả từ xử lý nợ xấu
LSO-Thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm, giai đoạn 2011-2015, ngành ngân hàng tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong giải quyết nợ xấu. Đến nay, tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn và hiệu quả, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 chi nhánh tổ chức tín dụng, trong đó có 9 ngân hàng thương mại và 2 ngân hàng chính sách. Không có trụ sở chính của các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần cũng như quỹ tín dụng nhân dân. Vì vậy, việc tái cơ cấu ngân hàng không phát sinh nội dung sáp nhập, hợp nhất, mua bán tổ chức tín dụng. Trên cơ sở phân loại của các ngân hàng, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện các giải pháp cơ cấu lại tài chính, hoạt động, quản trị, trong đó, tập trung các giải pháp xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng. Bà Trương Thu Hoà, Trưởng Phòng nghiên cứu tổng hợp và kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Công tác xử lý nợ xấu căn cứ vào Quyết định số 843/QĐ-TTg, ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu và Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 5/9/2013 của UBND tỉnh về triển khai Đề án xử lý nợ xấu trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đề án đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các ngân hàng trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện nội dung các giải pháp xử lý nợ xấu, phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng. Cụ thể, các chi nhánh ngân hàng đã luôn chủ động bám nắm tình hình hoạt động của khách hàng, vừa hỗ trợ, vừa đánh giá chất lượng tín dụng và khả năng thu hồi các khoản nợ, sử dụng biện pháp xử lý nợ phù hợp, kịp thời. Cùng với đó là thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, miễn hoặc giảm lãi tiền vay phù hợp với mặt bằng lãi suất chung, với mục tiêu hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay lãi suất thấp để ổn định sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện quyết liệt các giải pháp trên, trong năm 2014, các ngân hàng đã xử lý nợ xấu với tổng số tiền là 585,1 tỷ đồng. Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro 20,3 tỷ đồng, đôn đốc khách hàng trả nợ vay 85,8 tỷ đồng, xóa nợ 0,434 tỷ đồng và cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng 438,1 tỷ đồng. Các quy định về trần lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay được chấp hành nghiêm túc, cơ cấu dư nợ với lãi suất thấp từ 13%/năm trở xuống chiếm 79,1% tổng dư nợ. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất các khoản vay cũ đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh như: Nhà máy Xi măng Đồng Bành, Nhà máy Xi măng Lạng Sơn, Công ty TNHH Hưng Thịnh… Từ nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường và áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu phù hợp, tình hình nợ xấu trên địa bàn giảm đáng kể, nợ xấu giảm chỉ còn chiếm 2,8% tổng dư nợ, giảm 45% so với năm 2013.
Hiệu quả giải quyết nợ xấu đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay, công tác xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn như tăng trưởng tín dụng còn thấp, thu hồi nợ vay khó, nguy cơ nợ xấu mới phát sinh… Vì vậy, trong năm 2015, ngành ngân hàng tỉnh tiếp tục quán triệt các biện pháp xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường. Qua đó, không ngừng phấn đấu tăng trưởng dư nợ, nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
LÂM NHƯ
Ý kiến ()