LSO-Trở lại Văn Lãng vào ngày đầu tháng 7, chúng tôi đã có buổi làm việc với cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện về công tác phục hồi và tái sinh rừng. Được biết, trong những năm gần đây Văn Lãng là huyện luôn đẩy mạnh phong trào trồng mới và tái sinh rừng tự nhiên; đặc biệt là thực hiện thành công dự án trồng rừng Việt – Đức, theo hiệp định tài chính và thỏa thuận riêng, Hiệp định được ký giữa Ngân hàng tái thiết Đức (KFW) và Chính phủ Việt Nam. Tham quan mô hình đồi rừng hộ gia đình ở xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng Nhấp chén trà mang đập hương vị núi rừng quê hương Văn Lãng, ông Hà Văn Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: toàn huyện hiện có 28.000ha rừng, trong đó 18.000ha rừng tự nhiên và 10.000ha rừng trồng. Những năm gần đây huyện giao đất, giao rừng cho hộ dân đạt trên 90% diện tích đất rừng trên tổng số đất quy hoạch cho sản xuất nông, lâm nghiệp là 48.500ha. Từ khi rừng được giao đến tay người dân đã có sự thay đổi rõ...
LSO-Trở lại Văn Lãng vào ngày đầu tháng 7, chúng tôi đã có buổi làm việc với cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện về công tác phục hồi và tái sinh rừng. Được biết, trong những năm gần đây Văn Lãng là huyện luôn đẩy mạnh phong trào trồng mới và tái sinh rừng tự nhiên; đặc biệt là thực hiện thành công dự án trồng rừng Việt – Đức, theo hiệp định tài chính và thỏa thuận riêng, Hiệp định được ký giữa Ngân hàng tái thiết Đức (KFW) và Chính phủ Việt Nam.
Tham quan mô hình đồi rừng hộ gia đình ở xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng
Nhấp chén trà mang đập hương vị núi rừng quê hương Văn Lãng, ông Hà Văn Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: toàn huyện hiện có 28.000ha rừng, trong đó 18.000ha rừng tự nhiên và 10.000ha rừng trồng. Những năm gần đây huyện giao đất, giao rừng cho hộ dân đạt trên 90% diện tích đất rừng trên tổng số đất quy hoạch cho sản xuất nông, lâm nghiệp là 48.500ha. Từ khi rừng được giao đến tay người dân đã có sự thay đổi rõ rệt. Ông nói: “ Phải giao cho dân, chỉ dân mới làm được và dân làm tốt lắm. Rừng phát triển rất nhanh, năm 1993 độ che phủ chỉ có 17% đến nay đã là 50% rồi”.Tính đến thời điểm hiện tại rừng đã được phục hồi trên 19 xã. Đây là sự cố gắng và niềm vui của những người tham gia công tác bảo vệ, quản lý và phát triển rừng. Với điều kiện tự nhiên phù hợp và để nâng cao độ che phủ của rừng, quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện điều kiện môi trường sinh thái, năm 2001 Văn Lãng là đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chọn để thực hiện dự án trồng rừng Việt – Đức. Dự án được thực hiện qua 2 giai đoạn, giai đoạn thứ nhất từ năm 2001 đến 2004 ( là dự án số 3 pha 1) được thực hiện ở 5 xã Thanh Long, Trùng Khánh, Thụy Hùng, Gia Miễn, Hội Hoan. Giai đoạn này, Hạt kiểm lâm huyện đã phối hợp cùng với chính quyền các xã vận động bà con nông dân tích cục tham gia trồng rừng.
Qua 4 năm triển khai thực hiện, kiểm tra tình hình thực tế cho thấy cây rừng phát triển tốt, diện tích rừng dự án đạt tiêu chuẩn gần 100%. Khẳng định hiệu quả, tiềm năng và triển vọng của dự án, nên đến năm 2006 huyện tiếp tục được Bộ NN&PTNT giao triển khai dự án giai đoạn 2 (số 3 pha 3) trên địa bàn 3 xã: Bắc La, Hội Hoan, Tân Tác, bao gồm 11 thôn với trên 900 hộ gia đình tham gia. Thời gian thực hiện dự án bắt đầu từ năm 2007 và dự kiến kết thúc vào năm 2013. Tổng số vốn đầu tư cho giai đoạn này là hơn 13 tỷ đồng chưa tính cây giống, với hình thức vốn đối ứng, nhà nước trả lương và đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho người dân thông qua ngân hàng. Giai đoạn này dự án số 3 pha 3 đã thiết lập được diện tích 1.494ha rừng trên tổng số mục tiêu là 1500ha, trong đó trồng mới khoảng 750ha chủ yếu là cây thông xen keo, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung và không trồng bổ sung khoảng 750ha. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở nên đến nay tổng diện tích rừng qua 2 giai đoạn thực hiện dự án đạt 5000ha trên địa bàn 7 xã, gồm 2000 hộ dân tham gia.
Để tạo điều kiện thuận lợi cũng như gắn trách nhiệm đối với người trồng rừng, hàng năm Ban chỉ đạo dự án thường xuyên phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện đi đến từng cơ sở kiểm tra, nắm tinh hình việc trồng và chăm sóc rừng, từ đó đưa ra những biện pháp nhằm hỗ trợ kịp thời, giúp người dân yên tâm gắn bó với rừng. Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện, cán bộ Ban quản lý dự án đã khắc phục khó khăn bám nắm địa bàn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho người dân. Thực tế diện tích rừng dự án tập trung tại vùng có địa hình đồi núi phức tạp, đường sá đi lại khó khăn, nhất là thời gian trong và sau trời mưa, là thời điểm thuận lợi cho hoạt động trồng rừng, nên việc chuẩn bị các điều kiện như cuốc hố, chủ động cây con giống luôn được cán bộ Ban quản lý dự án nói chung và Hạt kiểm lâm huyện đặc biệt quan tâm.
Chị Chu Huệ Quyên, cán bộ kỹ thuật kiểm tra địa bàn kiểm lâm huyện cho biết thêm: ban đầu còn có nhiều khó khăn nhưng rồi cán bộ phụ trách và các hộ dân tham gia dự án đã vượt qua tất cả. Điều đáng nói ở đây là nhận thức người dân về lợi ích của rừng ngày càng được nâng lên, họ quý rừng như vàng và hiểu được hiệu quả từ việc trồng rừng, nên ít xảy ra hiện tượng bán và khai thác rừng non. Đến nay, cây thông trong khu vực rừng dự án đang phát triển tốt và đã có đường kính thân cây từ 10cm đến 20cm. Chị cũng nêu ra một số hộ điển hình trong việc trồng và cải tạo đất rừng như: gia đình ông Lục Văn La ở xã Thanh Long trồng và khoanh nuôi tái sinh 8ha rừng.
Vườn rừng hộ gia đình ở xã Trùng Khánh (Văn Lãng)
Ông Hứa Văn Chức, Bí thư chi bộ thôn Cốc Nhảng xã Gia Miễn giãi bày: thôn Cốc Nhảng có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhưng được cái người dân trong thôn luôn có ý thức tích cực trong việc tham gia trồng và bảo vệ rừng. Ông Thắng cũng cho biết thêm: gần đây ông có đi thực tế, tham quan một số mô hình trồng rừng ở 2 huyện Lộc Bình và Đình Lập, ông thấy hiệu quả trồng rừng ở 2 huyện là rất cao, người dân đã được hưởng lợi từ rừng. Ông đã vào tận rừng lao động cùng người dân, từ đó học hỏi được những kinh nghiệp thực tế để tuyên truyền, áp dụng vào công cuộc trồng rừng của huyện nhà, nhằm giúp Văn Lãng xây dựng mô hình trồng rừng đem lại hiệu quả thiết thực.
Việc thực hiện thành công dự án, không chỉ góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải thiện môi trường mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận lớn nông dân trong vùng, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống.
Mai Hoa - Anh Dũng
Ý kiến ()