Hiệu quả từ việc tự làm trang thiết bị dạy nghề
– Tự làm thiết bị đào tạo phục vụ công tác giáo dục nghề nghiệp đã được các đơn vị giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai trong những năm học gần đây. Qua đó, nhiều thiết bị hữu ích đã ra đời, hỗ trợ đắc lực cho công tác đào tạo.
Trong đào tạo nghề, tỷ lệ thực hành chiếm khoảng 70% thời gian đào tạo, đòi hỏi tính trực quan, sát với thực tiễn cao, người học phải thực hành để hình thành kỹ năng nghề. Do đó, thiết bị đào tạo chính là phương tiện giúp người dạy truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho người học và giúp người học hình thành kỹ năng nghề. Hơn nữa nhu cầu đào tạo nghề của học sinh, sinh viên tăng qua từng năm trong khi ngân sách Nhà nước, các cơ sở đào tạo có hạn chưa thể bổ sung, thay thế kịp thời các thiết bị phục vụ việc giảng dạy… nên việc nghiên cứu, sáng tạo làm thiết bị phục vụ cho việc đào tạo là việc làm cần thiết và thường xuyên.
Các giáo viên đang giới thiệu mô hình, thiết bị tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh năm 2022
Những năm học vừa qua, 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng việc tự chế tạo, làm thiết bị phục vụ công tác đào tạo. Theo đó, trung bình mỗi năm, mỗi cơ sở đào tạo nghề cho ra đời từ 1 đến 5 mô hình, thiết bị đào tạo tự làm. Các thiết bị, mô hình có cấu tạo, thiết kế từ đơn giản đến ứng dụng kỹ thuật hiện đại, lập trình phức tạp vào giảng dạy, đem lại nhiều điểm ưu việt tập trung ở các nghề như: điện, điện tử, cắt gọt kim loại, công nghệ thông tin, công nghệ hàn, công nghệ ô tô, gia công thiết kế sản phẩm mộc, chăn nuôi thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật… Hầu hết các mô hình, thiết bị đều đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy, tạo ra sự hứng thú trong quá trình dạy và học của học sinh, sinh viên. Đặc biệt, hầu hết các thiết bị, mô hình tự làm có thể áp dụng cho nhiều hình thức giảng dạy học tập như lý thuyết, thực hành và tích hợp, có thể áp dụng cho trường học, cơ quan, công ty, doanh nghiệp…
Có mặt tại Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn vào những ngày trung tuần tháng 8. Được biết, nhà trường đang đào tạo 8 nghề trình độ cao đẳng, 12 nghề trình độ trung cấp, 15 nghề trình độ sơ cấp. Mặc dù thiết bị đào tạo tại trường được trang bị tương đối đầy đủ, tuy nhiên, do nhu cầu người học tăng nhanh, dẫn tới thiết bị đào tạo ở một số ngành nghề chưa đáp ứng kịp thời. Do vậy, để vừa giảm kinh phí đầu tư, vừa tăng nguồn thiết bị đào tạo, tăng kỹ năng nghề cho người học, mỗi năm học, trường cho ra đời từ 1 đến 3 mô hình, thiết bị tự làm để tăng cường cho việc giảng dạy. Thầy Lê Quang Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hầu hết các thiết bị tự làm đều sử dụng vật tư dễ tìm, kết hợp với sự sáng tạo của thầy, cô giáo trong việc ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình thiết kế, sản xuất thiết bị đào tạo. Nhờ việc bổ sung thiết bị đào tạo tự làm vào chương trình giảng dạy, giúp học sinh được thực hành và tiếp cận dần với những máy móc, mô hình hiện đại tiên tiến nên trong 3 năm học trở lại đây, tỉ lệ học sinh, sinh viên được đánh giá loại khá, giỏi đạt trên 45%, tỷ lệ thi tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp cuối năm học nhà trường luôn đạt trên 94%.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hoạt động tự làm thiết bị, mô hình đào tạo được các cơ quan chuyên môn và các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh triển khai thường xuyên. Trong 5 năm trở lại đây, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã lựa chọn nhiều thiết bị tham dự Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để dự thi toàn quốc. Đặc biệt năm nay, sở đã tổ chức Hội thi thiết bị đào tạo nghề cấp tỉnh nhằm khai thác sự sáng tạo của đội ngũ giáo viên dạy nghề, khuyến khích động viên giáo viên cùng nghiên cứu khoa học tạo ra các sản phẩm có giá trị ứng dụng thực tiễn. Hội thi đã nhận được 15 thiết bị, mô hình từ 36 tác giả là giáo viên của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Bà Hà Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Đối với các đơn vị giáo dục nghề nghiệp, các trang thiết bị dạy học là rất cần thiết và đòi hỏi những trang thiết bị này luôn cập nhật được tính mới, phù hợp với nhu cầu xã hội hiện hành. Hội thi đã góp phần nhân rộng những sáng kiến kinh nghiệm, mô hình thiết kế phù hợp, hiệu quả áp dụng trong hoạt động đào tạo. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục phát huy sự sáng tạo, đổi mới trong các thiết bị đào tạo dạy nghề, qua đó, đào tạo được đội ngũ công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sự đa dạng của thiết bị đào tạo tự làm đã và đang thực sự trở thành cầu nối giữa khoa học và đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thực tế, đây cũng là “sân chơi” trí tuệ cho giáo viên mà ở đó những thầy, cô giáo được thoả sức sáng tạo, đam mê, nhiệt huyết để cho ra đời những sản phẩm chất lượng, phù hợp với nội dung đào tạo…
Ý kiến ()