Hiệu quả từ truyền thông
LSO-Trong khi dịch bệnh viêm não Nhật Bản diễn biến phức tạp ở một số địa phương, thì Lạng Sơn vẫn kiểm soát tốt tình hình. Có được kết quả đó là nhờ công tác truyền thông, người dân hiểu được về sự nguy hiểm của dịch bệnh và chủ động các biện pháp phòng ngừa.
![]() |
Trẻ em được tiêm phòng tại Trạm Y tế xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc |
92% trẻ ở địa bàn có nguy cơ cao được tiêm phòng
Từ đầu tháng 6 đến nay, ở các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện Cao Lộc, học sinh được các cán bộ y tế đến tận nơi để tuyên truyền và tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh cũng như tầm quan trọng của việc tiêm phòng, các phụ huynh đã chủ động phối hợp với nhà trường để các em được tiêm đầy đủ 2 mũi đầu. Chị Đặng Thị Thơm (mẹ cháu Vi Thiện Kiên, Trường Tiểu học xã Hợp Thành) kể: Mũi đầu tiên, các cán bộ đến tiêm tại trường nhưng con tôi bị sốt không tiêm được. Được tuyên truyền và nghe thông tin trên báo, đài, tôi thấy bệnh này nguy hiểm nên gia đình đã chủ động đưa cháu đến trạm y tế xã để tiêm phòng đầy đủ.
Không chỉ có chị Thơm mà các phụ huynh có con từ 6 đến 15 tuổi ở xã Hợp Thành đều bố trí công việc để đưa con đến tiêm phòng đầy đủ (218/218 trẻ, đạt tỷ lệ 100%). Bà Bế Thị Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc cho biết: Trước khi triển khai chiến dịch tiêm phòng cho trẻ, huyện đã tổ chức tập huấn kỹ năng cho cán bộ trạm y tế 23/23 xã, thị trấn trên địa bàn. Việc bố trí điểm tiêm và khám sàng lọc được đảm bảo theo đúng quy định. Đến nay, toàn huyện có 11.433 trẻ trong độ tuổi được tiêm phòng viêm não Nhật Bản, đạt tỷ lệ 87,5%. Còn một số trẻ về quê hoặc đi du lịch cùng gia đình, chúng tôi sẽ tổ chức tiêm vét vào đầu năm học mới.
Ngoài huyện Cao Lộc, Văn Lãng cũng là huyện biên giới có nguy cơ cao về dịch bệnh được tỉnh lựa chọn để triển khai kế hoạch tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cho đối tượng trẻ em từ 6 đến 15 tuổi. Đến thời điểm này, trên địa bàn hai huyện có tổng số 15.700/17.000 trẻ trong độ tuổi được tiêm phòng, đạt tỷ lệ 92%.
Kiểm soát tốt, không tạo thành dịch bệnh
Từ năm 2015 đến nay, viêm não Nhật Bản được đưa vào tiêm thường xuyên hằng tháng tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn tạo thành chiến dịch đồng loạt. Phần lớn trẻ em dưới 3 tuổi được tiêm phòng đầy đủ. Do khoảng cách giữa các mũi tiêm không đều nên các bậc phụ huynh rất dễ quên. Tuy nhiên, nhờ nhận thức tốt về dịch bệnh, các bậc cha mẹ đã chủ động đưa con đến các cơ sở y tế để tiêm dịch vụ. Chị Hoàng Hồng Hoài (phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn) cho biết: Vợ chồng tôi đi làm giờ hành chính, rất khó để đưa con đi tiêm đúng lịch hẹn ở phường. Vì thế tôi chủ động đưa con đi tiêm dịch vụ. Hai cháu tiêm chung 1 lọ vắc xin thì cũng chỉ tốn mấy chục nghìn mà lại yên tâm, không lo con bị lây dịch bệnh.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Nhờ truyền thông, các bậc cha mẹ đã nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh nên chủ động đưa con đến các cơ sở y tế để tiêm phòng đầy đủ. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ phát hiện 3 trường hợp bị mắc bệnh và đã nhanh chóng chữa khỏi (nhờ trước đó đã tiêm phòng 2 mũi nên dễ điều trị hơn). Vì thế, chúng tôi khuyến cáo các bậc phụ huynh nên cho con từ 1 đến 15 tuổi tiêm phòng viêm não Nhật Bản đầy đủ. Khi phát hiện trẻ có triệu chứng của bệnh phải đưa ngay đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có thể dẫn tới tình trạng tổn thương não vĩnh viễn, tỷ lệ tử vong rất cao (30%). Dịch bệnh thường xảy ra vào mùa hè qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi thuộc giống Culex và Aedes. Để phòng ngừa dịch bệnh này, cách hiệu quả nhất là cho trẻ từ 1 đến 15 tuổi tiêm phòng đầy đủ. Ngoài ra cần lưu ý vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh, tránh để muỗi sinh sôi phát triển, truyền bệnh. |
NGỌC HIẾU
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()