Hiệu quả từ việc phối hợp thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
– Trên cơ sở Chương trình phối hợp số 09/CTrPH-BCA-MTTW, ngày 1/8/2013 giữa Bộ Công an và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam về “Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trong tình hình mới”, ngày 27/9/2013, Uỷ ban MTTQ tỉnh và Công an tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp số 22 về nội dung này. Sau 10 năm thực hiện, chương trình phối hợp đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình phối hợp
Chương trình phối hợp số 22 giữa Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Công an tỉnh về “Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới” tập trung vào các nội dung: tuyên truyền pháp luật cho các tầng lớp Nhân dân, vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm; xây dựng các mô hình, thực hiện giải pháp đảm bảo ANTT ở các khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp…
Phối hợp tuyên truyền, vận động hiệu quả
Bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh và các nội dung trong chương trình phối hợp số 22, ngày 17/4/2014 Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh và Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định sáp nhập Ban Chỉ đạo ANTT thành “Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ” (Ban Chỉ đạo 138). Theo đó, 11 huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn đã thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo 138, phân công rõ trách nhiệm của trưởng ban, phó trưởng ban và các thành viên trong thực hiện nhiệm vụ.
Đại tá Nguyễn Xuân Thu, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh cho biết: Hằng năm, Công an tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh đều xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung theo Chương trình phối hợp số 22 và cụ thể hoá các chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh nhằm đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp tuyên truyền pháp luật sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân. Nếu như trước đây, công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân chưa được chặt chẽ, thường xuyên, thì từ khi có Chương trình phối hợp số 22 công tác này đã được đẩy mạnh hơn; cùng đó, hình thức triển khai cũng đa dạng, phong phú và ngày càng hiệu quả.
Đáng chú ý, từ năm 2018 đến nay, các bên đã ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các trang mạng xã hội như facebook, zalo, trang thông tin điện tử… để đăng tải, cập nhật tin tức về tình hình ANTT, các vụ việc vi phạm pháp luật và cảnh báo đến người dân về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm…; phối hợp tổ chức hoạt động an sinh xã hội, gắn với phát động phong trào, diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”, thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia.
Kết quả, từ năm 2013 đến nay, các đơn vị đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được hơn 130.000 cuộc, với 7,4 triệu lượt người nghe; vận động hơn 1,2 triệu lượt hộ gia đình, cán bộ, đoàn viên, học sinh ký cam kết chấp hành pháp luật, phòng, chống tội phạm và các hành vi sai phạm về pháo. Cùng đó, phối hợp phát động phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ với hình thức tập trung tại 330 lượt địa bàn, tổ chức trên 770 diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân” tại cơ sở; tuyên truyền pháp luật gắn với các hoạt động khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho Nhân dân…
Nội dung tuyên truyền được các đơn vị phối hợp thực hiện ngày càng đổi mới, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, qua đó, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân ngày càng được nâng lên, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Từ năm 2013 đến nay, Nhân dân đã cung cấp trên 10.000 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng đấu tranh khám phá án và thực hiện công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Anh Nông Văn Sang, xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc cho biết: Từ tháng 10/2022 đến nay, tôi được dự 2 hội nghị tuyên truyền pháp luật do Uỷ ban MTTQ tỉnh, Công an tỉnh và Uỷ ban MTTQ, Công an xã phối hợp tổ chức. Tại các hội nghị, tôi được cán bộ công an, MTTQ tuyên truyền thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao, tác hại của ma tuý, các quy định của pháp luật về xử lý hành vi vi phạm liên quan. Qua đó, giúp tôi nâng cao hiểu biết để phòng ngừa, chung tay giữ gìn ANTT tại địa phương.
Ban Chỉ đạo 138 huyện Bình Gia tổ chức ra mắt mô hình “Tổ liên kết phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ giữa thôn Nà Tàn, xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia (Lạng Sơn) với thôn Sắc Sái, xã Cư Lễ, huyện Na Rì (Bắc Kạn)
Nhân rộng các mô hình về an ninh trật tự
Cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, Công an tỉnh và Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tập trung phối hợp khảo sát, lựa chọn xây dựng và nhân rộng được các mô hình liên kết, tự phòng, tự quản về ANTT tại các xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục. Đến nay, toàn tỉnh có gần 90 mô hình về ANTT, tăng gấp 5 lần so với năm 2013. Có thể kể đến một số mô hình hoạt động hiệu quả như: “Cụm an ninh liên hoàn” khu vực Na Dương, huyện Lộc Bình; “Camera an ninh”, “Zalo an ninh” triển khai tại 11 huyện, thành phố; mô hình “Tổ liên kết phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ giữa khu vực giáp ranh” được triển khai tại các địa bàn giáp ranh với tỉnh khác như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh; mô hình “Hội hiếu tự quản” ở các thôn, bản trên địa bàn…
Đặc biệt, trong đó có 2 mô hình là “Tuyên truyền vận động Nhân dân chấp hành pháp luật gắn với hoạt động an sinh xã hội” của Công an tỉnh và “Vận động quần chúng Nhân dân tham gia đảm bảo ANTT gắn với phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội, củng cố quốc phòng an ninh” tại xã Thanh Long, huyện Văn Lãng đã được Bộ Công an thông báo nhân rộng ra toàn quốc.
Thượng tá Chu Tuấn Anh, Trưởng Công an huyện Cao Lộc cho biết: Thực hiện chương trình phối hợp, từ năm 2013 đến nay, Công an huyện đã phối hợp với MTTQ huyện hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tại cơ sở duy trì và xây dựng mới, nhân rộng được 31 mô hình hoạt động có hiệu quả. Đơn cử như các mô hình: “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới” tại xã Xuất Lễ, Cao Lâu; “Tổ tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ” tại xã Công Sơn; “Hội hiếu tự quản về ANTT” tại các thôn, bản… Qua các mô hình, trong 10 năm trở lại đây, Nhân dân tự giác giao nộp 233 khẩu súng các loại, 9 quả mìn, 79 quả lựu đạn, 2 kg thuốc nổ; cung cấp nguồn tin giúp lực lượng chức năng phát hiện, phá nhổ hơn 14.700 cây có chứa chất ma tuý…
Đồng chí Nông Lương Chấn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh cho biết: Các mô hình được thành lập và đi vào hoạt động cho thấy hiệu quả thiết thực. Trong đó, nhiều mô hình có thành phần là cán bộ MTTQ, cán bộ, hội viên các đoàn thể, các thành viên đều có uy tín, hiểu biết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong triển khai các hoạt động, phối hợp cùng lực lượng công an phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Kết quả, thông qua các mô hình, từ năm 2013 đến nay, Nhân dân đã tự giác giao nộp trên 3.500 khẩu súng các loại, 255 công cụ hỗ trợ, trên 6.000 viên đạn các loại. Cùng đó, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 660 vụ phạm pháp hình sự, hơn 3.000 vụ phạm tội về ma tuý; hoà giải thành công trên 5.500 vụ mâu thuẫn trong cộng đồng… Nhờ vậy, tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Trong 10 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển hoá thành công 87 địa bàn và đưa ra khỏi danh sách địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT; hiện toàn tỉnh có gần 96% cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường và trên 97% khu dân cư, hơn 95% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”, tăng khoảng 20% so với năm 2013.
Có thể khẳng định, Chương trình phối hợp số 22 giữa Công an tỉnh và Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã góp phần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, tạo sự chuyển biến tích cực về ANTT trên địa bàn. Phát huy kết quả đã đạt được, Công an tỉnh và MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp trong giai đoạn mới, góp phần ổn định tình hình địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Ý kiến ()