Hiệu quả từ việc đa dạng hóa các hoạt động của công tác khuyến nông
Bám sát đặc điểm của địa phương và nhu cầu thực tế của nông dân, những năm gần đây, Trạm Khuyến nông huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã chủ động thực hiện đa dạng hóa các nội dung hoạt động khuyến nông. Không chỉ trở thành “cầu nối” chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân, mà còn góp phần đưa các giống vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế vào sản xuất, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Nhờ hoạt động khuyến nông, cây cam Đường Canh đã giúp nhiều hộ |
Là người khá nhạy bén trong sản xuất nông nghiệp, anh Nguyễn Đức Vinh ở xã Hồng Giang đã sớm đầu tư phát triển cây cam Đường Canh trên đất trồng trọt của mình. Những năm trước, do chưa nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên tuy trồng trên 500 gốc cam song thu nhập của gia đình anh Vinh chẳng là bao do năng suất cam thấp lại hay bị sâu bệnh. Từ năm 2011, nhờ được cán bộ khuyến nông huyện tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phát triển cam Đường Canh “sạch” nên vườn cam của gia đình thu được kết quả ngoài mong muốn. Theo đó, trên cơ sở thực hiện đúng quy trình chăm sóc ngay từ đầu vụ gắn với chủ động phòng trừ sâu bệnh nên năng suất, sản lượng, chất lượng cam của gia đình anh đã không ngừng được nâng lên; hiệu quả kinh tế tăng lên liên tục qua mỗi vụ. Vụ cam năm 2014, với sản lượng gần 15 tấn cam, gia đình anh Vinh đã thu về trên 500 triệu đồng từ tiền bán cam.
Tìm hiểu được biết, gia đình anh Nguyễn Đức Vinh chỉ là một trong số hàng nghìn hộ dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn được hưởng lợi từ các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Lục Ngạn. Với phương châm “Cụ thể, thiết thực, bền vững”, trung bình mối năm, Trạm Khuyến nông huyện Lục Ngạn đã chủ động phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con nông dân, tập trung vào các loại vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với quy trình sản xuất VietGap. Nhờ đó đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên cùng một đơn vị diện tích. Theo thống kê, đến cuối năm 2014, toàn huyện Lục Ngạn có 1.230 ha cây có múi, sản lượng đạt gần 12.300 tấn, giá trị kinh tế vào khoảng 400 – 500 tỷ đồng; trong đó diện tích cam Đường Canh là 541,9 ha với sản lượng khoảng 6,134,8 tấn (tăng 3.500 tấn so với vụ trước), giá trị trên 276 tỷ đồng. Giá trị kinh tế mang lại từ cây cam Đường Canh ước tính cao gấp 22,4 lần so với trồng lúa và cao gấp 6,8 lấn so với trồng vải. Đóng góp vào những kết quả đó không thể không kể tới vai trò quan trọng của công tác khuyến nông. Nói như ông Trần Văn Minh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Lục Ngạn thì “làm nên vị ngọt của trái cam Đường Canh có những giọt mồ hôi của người nông dân và công sức của cán bộ khuyến nông các cấp”.
Song song với việc hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ thuật, công tác khảo nghiệm các giống cây trồng cũng được Trạm Khuyến nông huyện Lục Ngạn chú trọng thực hiện có hiệu quả. Hướng đến “mục tiêu kép” là vừa bảo đảm an ninh lương thực vừa nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao đã được Trạm khảo nghiệm thành công và đưa vào sản xuất trên diện rộng. Điển hình là các giống lúa thuần QR1, lúa thuần BG6, lúa lai Hòa Gia 8, Thịnh Dụ 6… được triển khai tại các xã Giáp Sơn, Thanh Hải, Trù Hựu, Hồng Giang. Không chỉ cho năng suất cao mà những đây còn là những giống lúa có chất lượng gạo thơm, ngon, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Cán bộ khuyến nông các cấp còn tích cực vận động và hướng dẫn nông dân canh tác lúa theo phương pháp “ba giảm, ba tăng” gắn với thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Nhiều loại máy như máy làm đất đa năng, máy gặt đập liên hòa… được đưa vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất…
Một điểm nhấn khác trong những hoạt động của Trạm Khuyến nông huyện Lục Ngạn đó là việc xây dựng các mô hình trình diễn đã được thực hiện có hiệu quả. Thời gian qua, Trạm đã triển khai phối hợp cùng các xã xây dựng gần 30 mô hình trình diễn giống cây trồng mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới. Tiêu biểu trong số đó là mô hình trình diễn giống lạc L14, L24 là những giống lạc cao sản có năng suất cao, khả năng kháng sâu bệnh tốt. Trong chăn nuôi, công tác cải tạo chất lượng con giống và thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống của người dân cũng được Trạm chú trọng. Các mô hình phát triển bò lai Sind, chăn nuôi lợn an toàn sinh hoạt, nuôi thủy sản nước ngọt do Trạm triển khai đã thu được kết quả rất khả quan.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Thông qua những hoạt động đa dạng, phù hợp, cán bộ khuyến nông các cấp ở Lục Ngạn đã luôn bám sát người nông dân, góp phần giúp bà con làm chủ tiến bộ khoa học; ứng dụng hiệu quả vào trong quá trình sản xuất. Nhờ đó đến cuối năm 2014, trên cơ sở phát triển chăn nuôi, trồng trọt, toàn huyện đã có trên 4.480 hộ đạt thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên; 77 hộ có thu nhập từ 300 – 500 triệu đồng/năm; 11 hộ có thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm trở lên”.
Thực tiễn những năm gần đây ở Trạm Khuyến nông huyện Lục Ngạn cho thấy rõ hiệu quả tích cực từ việc thực hiện đa dạng hóa các hoạt động khuyên nông. Thời gian tới, Trạm sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn, đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người sản xuất; đồng thời tăng cường tuyên truyền, nhân rộng những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()